“Kỳ lân” công nghệ VNG: Lỗ sau thuế hơn 1.500 tỷ đồng, cổ phiếu thoát khỏi diện hạn chế giao dịch

An Chi

HNX đã quyết định đưa cổ phiếu VNZ ra khỏi diện hạn chế giao dịch sau khi nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo đưa cổ phiếu VNZ của CTCP VNG ra khỏi diện hạn chế giao dịch từ 5/6/2023. Nguyên nhân là do công ty đã nộp lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán theo quy định tại điểm b khoản 5 điều 34 Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành kèm theo quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

“Kỳ lân” công nghệ VNG: Lỗ sau thuế hơn 1.500 tỷ đồng, cổ phiếu thoát khỏi diện hạn chế giao dịch - Ảnh 1

Trước khi nhận quyết định này, do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán quá 45 ngày, cổ phiếu của “kỳ lân” công nghệ VNG bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5.

Theo báo cáo tài chính năm 2022 sau kiểm toán, VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ 2021.

So với kế hoạch kinh doanh năm 2022 mà VNG đặt ra, công ty mới chỉ hoàn thành 78% chỉ tiêu năm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế VNG năm 2022 âm 1.534 tỷ đồng, vượt xa mức lỗ dự kiến 993 tỷ đồng.

VNG lỗ lớn trong năm 2022 do các chi phí vận hành doanh nghiệp đều tăng, gồm chi phí bán hàng (tăng 15% lên mức 2.728 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 42%, lên mức 1.579 tỷ đồng).

Ngoài ra, phần lỗ từ các công ty liên kết với VNG cũng tăng từ 8 tỷ đồng trong năm 2021 lên hơn 181 tỷ đồng trong năm 2022, khi công ty đã mạnh tay rót vốn vào một loạt các startup trong và ngoài nước.

Điển hình là các khoản đầu tư của VNG vào startup Telio lỗ hơn 80 tỷ đồng, đầu tư vào Funding Asia lỗ hơn 46 tỷ đồng, hay đầu tư vào Beijing Youtu lỗ hơn 35 tỷ đồng. Duy nhất khoản đầu tư vào Day One giúp VNG lãi hơn 550 triệu đồng trong năm 2022.

Cá biệt, trường hợp khoản đầu tư của VNG vào Tiki Global đã có giá trị về 0 tính đến cuối năm 2022.

Một trường hợp đáng chú ý khác là Công ty Cổ phần Zion - công ty con do VNG sở hữu 69,98% cổ phần chỉ báo lỗ hơn 80 tỷ đồng trong năm 2022 - mức lỗ này giảm đáng kể so với các năm trước đây.

Zion chính là đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay. Năm ngoái, ZaloPay có hơn 11,5 triệu người và 35.000 điểm thanh toán trên cả nước. ZaloPay hiện cũng là ví điện tử có tốc độ phát triển người dùng nhanh nhất trong 3 năm qua.

Năm 2022, VNG đặt mục tiêu đạt doanh thu 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng. Như vậy, "kỳ lân" này mới hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế vượt xa con số dự kiến.

“Kỳ lân” công nghệ VNG: Lỗ sau thuế hơn 1.500 tỷ đồng, cổ phiếu thoát khỏi diện hạn chế giao dịch - Ảnh 2

Cập nhật KQKD quý 1/2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.853 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Song, do áp lực chi phí hoạt động lớn cùng với chi phí tài chính cùng nhiều khoản chi phí khác, VNG báo lỗ sau thuế 90 tỷ đồng.

Trên thị trường, VNZ hiện đang dừng ở mức 771.900 đồng/cp và vẫn đang là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, so với mức đỉnh đạt được vào giữa tháng 2, cổ phiếu này đã giảm hơn 46% thị giá. Vốn hoá tương ứng “bốc hơi” khoảng 19.000 tỷ đồng sau hơn 3 tháng, còn chưa đầy 1 tỷ USD.

“Kỳ lân” công nghệ VNG: Lỗ sau thuế hơn 1.500 tỷ đồng, cổ phiếu thoát khỏi diện hạn chế giao dịch - Ảnh 3

Tin Cùng Chuyên Mục