Kỳ lân đầu tiên của Việt Nam đặt cược vào AI, cạnh tranh với nước ngoài

LIEN HOANG/Nikkei Asia

“Việt Nam có thể ngồi chờ nước ngoài phát triển các dịch vụ dựa trên AI. Nhưng những ý tưởng tuyệt vời luôn đến từ sự cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế”.

Doanhnhan.vn trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết đăng trên Nikkei Asia của tác giả LIEN HOANG.

Sài Gòn vào một buổi chiều không nắng, Vương Quang Khải đưa phóng viên (PV) của tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) lên chiếc SUV nhỏ gọn của ông để giới thiệu về Kiki, trợ lý giọng nói ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của VNG.

Ông Vương Quang Khải là Phó chủ tịch điều hành của VNG, một tập đoàn công nghệ khởi nghiệp về game và cũng là kỳ lân (thuật ngữ chỉ những startup được định giá trên 1 tỷ USD) đầu tiên của Việt Nam. Từng là nhà khoa học máy tính được đào tạo tại Columbia, hiện ông Khải cũng đang đứng đầu Zalo AI, nhóm phát triển Kiki của VNG.

"Hãy mở nhạc của Taylor Swift", ông Khải yêu cầu bằng tiếng Việt. Bảng đồng hồ bật sáng và một giai điệu của nữ ca sĩ người Mỹ vang lên. Chúng tôi thưởng thức âm nhạc trong khi chiếc SUV lướt qua một khu đô thị cao cấp nằm trên đường đến trụ sở của VNG.

Ngoài chức năng điều khiển bằng giọng nói, Kiki cũng được cập nhật những thông tin thời sự mới. Khi được hỏi ai là Thủ tướng của Việt Nam, nó trả lời với tin tức vừa được công bố trong tuần: "Phạm Minh Chính”.

Ông Vương Quang Khải - Chủ tịch Zalo, chia sẻ mở màn tại Zalo AI Summit 2020. Ảnh: Người đô thị
Ông Vương Quang Khải - Chủ tịch Zalo, chia sẻ mở màn tại Zalo AI Summit 2020. Ảnh: Người đô thị

Trợ lý ảo là một phần trong nỗ lực thúc đẩy phát triển công nghệ AI của VNG, một động thái mà ông Khải cho biết là cần thiết cho tương lai của công ty.

"Nếu không theo kịp làn sóng công nghệ đang thay đổi từng ngày, VNG rất có thể sẽ thành người ngoài cuộc trong tương lai", ông nói.

Cha đẻ của siêu ứng dụng “made in Việt Nam”

Trong một thập kỷ rưỡi qua, VNG đã đa dạng hóa hoạt động sang lĩnh vực điện toán đám mây, quảng cáo, thanh toán kỹ thuật số và phương tiện truyền thông, đồng thời thành công phát triển một trong những ứng dụng trò chuyện lớn nhất Việt Nam.

Theo We Are Social, ứng dụng Zalo của VNG hiện có 62 triệu người dùng, chỉ xếp sau Facebook và YouTube về mức độ phổ biến trong nước. Điều này khiến VNG trở thành điểm sáng hiếm hoi về một công ty nội địa đã vượt qua các đối thủ nước ngoài. Ở hầu hết các nước Đông Nam Á, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất đều là của doanh nghiệp nước ngoài, đơn cử như Line hoặc WhatsApp.

Zalo được coi là ứng cử viên sáng giá nhất của Việt Nam cho vị thế "siêu ứng dụng" trong lĩnh vực mạng xã hội, tương tự như ông lớn Grab hay Gojek trong mảng vận chuyển và giao đồ ăn.

Khi được hỏi về siêu ứng dụng, Khải - người được mệnh danh là cha đẻ của Zalo - cho biết ông không có ý định để ứng dụng trò chuyện trở thành "người gác cổng" - quyết định ai có thể gia nhập vào thị trường rộng lớn của Việt Nam.

Phó chủ tịch điều hành VNG cho rằng Zalo chỉ nên trở thành một siêu ứng dụng nếu nó mang lại những tiện ích tốt nhất cho người dùng. Việc tích hợp thêm quá nhiều chức năng có thể khiến nó trở nên khó sử dụng và không còn thân thiện với người dùng nữa.

"Nếu bạn muốn là tất cả, bạn có thể không là gì cả", ông Khải trầm ngâm khi ngồi trên sân thượng xanh mát tại trụ sở của VNG khi hoàng hôn đang dần buông xuống.

Ông lập luận, ngoài Trung Quốc ra, không nơi nào thực sự có một ứng dụng có thể thống trị hoàn toàn. 

Một khách hàng sử dụng Zalo Pay của VNG để thanh toán khi mua hàng. Ảnh: Tomoya Onishi
Một khách hàng sử dụng Zalo Pay của VNG để thanh toán khi mua hàng. Ảnh: Tomoya Onishi

Tuy nhiên, có thể nói Zalo đã trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Ứng dụng này hiện có 39 chức năng (bao gồm cả tính năng thanh toán) cho phép người dùng thực hiện mọi thao tác từ mua hàng tại cửa hàng, mua vé máy bay đến thanh toán học phí hay cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ chính phủ. Ứng dụng này cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, ví dụ gần đây nhất VNG đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Baemin, công ty giao đồ ăn của Hàn Quốc.

Đặt cược vào công nghệ của tương lai

Dù có ý kiến ​​trái chiều về việc Zalo trở thành siêu ứng dụng, nhưng ông Khải luôn kiên định rằng: "Làn sóng tiếp theo là AI và chúng ta nên đầu tư".

Tháng 12/2020, Zalo AI đã cho ra mắt Kiki - trợ lý ảo trên xe hơi. Khải cho biết Kiki được phát triển dựa trên công nghệ tương tự như Alexa của Amazon và Siri của Apple, nhưng bằng tiếng Việt.

Zalo đang trong giai đoạn đàm phán với một công ty hàng đầu về bảng điều khiển hướng tới ứng dụng Kiki cho thị trường xe hơi phổ thông vào quý 3/2021. Người đứng đầu Zalo AI không tiết lộ thông tin về đối tác.

Ông Khải cho biết, Việt Nam có thể ngồi chờ nước ngoài phát triển các dịch vụ dựa trên AI khác. Nhưng những ý tưởng tuyệt vời luôn đến từ sự cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mà VNG có lợi thế. Đơn cử như việc sử dụng ngôn ngữ bản địa đã là một ưu thế lớn của Kiki ở thị trường Việt Nam.

"Cái hay của cuộc sống là mọi người có quan điểm khác nhau và cố gắng làm những điều khác biệt", ông Khải nói. "Nếu mọi người đều làm giống hoặc tương tự nhau thì rất nhàm chán. Công nghệ cũng vậy".

Việc sử dụng ngôn ngữ bản địa đã là một ưu thế lớn của Kiki ở thị trường Việt Nam. Ảnh: YouTube
Việc sử dụng ngôn ngữ bản địa đã là một ưu thế lớn của Kiki ở thị trường Việt Nam. Ảnh: YouTube

Zalo AI đã và đang phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt (được Viet Capital Bank sử dụng để xác minh khách hàng), danh sách phát của Kiki (kết nối với thư viện bài hát khổng lồ của Zing Music, một dự án khác của VNG). Nhóm cũng đang thử nghiệm phiên bản beta tiện ích ghi âm tin nhắn âm thanh trên Zalo Chat.

Thách thức cho ngành công nghệ Việt Nam

Sự thành công của Zalo đã giúp VNG thu hút sự chú ý từ những nhà đầu tư quốc tế, bao gồm Temasek và GIC (hai quỹ nhà nước của Singapore), Goldman Sachs (ngân hàng đầu tư đa quốc gia ở Mỹ) và hai quỹ được cho là thuộc sở hữu của Tencent Holdings (Trung Quốc).

Tencent, nhà phát hành game lớn nhất thế giới đồng thời là cha đẻ của WeChat, cũng có mối liên hệ với VNG. Chủ tịch Martin Lau của Tencent giữ một chân trong hội đồng quản trị của VNG, VNG cũng dùng phần mềm và dịch vụ kỹ thuật của công ty Trung Quốc.

VNG có kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq, mặc dù IPO vẫn chưa thành hiện thực. Năm 2017, người sáng lập VNG Lê Hồng Minh từng bay đến New York để ký một bản hợp đồng với nhà điều hành sàn giao dịch chứng khoán để chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng dự định cùng năm đó. 

Trước những tham vọng của VNG, Tuấn Hồ, giảng viên tài chính của Đại học Bristol, Anh cho biết các nhà đầu tư hiện tại và tương lai sẽ muốn cân nhắc liệu các khoản đầu tư của chính VNG có thành công hay không. Kỳ lân fintech đã đổ hàng triệu USD vào mảng thanh toán online và thương mại điện tử, vốn đã hoạt động thua lỗ trong nhiều năm.

“Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể khai thác vào các lĩnh vực có thể mang lại lợi nhuận lớn hay không?”, ông Tuấn nói.

Kể từ khi thành lập, VNG đã trở thành một công đi “đa zi năng” với hơn 20 mảng dịch vụ khác nhau, như fintech, điện toán đám mây, game và ứng dụng trò chuyện, được kết hợp lại với nhau một cách khá lỏng lẻo. Một số nền tảng của công ty khá “ế ẩm”, ví dụ như thương mại điện tử, mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm. Hiện VNG chưa xin được giấy phép ngân hàng để cung cấp các khoản vay hoặc các sản phẩm tài chính khác.

Một nhân viên của Zalo tại trụ sở công ty. Ảnh: Lien Hoang
Một nhân viên của Zalo tại trụ sở công ty. Ảnh: Lien Hoang

Hiện nguồn thu từ game đang đóng góp 79,2% trong tổng doanh thu 6 nghìn tỷ đồng (262 triệu USD) được ghi nhận trong báo cáo tài chính năm 2020 của VNG. Công ty hiện có kế hoạch phát triển mảng này sang Ấn Độ, Nga, Mỹ Latinh và Đông Nam Á, cạnh tranh với Sea Group, công ty mẹ của Shopee có trụ sở tại Singapore, người sở hữu sở hữu Garena - ông lớn game hàng đầu Đông Nam Á hiện nay.

Một lĩnh vực thu lợi nhuận khác của VNG là thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp), cạnh tranh với các ông lớn như Amazon và Alibaba. VNG có thể sẽ có ưu thế nếu chính phủ Việt Nam ưu tiên các doanh nghiệp trong nước. Nguồn thu nhập từ quảng cáo của công ty cũng đã tăng lên mức 16,3% vào năm 2020 so với 10,6% vào năm 2015. 

Tựu chung, VNG báo cáo lợi nhuận sau thuế 8,3 triệu USD vào năm 2020.

Thời gian qua, Việt Nam đã ký một loạt các thỏa thuận thương mại và có ngày càng nhiều nhà máy sản xuất điện thoại, chip. Lập biểu đồ về giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của một công ty công nghệ bắt nguồn từ lĩnh vực game hứa hẹn sẽ là thách thức. Tuy nhiên Phó chủ tịch điều hành VNG tin tưởng về tương lai phát triển của công ty cũng như ngành công nghệ Việt Namm.

“Xây dựng các sản phẩm internet tương tự như việc leo núi. Lúc đầu nó thường nó sẽ khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi và ghét chính mình. Nhưng cuối cùng, khi nhìn lại, bạn cảm thấy hạnh phúc", ông nói.

Tin Cùng Chuyên Mục