Kỳ vọng vai trò của Bộ Tư pháp trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa dịch bệnh

Anh Thư

Xung quanh vấn đề hỗ trợ pháp lý theo Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật gia, TS Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại quốc tế Thái Bình Dương (PIAC) về các nội dung liên quan.

* Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 là rất quan trọng, ông suy nghĩ như thế nào về văn bản này?

- Việt Nam hiện nay có khoảng 810.000 doanh nghiệp, 26.040 hợp tác xã và 5,2 triệu hộ kinh doanh, đội ngũ này có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước (khu vực doanh nghiệp đóng góp 60% vào GDP, hợp tác xã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8%, gián tiếp trên 30% GDP; hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP cả nước).

Ông Trần Minh Sơn.
Ông Trần Minh Sơn.

Đồng thời, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (khu vực doanh nghiệp giải quyết tạo việc làm chính trong 51,02 triệu lao động hiện nay; hợp tác xã trên 3 triệu; hộ kinh doanh gần 10 triệu). Đây là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải, vật chất xã hội.

Bối cảnh dịch COVID-19 tác động hết sức tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, riêng ngành thủy sản đã phải đóng cửa hơn 70% nhà máy; trong 8 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 85.000 doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vẫn nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động; hỗ trợ người dân, cộng đồng, tổ chức cứu trợ, vận chuyển và thực hiện các hoạt động thiện nguyện.

Vì vậy, việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP là sự ghi nhận, đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế này và tiếp tục quan điểm “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh” bằng hành động cụ thể, thiết thực; đây là một minh chứng rõ nét nhất thể hiện “sự quan tâm, đồng lòng, chia sẻ” của Chính phủ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

* Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể hy vọng gì vào các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết và vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng không, thưa ông?

- Nghị quyết số 105/NQ-CP vừa được ban hành với mục tiêu rõ ràng, tiên quyết, phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu như:

(1) Lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh;

(2) Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; và

(3) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Kèm theo đấy là 4 nhóm nhiệm vụ, nhóm giải pháp cụ thể và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương để thực hiện các nhóm giải pháp này; các giải pháp này là khả thi, hiệu quả, được đánh giá là “chiếc phao cứu sinh” cứu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gần như đang đuối sức trước tác động của đại dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Để thực hiện chủ trương của Chính phủ là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh”.

Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (điểm g khoản 3 Mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP). Đây là “nhiệm vụ quan trọng, nặng nề nhưng thiết thực, cấp bách” trong bối cảnh hiện nay và trong thời gian tới, nhất là sau bối cảnh dịch bệnh COVID-19, trật tự và hoạt động kinh tế sẽ thay đổi mạnh mẽ trong nước và thế giới sau giai đoạn trải qua thời gian giãn cách, đã làm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bước vào thời kỳ cạnh tranh mới, khốc liệt hơn.

Việc Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp này sẽ tạo “dấu ấn” trong cộng đồng doanh nghiệp và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể “kỳ vọng” vào nhiệm vụ quan trọng này trong thời gian tới.

* Ông có đề xuất giải pháp nào nhằm thực thi nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được giao tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật?

- Để thực thi nhiệm vụ này, theo quan điểm cá nhân tôi, cần có các giải pháp sau: Một là, cần tập trung tuyên truyền mạnh mẽ nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Hai là, quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Ba là, huy động sự tham gia của đội ngũ luật sư, luật gia trong công tác hỗ trợ pháp lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, bố trí nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, động viên khen thưởng, kịp thời cho các cá nhân, tổ chức tham gia tích cực, hiệu quả vào hoạt động hỗ trợ này.

* Xin cảm ơn ông!

 

Ngày 9/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19...

Trong Nghị quyết, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ: chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin Cùng Chuyên Mục