Lãi sau thuế năm 2022 giảm mạnh 77% so với cùng kỳ, Bông Bạch Tuyết (BBT) đặt kế hoạch lãi năm 2023 tăng 4,7 lần

An Nhiên

Mặc dù doanh thu có sự tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, nhưng chi phí lại đội lên gấp nhiều lần khiến khoản lợi nhuận sau thuế giảm tới 77% so với cùng kỳ.

Theo tài liệu họp ĐHCĐ 2023 của CTCP Bông Bạch Tuyết (mã CK: BBT) mới đây, BBT sẽ trình cổ đông thông qua kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu 167 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1,62 tỷ đồng giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi sau thuế năm 2022 giảm mạnh 77% so với cùng kỳ, Bông Bạch Tuyết (BBT) đặt kế hoạch lãi năm 2023 tăng 4,7 lần - Ảnh 1

Giải trình về mức sụt giảm này của lợi nhuận, BBT cho biết có các nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, chi phí sản xuất tăng cao do giá nguyên, nhiên liệu tăng đột biến do xung đột vũ trang và cấm vận giữa các quốc gia trên thế giới. Việc lưu thông hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ làm tăng chi phí vận chuyển, trễ nải chuỗi cung ứng, giá thành đội lên rất cao.

Thứ hai, kinh tế thế giới lại bắt đầu rơi vào thời kỳ suy thoái, lạm phát tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhu cầu mua sắm giảm mạnh.

Thứ ba, sản phẩm khẩu trang giảm mạnh và cạnh tranh gay gắt do các doanh nghiệp giải tồn cắt lỗ.

Và thứ tư, sau đại dịch Covid-19, Bộ Y tế thắt chặt hơn về giá và chính sách thầu. Giá áp thầu lấy cơ sở từ những năm 2020-2021 trong khi giá nguyên liệu tăng bình quân 40%, trong khi tỷ lệ lợi nhuận cho hàng thầu rất thấp.

Lãi sau thuế năm 2022 giảm mạnh 77% so với cùng kỳ, Bông Bạch Tuyết (BBT) đặt kế hoạch lãi năm 2023 tăng 4,7 lần - Ảnh 2

Tìm hiểu thêm về cơ cấu doanh thu chi phí 2022, đơn vị có khoản đột biến từ doanh thu tài chính ghi nhận 15,4 tỷ tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng có mức gia tăng lớn gấp 5,45 lần lên mức 16,9 tỷ trong năm 2022, trong đó chi phí lãi vay chiếm gần 11 tỷ đồng.

Chi tiết hơn khoản mục đầu tư tài chính năm 2022 cho thấy, BBT có doanh thu tài chính chủ yếu từ nguồn tiền gửi tiết kiệm và cho vay 147 tỷ để thu về 11,8 tỷ tiền lãi; nhưng đồng thời công ty cũng phải chi trả cho khoản chi phí lãi vay lên tới 11 tỷ đồng.

Lãi sau thuế năm 2022 giảm mạnh 77% so với cùng kỳ, Bông Bạch Tuyết (BBT) đặt kế hoạch lãi năm 2023 tăng 4,7 lần - Ảnh 3

Giá vốn bán hàng tăng 17% so với cùng kỳ lên mức 103 tỷ đồng; Chi phí bán hàng tăng 33% lên mức 22,1 tỷ đồng. Đặc biệt là khoản chi phí khác gia tăng đột biến khi tăng gấp 9,6 lần so với cùng kỳ lên mức 1,1 tỷ đồng.

Như vậy, mặc dù doanh thu có sự tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, nhưng chi phí lại đội lên gấp nhiều lần khiến khoản lợi nhuận sau thuế giảm tới 77% so với cùng kỳ.

Với kết quả kinh doanh năm 2022, BBT đã có kế hoạch dùng hết tất cả lợi nhuận của năm 2022 hơn 1,4 tỷ đồng cho việc bù đắp lỗ lũy kế và không thực hiện chia cổ tức cũng như trích lập các quỹ.

Ngoài ra, tại BCTC năm 2022, bên kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến một số công nợ có giá trị sổ sách tính đến cuối năm 2022 hơn 6 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm.

Theo giải trình từ BBT, đây là số dư công nợ phải trả không xác định đối tượng tại số dư đầu năm 2009 đã được giảm dần cho đến nay. Theo kết luận thanh tra toàn diện CTCP Bông Bạch Tuyết của Thanh tra thành phố và thông báo của UBND TP Hồ Chí Minh và theo Báo cáo tài chính năm 2009 đã kiểm toán những công nợ tồn đọng trong giai đoạn từ 2005 đến 2008.

Giai đoạn này tình hình sản xuất trì trệ, hoạt động kinh doanh bị thua lỗ nhiều năm dẫn đến BBT phải ngưng hoạt động sản xuất từ tháng 08/2008 và đến tháng 09/2009 mới bắt đầu hoạt động lại.

Vì hạn chế về việc xác nhận số dư đầu năm 2009 từ các đối tượng phải thu, phải trả (thiếu biên bản xác nhận số dư công nợ đầu năm và cũng như việc không thể xác minh tính đúng đắn của các khoản công nợ nói trên) nên đơn vị kiểm toán độc lập đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về các khoản này tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022.

Bông Bạch Tuyết cho biết dự kiến năm 2023, công ty sẽ tiếp tục đề xuất xử lý dần khoản công nợ trên theo đúng quy định.

Bên cạnh việc thông qua kết quả kinh doanh 2022 thì Đại hội Cổ đông cũng sẽ thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu bán hàng mục tiêu là 184,4 tỷ đồng tăng 10,4% so với năm trước với sản phẩm trọng tâm là bông tẩy trang và khẩu trang; Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 5.45 tỷ đồng tăng gấp 4,7 lần so với năm 2022.

Được biết cơ sở xây dựng kế hoạch kinh doanh 2023 dựa trên việc mở rộng mặt bằng sản xuất, đầu tư dây chuyển sản xuất theo công nghệ mới, tự động hóa và cải tiến chất lượng sản phẩm

Đồng thời nâng cao mẫu mã, bao bì sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm để tăng lợi thế cạnh tranh; Sẽ phát triển thêm các sản phẩm khăn bông cao cấp, đa dạng quy cách sản phẩm khẩu trang 6D và bông tẩy trang dạng túi, chạy thử nghiệm sản phẩm gia công…

 Thêm vào đó mở rộng bao phủ và tăng nhận diện thương thiệu cho các nhãn hàng BBT và Calla trên cả kênh phân phối truyền thống và kênh bán hàng Thương mại điện tử.

Nhận án phạt truy thu thuế lên tới 5,1 tỷ đồng

Cụ thể, công ty bị phạt gần 402 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Đồng thời, Bông Bạch Tuyết còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gồm: gần 2,97 tỷ đồng là số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, hơn 8,4 triệu đồng thuế giá trị gia tăng và tiền chậm nộp thuế hơn 1,7 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền phải nộp lên tới 5,1 tỷ đồng.

Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, thành lập năm 1960, là nhà máy của tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.

Năm 1997, Bông Bạch Tuyết tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ 11,4 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 30% vốn. Mô hình hoạt động mới đưa sản phẩm bông y tế của Bông Bạch Tuyết chiếm 90% thị phần cả nước còn sản phẩm băng vệ sinh chiếm 30%. Năm 2002, Bông Bạch Tuyết tăng vốn lên 68,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự tích luỹ.

Công ty chính thức đưa cổ phiếu giao dịch ở hệ thống UPCoM từ ngày 12/6/2018 với giá tham chiếu là 2.300 đồng/cổ phiếu. Đến nay, thị giá của cổ phiếu BBT đã tăng lên 8.500 đồng/cổ phiếu.

Tin Cùng Chuyên Mục