Kon Tum: "Vàng tặc" oanh tạc vùng biên

Du Nghĩa - Uyên Thu

Máy hút vàng, đãi vàng hoạt động rầm rộ tại nhiều điểm thuộc các xã Đăk Nhoong, Đăk Sút, huyện Đăk-Glei (Kon Tum). Oái oăm thay, các xã đều báo cáo rằng không có "vàng tặc" trên địa bàn!?

“Vàng tặc” oanh tạc

Tây Nguyên được xem là vùng đất màu mỡ, tập trung nhiều gỗ, vàng, cát... nhưng những năm trở lại đây, nạn khai thác trái phép các nguồn tài nguyên quốc gia đang diễn biến hết sức phức tạp.

Trong một chuyến công tác tại các xã biên giới của huyện Đăk-Glei, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra hết sức công khai, ngay sát trung tâm xã Đăk Nhoong và xã Đăk Sút, huyện Đăk-Glei (Kon Tum).

Kon Tum:

 Máy đãi vàng hoạt động công khai. Ảnh: Du Nghĩa.

Ngay sát con đường bê-tông ở thôn Rooc Mẹt, xã Đăk Nhoong, nhiều máy đãi vàng với công suất lớn đang hoạt động hết công suất. Thấy người lạ đi vào, họ vẫn thản nhiên hút và đãi vàng.

Nằm cạnh cầu Rooc Mẹt chỉ cách con đường bê-tông vài bước chân, một máy hút vàng, đãi vàng réo liên thanh mà không thấy bóng dáng của chính quyền xã kiểm tra, xử lý.

Chúng tôi quay lại trung tâm xã Đăk Nhoong. Từ đây, để vào được thôn Đăk Ung, buộc phải đi qua Đồn biên phòng Đăk Nhoong. Cách UBND xã Đăk Nhoong và đồn biên phòng chỉ khoảng 1km có một con suối ven đường tuần tra (hướng về Đồn biên phòng 671 Rơ Long). Ở con suối này, chúng tôi bắt gặp hàng chục thanh niên đang ngăn dòng nước và tiến hành đãi vàng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Doanhnhan.vn, hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra khá công khai tại một số thôn thuộc xã Đăk Nhoong. Vị trí khai thác nằm sát đường bê-tông, ai đi qua cũng thấy, nhưng không hiểu sao vấn nạn này vẫn tồn tại.

Kon Tum:

Chính quyền xã cố tình "che đậy" sự thật. Ảnh: Du Nghĩa. 

Không chỉ tại xã Đăk Nhoong, mà khi đứng ngay trung tâm xã Đăk Sút, chúng tôi vẫn nghe khá rõ tiếng máy móc đang hoạt động khai thác vàng. Tiếp cận hiện trường, phóng viên ghi nhận: Tại hố sâu đã được đào sẵn, một “vòi rồng” được chọc thẳng xuống và hút đất cát lên máy đãi vàng. Xung quanh máy đãi vàng đang hoạt động hết công suất, khoảng 7-8 người đang ngồi trực sẵn để thu “chiến lợi phẩm”. Sau khi hút đất, cát lên máy đãi vàng, “chiến lợi phẩm” sẽ lọt xuống khe và được giữ lại. Còn lại toàn bộ đất, cát sẽ đổ trực tiếp xuống sông.

Mặt khác, để tách được vàng tự nhiên ra khỏi quặng vàng, các đối tượng còn sử dụng chất xyanua. Sau khi tách vàng, họ lại đổ hóa chất cực độc này ra sông, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Kon Tum:

Các chất thải được đổ trực tiếp xuống sông. Ảnh: Du Nghĩa. 

Chính quyền xã báo cáo sai sự thật?

Trao đổi với phóng viên Doanhnhan.vn về vấn nạn “vàng tặc” đang hoành hành khắp các xã của huyện Đăk-Glei (Kon Tum), ông A Nhã - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk-Glei, cho biết: “Về vấn đề này, cả tỉnh và huyện đều cương quyết xử lý. Tuy nhiên, địa bàn này cư dân phần lớn là người đồng bào dân tộc nên nếu vi phạm lần đầu thì sẽ nhắc nhở, tuyên truyền, nếu tái phạm sẽ lập biên bản, tịch thu máy móc”.

“Trong các cuộc họp, chính quyền xã đều báo cáo là không có nạn khai thác vàng trái phép. Điều này chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm”, ông A Nhã khẳng định.

Sau đây liệu chính quyền các xã liên quan có bị truy cứu trách nhiệm? Doanhnhan.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Tin Cùng Chuyên Mục