Kiếm hơn 15 tỷ USD trong năm nay, ông chủ Zoom vẫn tất bật làm việc 18 giờ/ngày và chưa quen với sự giàu có

Ông chủ Eric Yuan của Zoom xuất hiện dày đặc trên mặt báo năm 2020 vì giàu lên quá nhanh. Tuy nhiên, vị tỷ phú cho rằng "tiền không mang lại hạnh phúc", ưu tiên trò chuyện với gia đình hơn là những chuyến du lịch xa xỉ.

Nền kinh tế toàn cầu lao đao trong dịch Covid-19 đã khiến túi tiền nhiều tỷ phú vơi đi đáng kể. Tuy nhiên “thời thế tạo anh hùng”, các ông lớn ngành công nghệ lại chứng kiến tài sản của mình tăng rất nhanh, và Eric Yuan - người sáng lập ứng dụng họp trực tuyến Zoom là một trong số đó.

Tỷ phú 50 tuổi hiện đang nắm trong tay 19,3 tỷ USD tính đến ngày 12/9/2020, tăng 15,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, Eric Yuan tự nhận đang làm việc tới 18 giờ/ngày và không nghĩ đến chuyện hưởng thụ sự giàu có thần tốc của mình.

Dành cả thanh xuân khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, nảy ra ý tưởng Zoom vì... nhớ người yêu

Yuan sinh ra ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với bố mẹ là kỹ sư mỏ địa chất. Thời sinh viên, ông theo học ngành toán ứng dụng, sau đó lấy bằng thạc sĩ ngành kỹ thuật.

Từng dành 4 năm lập nghiệp ở Nhật Bản, nhưng khi nghe được một bài phát biểu của Bill Gates về bong bóng dot-com, ông chợt nảy ra ý định muốn đến Thung lũng Silicon làm việc trong lĩnh vực internet.

Giấc mơ Mỹ của Yuan nhiều lần bị gián đoạn khi bị từ chối thị thực đến 8 lần. Mãi đến năm 1997, vị tỷ phú tương lai mới có thể dọn đến bang California. Lúc đó ông 27 tuổi và không nói được tiếng Anh trôi chảy. Vì vậy, Yuan đành dồn hết quỹ thời gian của mình cho công việc để chứng tỏ năng lực.

Chính trải nghiệm yêu xa thời trẻ đã thúc đẩy Eric Yuan sáng lập Zoom. Ảnh: Getty
Chính trải nghiệm yêu xa thời trẻ đã thúc đẩy Eric Yuan sáng lập Zoom. Ảnh: Getty

Nhờ nỗ lực từng ngày, cuối cùng Yuan đã trở thành phó chủ tịch công ty thiết bị viễn thông Cisco Systems. Ông cũng từng trải nghiệm công việc ở WebEx, một công ty hội họp qua video trực tuyến được Cisco thâu tóm năm 2007.

Chính thời gian làm việc ở WebEx đã thổi bùng đam mê khởi nghiệp của Yuan. Tuy nhiên, ý tưởng về Zoom đã có khi ông còn là sinh viên ở Trung Quốc. Lúc đó, Yuan và bạn gái (giờ là vợ chồng) học ở hai trường khác nhau, cách xa đến 10 giờ đi tàu hỏa. 

“Tôi chỉ có thể gặp cô ấy mỗi năm 2 lần và tốn hơn mười mấy tiếng ngồi tàu. Lúc đó tôi khoảng 18, 19 tuổi và đã nghĩ rằng thật tuyệt nếu như trong tương lai, chúng ta có một thiết bị mà chỉ cần ấn nút là có thể nhìn thấy và trò chuyện với người yêu”, Yuan hóm hỉnh chia sẻ.

Có lẽ ý nghĩ lãng mạn thời thanh xuân đã khiến Eric Yuan càng muốn tạo ra giao diện thân thiện trên ứng dụng mà ông sáng lập. Zoom nổi tiếng với các phông nền ảo diệu, giúp bạn ngồi họp ở nhà mà vẫn giống như đang thư giãn trên bãi biển hay vi vu tại Cầu Cổng Vàng vậy.

Tuy nhiên thời điểm năm 2011, khi Yuan nêu ý tưởng về một nền tảng họp trực tuyến tiện lợi trên smartphone, ông đã bị các sếp ở Cisco từ chối. Yuan quyết định nghỉ việc để tự mình khởi nghiệp. 

“Cisco lúc đó đang tập trung vào mạng lưới kết nối, cố gắng tạo ra một phiên bản Facebook dành cho doanh nghiệp. Họ đã sai lầm. Ba năm sau khi tôi rời đi, họ mới nhận ra ý tưởng của tôi là chính xác”.

Giao diện thân thiện, thú vị là một trong những lợi thế của Zoom. Ảnh: Eric Yuan
Giao diện thân thiện, thú vị là một trong những lợi thế của Zoom. Ảnh: Eric Yuan

Cũng giống như nhiều nhà khởi nghiệp với ý tưởng hấp dẫn nhưng ít kinh nghiệm, Yuan không thể thuyết phục giới đầu tư rót vốn. “Họ nói rằng thị trường này đã quá đông, cuộc chơi kết thúc rồi”, nhà sáng lập kể lại.

Khi liên tục nhận thất bại cay đắng, Yuan đã phải tự củng cố lòng tin của mình bằng cách thay màn hình máy tính bằng dòng chữ: “It can’t be done” (Dự án này không thể tàn) và lại lao đầu vào công việc. 

Cuối cùng, ông đã vay mượn gia đình, bạn bè để sáng lập Zoom. Trong những ngày đầu, ông chủ Yuan tự mình làm hết mọi việc, thậm chí kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc khách hàng. Điều này dẫn đến sự cố dở khóc dở cười là một khách hàng buộc tội Yuan “thiếu trung thực, mạo danh CEO” vì không tin vị giám đốc lại có thể ngồi email cho từng khách hàng nhỏ.

Yuan đã đề nghị một cuộc gọi điện qua Zoom ngay lập tức để chứng minh mình là CEO và không có chiêu trò marketing gì cả. Kết quả, khách hàng không gọi điện nhưng cũng “không ai còn buộc tội Zoom là thiếu trung thực nữa”.

Đúng 8 năm sau ngày thành lập, Zoom đã lên sàn chứng khoán vào tháng 4/2019 và trở thành thương vụ IPO thành công bậc nhất của năm, được định giá cao hơn cả Lyft và Pinterest. Đây cũng là dấu mốc đưa chàng kỹ sư gốc Hoa gia nhập vào “câu lạc bộ tỷ phú”. 

CEO thân thiện, “làm việc hết mình và luôn khiêm tốn”

Trở thành tỷ phú nhưng Yuan vẫn rất hòa đồng, thân thiện với nhân viên. Ông được 99% nhân viên “chấm điểm” tốt trên trang web đánh giá doanh nghiệp Glassdoor. 

Triết lý của vị doanh nhân này là “Làm việc hết mình và luôn khiêm tốn”. Ông dùng chung văn phòng với giám đốc sản phẩm của công ty. Ngoài ra, Yuan luôn cố gắng tổ chức họp gọn nhẹ qua Zoom và hạn chế đi công tác - một phần để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, một phần giảm tác động của khí thải máy bay đối với tình trạng biến đổi khí hậu.

Yuan không có nhiều thú vui ngoài 2 ưu tiên là công việc và gia đình nhỏ của mình. Ảnh: Zimbio
Yuan không có nhiều thú vui ngoài 2 ưu tiên là công việc và gia đình nhỏ của mình. Ảnh: Zimbio

Yuan và bà xã đã có hai con trai, một con gái. Gia đình sống ở Saratoga - một trong những khu đắt đỏ nhất thuộc Thung lũng Silicon. Họ cũng đi xế hộp Tesla sang trọng nhưng vì hãng này là khách hàng của Zoom.

Còn trong các nhu cầu khác, Yuan cố gắng đơn giản hóa chúng vì chưa quen với lối sống xa hoa, hào nhoáng. “Nếu ở tuổi 25, chắc tôi sẽ rất hào hứng. Nhưng giờ những thứ đắt tiền không còn sức tác động mạnh mẽ với tôi. Tiền không thể mang lại niềm hạnh phúc”, tỷ phú chia sẻ.

Bên cạnh dành thời gian quây quần ở nhà hay cùng con trai chơi bóng rổ ở trường, Eric Yuan vẫn vùi đầu vào công việc. Ông đang rất hào hứng dự đoán thế hệ tương lai sẽ ưa chuộng mô hình làm việc từ xa.

“Thế hệ millennials nhận ra họ có thể hoàn thành công việc mà chẳng cần đến văn phòng. Trong 10 năm tới, khi họ trở thành nhà lãnh đạo, mô hình làm việc từ xa sẽ còn phát triển bùng nổ hơn. Covid chỉ là chất xúc tác cho xu hướng này. Sớm muộn gì chuyện đó cũng xảy ra. Thế giới không còn thuộc về chúng ta nữa, nó sẽ thuộc về các thế hệ tiếp theo”, Yuan nhận định.

Tin Cùng Chuyên Mục