Kinh doanh ẩm thực gồng mình chống Covid-19

Minh Quân

Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cửa hàng kinh doanh ẩm thực, dịch vụ ăn uống quay cuồng vì không tìm ra lời giải cho thời gian này.

Sau kì nghỉ Tết, ai cũng muốn tập trung toàn lực để gỡ lại khoảng thời gian nghỉ dài, điều này đúng với nhiều năm, tuy nhiên 2020 lại khác biệt khi có sự xuất hiện của một vị khách không mời mà tới - Virus Corona (Covid-19).

Khác với sự đông đúc, nhộn nhịp thường thấy ở những cửa hàng ăn uống trên các con phố, ế ẩm hay mất khách là những gì nhiều chủ cửa hàng kinh doanh ẩm thực chia sẻ với doanhnhan.vn, lượng khách tụt giảm nghiêm trọng vì dịch kéo theo rất nhiều hệ lụy tới việc kinh doanh cũng như gây ra nhiều thiệt hại kinh tế cho chính những người làm kinh doanh ẩm thực cũng như các nhân viên, nhân sự làm việc trong các cửa hàng này.

Mặc dù vậy, thời điểm khó khăn cũng là lúc xuất hiện những tín hiệu tích cực trong công tác phòng chống dịch, trách nhiệm của từng cá nhân cũng như các tập thể trong quá trình đẩy lùi dịch bệnh tại Việt Nam.

Kinh doanh ẩm thực gồng mình chống Covid-19 - Ảnh 1

Nước rửa tay trở thành một thứ không thể thiếu với nhiều cửa hàng kinh doanh ẩm thực trong thời gian này. 

"Tết năm nay sao dài quá"

Trò chuyện cùng doanhnhan.vn, anh Tuấn Hà, một chủ cửa hàng ăn nhỏ tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết thường thường sau thời điểm Tết sẽ là cơ hội để cửa hàng tăng thêm doanh số, các chủ cửa hàng kì vọng đợt nghỉ dài sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Anh Hà trước Tết đã dặn dò trước nhân viên trong quán chuẩn bị đồ đạc, tâm thế đầy đủ để chuẩn bị cho một mùa sau Tết bận rộn.

"Nguyên liệu đầu vào của cửa hàng được chúng tôi ước tính cao hơn bình thường, các đối tác cung cấp nguyên liệu cũng đã chuẩn bị xong hết. Thế mà Tết năm nay sao dài quá, đầu vào quá nhiều trong khi đầu ra quá ít, kinh doanh thực phẩm thì nguyên liệu lúc nào cũng phải tươi mới khách mới yên tâm, giờ không bán được cho ai hỏng hết chỉ còn cách vứt bỏ", anh Hà chia sẻ.

Cửa hàng của anh lác đác chỉ có vài người tới mua mang về, người ngồi lại rất ít, tình trạng vắng khách kéo ra trong nhiều ngày nay kể từ khi Covid-19 xuất hiện, tiền thuê nhà, chi phí vận hành, tiền lương cho nhân viên vẫn phải trả, anh Hà cho rằng có lẽ đây là thời điểm bất ngờ nhất trong chặng đường kinh doanh của mình.

"Tất nhiên, đây là điều chẳng ai muốn, thế nhưng bây giờ người dân còn hạn chế ra đường nói gì tới đi ăn, đi uống. May mắn là chúng tôi vẫn có lượng khách tới mua về, thậm chí những khách hàng đặt đồ qua ứng dụng vẫn có và đang tăng dần theo ngày", anh Hà cho biết thêm.

Thay đổi để sống chung với khó khăn

Khó khăn là tình trạng chung của rất nhiều cửa hàng kinh doanh ẩm thực trong thời điểm Covid-19 còn phức tạp, rất nhiều hàng kinh doanh đã chuyển hướng sang tập trung cho mô hình kinh doanh online, chuyển hàng hóa qua các ứng dụng vận chuyển. Chị Hoa, một viên chức tại Hà Nội cho hay kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, gia đình chị cũng như nhiều đồng nghiệp khác đã chuyển qua hình thức đặt hàng trực tuyến thay vì tới tận nơi như trước đây, thậm chí tới cả những mua sắm nhu yếu phẩm gia đình cũng được chuyển qua hình thức mua hàng trực tuyến.

"Từ ăn trưa, ăn tối cho tới mua đồ dùng gia đình chúng tôi đều có thể thực hiện online được, rất tiện. Các mặt hàng được bán cũng rất đa dạng, cách thức mua cũng dễ và được chuyển tới tận nhà nên tôi chọn hình thức này thay vì ra ngoài để phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Tất nhiên mình sẽ phải chịu thêm một số chi phí vận chuyển và sẽ không được xem hàng trước khi mua thế nhưng cách thức này an toàn và thật sự là tiện lợi hơn rất nhiều", chị Hoa cho biết.

Kinh doanh ẩm thực gồng mình chống Covid-19 - Ảnh 2

Không những cung cấp nước rửa tay, vệ sinh tay cho khách hàng trước khi vào, nhiều cửa hàng còn có các biện pháp tuyên truyền tích cực giúp khách hàng, đội ngũ nhân viên đóng góp vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Với những cửa hàng chưa chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến hoặc vẫn có khách hàng tới thăm, rất nhiều cửa hàng đã có các động thái chuẩn bị để phòng chống dịch cho đội ngũ nhân viên cũng như khách hàng. Đây không chỉ là cách thức để khiến khách hàng yên tâm hơn mà nó còn là phương pháp hữu hiệu để tăng cường hình ảnh doanh nghiệp, góp sức trong công cuộc phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục