Lâm Đồng mất 257 ha rừng trong dự án 25.000 tỷ đồng của Sài Gòn Đại Ninh

Quỳnh Chi

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho biết diện tích rừng bị mất tại dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh là 257,05ha. Sau ngày 15/10, nếu Sài Gòn - Đại Ninh không phản hồi thì Sở Tài chính tính toán và thông báo số tiền bồi thường phải nộp.

Sài Gòn Đại Ninh phá cả trăm ha rừng?

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo tình hình thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh.

Sở Tài chính tỉnh cho biết UBND tỉnh đã giao Sở xác định giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại tại khu vực dự án để doanh nghiệp nộp tiền bồi thường theo quy định.

Sau khi rà soát, sở này thông tin diện tích rừng bị mất tại dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh là 257,05ha. Trong đó, diện tích hơn 140ha được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định trữ lượng ngày 5/01/2016 và 117ha được xác định trữ lượng ngày 25/02/2011.

Đối với phần diện tích hơn 140ha rừng bị mất trên, Sở Tài chính tính toán và có Quyết định số 22/QĐ-STC ngày 2/3/2017 phê duyệt giá trị bồi thường tài nguyên rừng là 6,64 tỷ đồng và Công ty Cổ phần đầu tư và du lịch Sài Gòn Đại Ninh (SGĐN) đã nộp đủ.

Khu vực thực hiện dự án. Nguồn: Internet
Khu vực thực hiện dự án. Nguồn: Internet

Phần diện tích còn lại 117ha, Sở Tài chính đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, xác định giá trị 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị.

Theo các văn bản liên quan, sau ngày 15/10, nếu Công ty Sài Gòn Đại Ninh không cung cấp thì Sở NN-PTNT có ý kiến bằng văn bản về số liệu rừng để Sở Tài chính tính toán và thông báo số tiền bồi thường phải nộp.

Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Sài Gòn Đại Ninh cuối năm 2010 với diện tích khoảng 3.595 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 25.243 tỷ đồng.

Trong đó, 1.306 ha đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.

Như vậy, chỉ chưa đầy một năm sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tại dự án này đã mất 117 ha rừng và 5 năm sau 140 ha rừng cũng được xác định bị “phá mất”.

Nhìn lại sai phạm trước đó

Trước đó, vào tháng 7/2020, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra số 929 với nội dung yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 3 dự án có vi phạm về pháp luật đất đai và đầu tư, trong đó có dự án của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Tuy nhiên, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, chủ đầu tư đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án.

Tháng 6/2021, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị của Sài Gòn Đại Ninh.

Phối cảnh dự án 25.000 tỷ của Sài Gòn Đại Ninh. Nguồn: Internet
Phối cảnh dự án 25.000 tỷ của Sài Gòn Đại Ninh. Nguồn: Internet

Theo đó, Phó thủ tướng thường trực đồng ý kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp; giao UBND tỉnh Lâm Đồng theo thẩm quyền chỉ đạo thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật. Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung và kiến nghị; theo dõi, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra theo quy định.

Đến ngày 8/7/2021, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản thông báo sửa đổi một số nội dung trong Kết luận số 929 theo hướng rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án này.

Tới tháng 9/2021, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh lâm đồng cũng đã có yêu cầu Sài Gòn Đại Ninh cung cấp hồ sơ chứng minh năng lực tài chính gồm báo cáo tài chính năm 2019, 2020 đã được kiểm toán, cam kết hỗ trợ tín dụng của tổ chức tín dụng; bản cam kết tiến độ thực hiện dự án trong thời gian 24 tháng kể từ ngày được UBND tỉnh chấp thuận gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, phân kỳ đầu tư cụ thể theo quý và dự kiến tổng vốn đầu tư.

Đồng thời, Sở này cũng yêu cầu Sài Gòn Đại Ninh cam kết không chuyển nhượng dự án trong thời gian được UBND tỉnh chấp thuận gia hạn; chuẩn bị nguồn lực về tài chính thực hiện các nghĩa vụ tài chính khi cơ quan nhà nước có thông báo và tập trung nguồn lực triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết và cam kết ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của Luật đầu tư 2020.

Tin Cùng Chuyên Mục