Kim ngạch xuất nhập khẩu chính thức cán dấu mốc mới

Nhật Thu

Không phải 700 tỷ USD như dự báo trước đó, số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam đã đạt 732,5 tỷ USD. Thời gian cán đích những dấu mốc XNK đang được rút ngắn dần…

Chỉ mất 1 năm để… lên đỉnh cao mới

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính, năm 2022, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đạt 732,5 tỷ USD, tăng khoảng 9,5% so với năm 2021. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó xuất khẩu (XK) đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 10 tỷ USD (tăng hơn 1 mặt hàng so với năm 2021). Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm 2021 xuất siêu 3,32 tỷ USD), đồng thời là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu XK, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch XK.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 có nhiều thành tích ấn tượng
Xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 có nhiều thành tích ấn tượng

Cũng theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa cả năm 2022 ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tỷ trọng bằng năm trước; NK của nhóm hàng không khuyến khích NK chỉ chiếm 6%.

Tại Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương mới đây, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá, trong năm 2022 có 3 kết quả quan trọng trong duy trì thành tích về XK, gồm kim ngạch XK tăng hơn 10%, đạt kỷ lục về tổng kim ngạch XNK và xuất siêu cũng rất cao. Nếu so sánh tổng kim ngạch XNK từ 2015 thì thấy, trước đây, mất 4 năm kim ngạch XNK của Việt Nam mới tăng thêm 100 tỷ USD. Đến năm 2017 thì thời gian rút ngắn còn 2 năm kim ngạch tăng thêm 100 tỷ nhưng chỉ trong 1 năm 2022, tổng kim ngạch đã tăng 100 tỷ. Kỳ tích này càng được đánh giá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, cả thế giới đang dần thắt chặt chi tiêu, càng cho thấy nỗ lực chung của hệ thống chính trị và vai trò của các bộ, ngành.

Thách thức lớn ngay trước mặt…

Mặc dù kim ngạch XK của năm 2022 tăng cao nhưng nhiều chuyên gia, hiệp hội ngành hàng đều nhận định kết quả này đạt được là do kim ngạch XK 2 quý đầu năm cao, quý III kim ngạch bắt đầu chậm dần và đến quý IV đã tụt dốc. Cụ thể, trong quý III/2022, kim ngạch XK đạt 96,5 tỷ USD giảm 0,5% so với quý II/2022. Trong quý IV/2022, kim ngạch XK ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm đến 7,1% so với quý III/2022.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, XK quý IV sụt giảm mạnh do thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Một số mặt hàng chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá XK không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm… đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng XK chung của cả nước.

Bên cạnh đó, dù XK tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn còn lớn khi kim ngạch XK của khối DN FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch XK, giá trị gia tăng trong XK chưa được như mong muốn.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Khánh, tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động XK tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm. Đáng lo là vẫn còn việc phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu và năng lực XK của các DN 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa chưa cao.

Trước những thách thức này, Bộ Công Thương khuyến nghị các DN nghiên cứu, tăng sản lượng thu mua từ nguồn cung trong nước với những mặt hàng có giá NL tăng cao và có phương án thay thế thị trường thích hợp. Đồng thời tăng cường tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới để đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) mở rộng thị trường theo hướng ưu tiên triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến XK vào với các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu COVID-19;

Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh hoạt động XTTM đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có hiệp định thương mại với Việt Nam; Lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng có thế mạnh, có tiềm năng XK, ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoạt động XTTM.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục