Kinh doanh hậu Covid-19 ở Vũ Hán: "Chỉ còn kẻ mạnh sống sót, chúng tôi phải đưa ra những quyết định đau đớn"

Trần Phương (theo Bloomberg)

(Doanhnhan.vn) - Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã bị Covid-19 tàn phá nặng nề. Giờ đây, dù lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ, những người kinh doanh như anh Xiong Fei đang phải vật lộn khi thói quen của khách hàng có thể đã thay đổi mãi mãi.

Sau hơn 2 tháng thực hiện cách ly xã hội, giờ đây người dân Vũ Hán đã có thể tự do đi lại. Số ca nhiễm ở thành phố này đã giảm từ hàng nghìn người mỗi ngày vào thời điểm giữa tháng 2 xuống chỉ còn không qua mười người mỗi tuần. Tuy nhiên, đối với anh Xiong Fei, chủ một chuỗi nhà hàng nổi tiếng tại Vũ Hán, việc chấm dứt phong tỏa ở thành phố ven sông Dương Tử không hề mang lại sự nhẹ nhõm nào, thay vào đó là những thách thức chưa từng có trong đời kinh doanh.

Kinh doanh hậu Covid-19 ở Vũ Hán:

Anh Xiong Fei tại một nhà hàng của mình ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg 

Trong khi các nhà máy quanh thành phố đang làm việc ngày đêm để lấy lại nhịp độ như trước, việc hồi phục nhóm ngành dịch vụ, đặc biệt là ăn uống, như của anh Xiong lại chẳng dễ dàng. Người dân đổ ra đường nhiều hơn, mang theo cảm giác thận trọng, đồng nghĩa với việc họ luôn giữ mình tránh xa các đám đông và hoạt động tập thể, tránh xa những không gian ấm áp từng một thời là thói quen tiêu dùng của giới trung lưu Trung Quốc.

Xiong lo sợ hành vi khách hàng đã thay đổi, cảnh báo những khó khăn chưa từng đối mặt trong nhiều năm kinh doanh của mình và gia đình. “Trước đây mọi người thường tụ tập ăn trưa cùng với đồng nghiệp, nhưng bây giờ thì họ đều tự mang theo phần ăn của mình. Mọi người nấu ăn ở nhà nhiều hơn ra ngoài ăn.”

Doanh nghiệp của anh Xiong - Công ty quản lý dịch vụ ăn uống Bainianfeng - hiện điều hành 10 nhà hàng, một nửa trong số đó phục vụ món lẩu, loại hình ăn uống hầu hết khách hàng đều tránh trong thời điểm này. Hiện chưa nhà hàng nào trong số này mở cửa trở lại để phục vụ ăn uống tại chỗ. Để duy trì hoạt động, anh Xiong biến 3 nhà hàng thành điểm chế biến thức ăn bán online, trong khi giải tán 3 địa điểm khác. 

"Doanh số của chúng tôi sẽ giảm đáng kể", doanh nhân 40 tuổi than thở.

Việc kinh doanh của anh Xiong là một ví dụ cho thấy một tương lai bất ổn mà các chủ doanh nghiệp nhỏ trên toàn cầu đang phải đối mặt, ngay cả khi cuộc sống trở lại bình thường sau chấm dứt phong tỏa. 

Thành phố Vũ Hán, vốn là trung tâm sản xuất thép và ô tô nhộn nhịp, vẫn bị kìm kẹp bởi nỗi lo tái nhiễm. Các công ty đều kiểm tra nhân viên trước khi cho họ vào làm việc và tiến hành khử trùng cơ sở hàng ngày. Nếu chẳng may một khách hàng hay một nhân viên bị nhiễm virus, các doanh nghiệp lại phải đóng cửa một lần nữa. Những rủi ro này nằm ngoài bất cứ kế hoạch kinh doanh nào, dù được chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu. 

Kinh doanh hậu Covid-19 ở Vũ Hán:

Một đầu bếp của nhà hàng đang nghỉ ngơi. Vì đại dịch mà nhà hàng chỉ hoạt động với hình thức giao đồ ăn. Ảnh: Bloomberg 

Kể từ ngày Vũ Hán thông báo sẽ phong tỏa thành phố trong vòng 8 tiếng để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 (ngày 23/1), sự căng thẳng và lo lắng gần như chưa bao giờ từ bỏ anh Xiong. Trong làn sống 5 triệu người cố gắng rời thành phố trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực lúc 10h sáng, Xiong và gia đình đã không thể làm vậy. Anh là người ở Vũ Hán, và doanh nghiệp của anh chắc chắn sẽ gặp rủi ro. “Tôi biết các nhà hàng sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất. Và tôi cũng lo lắng cho sức khỏe của các nhân viên” , anh nói.

Hồi cuối tháng 12/2019, tin đồn được lan truyền khắp nơi về một căn bệnh viêm phổi bí ẩn đã khiến hơn 2.500 người ở Vũ Hán tử vong. Vì vậy, hầu hết các nhà hàng của anh Xiong đều phải đóng cửa trước trước khi có lệnh phong tỏa. Đó là một quyết định đau đớn khi số thực phẩm tươi sống trị giá 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 142.000 USD) của nhà hàng xem như bỏ đi.

Khi Chính phủ áp dụng lệnh cách ly, Bainianfeng, cũng như các nhà hàng khác trên thế giới, lui về hoạt động dưới hình thức giao đồ ăn. Tuy nhiên, Vũ Hán đã biến thành một thị trấn ma chỉ sau một đêm. Anh Xiong lại phải đau đầu tìm nguồn cung và vận chuyển nguyên liệu đang trở nên ngày càng đắt đỏ vì khan hiếm. Số lượng nhân viên của nhà hàng cũng giảm đi đáng kể vì lo sợ và bị hạn chế đi ra đường. Những người còn ở lại làm việc phải thường xuyên lau chùi khử khuẩn căn bếp nhà hàng để tiếp tục mở cửa trong thời gian phong tỏa.

Kinh doanh hậu Covid-19 ở Vũ Hán:

 Một đầu bếp đang xịt khử khuẩn các thực phẩm đóng gói. Ảnh: Bloomberg

Trước khi dịch bệnh bùng phát, mọi người có thể xếp hàng chờ 40 phút vào cuối tuần để được vào ăn tại các nhà hàng của anh Xiong. Trong thời gian phong tỏa, anh rất may mắn khi có được các đơn đặt hàng giao thức ăn thông qua app Ele.me (của Alibaba) và Meituan Dianping (của Tencent). Để thu hút khách hàng, 3 nhà hàng còn hoạt động của anh đã cung cấp các đơn giao hàng đến bất kì địa điểm nào trong thành phố, kể cả có phải tốn hàng giờ di chuyển. Các nền tảng online này được hưởng 20% doanh số, tuy nhiên “chúng tôi không dám tăng giá vì như vậy có thể khiến khách hàng phàn nàn”, anh Xiong nói.

Trong 5 năm qua, anh Xiong đã phải đau đầu vì giá thuê mặt bằng tăng lên gấp 2, làm giảm lợi nhuận đi 3 triệu nhân dân tệ. Năm nay, anh dự kiến sẽ mất thêm 2 triệu nữa vì tình trạng phong tỏa. Chi phí vận hành tất cả các nhà hàng của anh Xiong trong một ngày vào khoảng 50.000 nhân dân tệ, trong đó gần một nửa  là tiền thuê mặt bằng. Anh cũng đã phải sa thải ít nhất 40 nhân viên.

Giờ đây, anh Xiong đang phải tìm ra những cách mới để duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Tin rằng xu hướng đặt hàng online sẽ còn tiếp tục, anh đã nhập về những chiếc máy đóng gói thực phẩm công nghệ cao từ Đài Loan để bán cho các nhà hàng khác. Anh cũng bắt đầu một kênh livestream với người em họ của mình, một cựu người mẫu, để thực hiện việc nấu và ăn tại nhà hàng.

Thị trường luôn đi theo sự chọn lọc tự nhiên, và chỉ những người mạnh nhất mới có thể sống sót” . 

Tin Cùng Chuyên Mục