Kỳ vọng Chỉ số FTA sẽ 'như một PCI của hội nhập'

Nhật Thu

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ra đời từ năm 2005 được đánh giá là có tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Còn Chỉ số FTA (FTA Index) có thể triển khai từ đầu năm 2023 được kỳ vọng sẽ giúp cho các địa phương tận dụng được FTA, đẩy mạnh năng lực xuất khẩu.

Địa phương đã quan tâm hơn đến các FTA

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UVKFTA, Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực thi và căn cứ trên kế hoạch thực thi của Chính phủ thì các bộ, ngành, các địa phương cũng xây dựng kế hoạch thực thi của mình.

“Từ góc độ của cơ quan được Chính phủ giao theo dõi việc thực hiện các FTA của các bộ, ngành và các địa phương chúng tôi nhận thấy rằng việc ban hành kế hoạch thực hiện của các địa phương ngày càng tích cực hơn” - ông Khanh đánh giá. Cụ thể, sau khoảng 8 tháng kể từ khi CPTPP có hiệu lực mới có đầy đủ các kế hoạch thực hiện của các tỉnh, thành. Nhưng đến EVFTA thì chỉ mất khoảng 4 tháng và đến UKVFTA chỉ khoảng chưa đầy 2 tháng, các tỉnh, thành đã chú ý đến việc ban hành kế hoạch thực hiện. Rõ ràng thời gian qua các tỉnh, thành cũng đã rất chú ý đến việc thực hiện các FTA thế hệ mới.

Tuy nhiên ông Khanh lưu ý, đến nay mới chỉ có 38/63 tỉnh, thành là có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) với các nước thuộc CPTPP. Dư địa để thúc đẩy xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Nhưng các tỉnh, thành cũng vẫn chưa có những “kế sách” cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng các FTA này. Các hỗ trợ mới chỉ dừng ở mức độ “áp dụng chung” cho tất cả các ngành, các DN, tức là chưa đi sâu vào cụ thể những ngành nghề cần tận dụng từ FTA, những ngành nghề mà thực sự là mặt hàng chiến lược, lĩnh vực chiến lược mà các địa phương có thể dựa vào đó để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Nếu FTA Index thành công như PCI, DN sẽ hưởng lợi nhiều trong XNK hàng hóa. (Ảnh minh họa)
Nếu FTA Index thành công như PCI, DN sẽ hưởng lợi nhiều trong XNK hàng hóa. (Ảnh minh họa)

“Nếu tất cả 63 tỉnh, thành đều quan tâm đến việc thực hiện các FTA, đều quan tâm và trăn trở làm thế nào để giúp cho các DN tận dụng FTA hơn nữa thì tôi nghĩ rằng chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, giống như những kết quả chúng ta đã đạt được từ khi có Chỉ số PCI” - ông Khanh chia sẻ.

Đó là lý do, Bộ Công Thương đã có đề xuất và Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hằng năm của các địa phương (FTA Index). Bộ Công Thương kỳ vọng, FTA Index sẽ giúp cho các tỉnh, thành thay đổi tư duy, thay đổi cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN tận dụng FTA.

Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn

Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, năm 2021, trong điều tra Chỉ số PCI, VCCI đã bổ sung thêm 2 vấn đề. Bao gồm câu chuyện thực thi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các chính sách hỗ trợ về hội nhập đối với các FTA.

Kết quả cho thấy, nhu cầu của các DN trong hội nhập kinh tế quốc tế là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các FTA rất sâu rộng hiện nay. Bởi vì hội nhập quốc tế liên quan đến câu chuyện tiếp cận thị trường. Đối với DN của Việt Nam thì vấn đề tiếp cận thị trường từ trước vẫn là một trong những mong mỏi rất lớn của các DN.

Theo ông Thạch, kết quả khảo sát chỉ ra “có sự cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của DN đối với khả năng đáp ứng từ phía các cơ quan Nhà nước của địa phương”. DN thể hiện rõ sự mong muốn các cơ quan Nhà nước có thể triển khai các công tác hỗ trợ DN hội nhập một cách hiệu quả hơn, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của DN. Do đó, “chúng ta cần có những nghiên cứu, đánh giá sâu ngay từ đầu trên cơ sở đó mới có thể thiết kế và triển khai được các chương trình hỗ trợ một cách hiệu quả” - ông Thạch nói.

Ngoài ra, câu chuyện thực hiện thủ tục hành chính về XNK trong lĩnh vực này cũng vẫn khiến DN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này cho thấy, vai trò của chính quyền các địa phương hết sức quan trọng. Bởi chính quyền các địa phương là những cơ quan trực tiếp làm việc với các DN, trực tiếp xử lý các thủ tục với DN, có thể nắm bắt những vấn đề, những vướng mắc, những khó khăn của DN nhiều nhất.

Theo ông Thạch: “Thực hiện FTA Index sẽ giống như đối với PCI ở một điểm. Đối với PCI là chúng ta nhận diện được những vấn đề của môi trường kinh doanh để thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam. Và rõ ràng là trong thời gian mười mấy năm qua thì chúng ta đã nhìn thấy những bước chuyển rất là mạnh mẽ. Với FTA Index cũng vậy”.

Từ đó, ông Thạch kỳ vọng, FTA Index sẽ là một công cụ giúp cho địa phương có được bước chuyển tốt hơn về mặt tư duy trong việc quan tâm thúc đẩy câu chuyện về hội nhập trong thời gian tới. Bởi nhờ việc tham gia trực tiếp vào khảo sát liên quan đến FTA, tiếng nói của các DN nhỏ và vừa mới đến được chính quyền; họ có thể đưa ra được những kiến nghị chính sách để có những điều chỉnh giúp cho họ thực hiện được tận dụng được những cơ hội từ các FTA một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tin Cùng Chuyên Mục