Lãnh đạo địa phương bức tử doanh nghiệp (Bài 3): Mất 14 tỷ sau lần bị… tước quyền làm nông dân

Nhóm PV

Đi khắp gầm trời, khó có thể gặp những tình huống bị ức hiếp như cuộc đời nữ doanh nhân Lê Thị Phương Mai (SN 1942, từng ngụ ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)  từng gặp.

Đã dốc vốn “chiều chuộng” mọi yêu sách của lãnh đạo địa phương xin quyền kinh doanh đầu tư trên đất của mình mà không được, cụ còn bị dồn vào đường cùng khi đến quyền làm nông dân cũng bị tước bằng những tiểu xảo trắng trợn. Và chỉ riêng một tiểu xảo đó đã gây thiệt hại cho cụ hàng chục tỷ.  

Nhìn trích lục bản đồ khu đất gia đình cụ Mai từng đứng tên ở Tân Cang, mới có thể hình dung được mức độ “khủng” của doanh nghiệp tư nhân này. Tổng cộng gần 310 ngàn m2 đất gồm hàng chục thửa, đủ loại hình từ đất ở, đất rừng, đất rẫy, sông suối, đường giao thông…

Lãnh đạo địa phương bức tử doanh nghiệp (Bài 3): Mất 14 tỷ sau lần bị… tước quyền làm nông dân - Ảnh 1
Cả một vùng đất mênh mông xưa kia từng thuộc Công ty Thuận Thành, nay đã bị cưỡng chế giao Dona Coop biến thành mỏ đá, chưa trả một xu bồi thường.

Góa phụ một nách nuôi 10 đứa con đã tay trắng dựng cơ đồ, lập doanh nghiệp kiểu gia đình, không khuếch trương ồn ào mà âm thầm lớn mạnh, tạo lập biết bao công ăn việc làm cho người lao động.

Khát vọng đóng góp nhiều hơn nữa cho sự thịnh vượng của xã hội dần bị bóp chết sau những lần phải đáp ứng các yêu sách của địa phương, sau những lời từ chối cấp phép dự án du lịch sinh thái, sau những “luật làng” khuất tất “không cho doanh nghiệp tư nhân khai thác đá”…

Những sự ngang trái đó dần làm nhụt chí nữ doanh nhân lương thiện không biết “chung chi”. Căn bệnh tim xuất hiện, cụ Mai về căn nhà ở xã An Hòa kế bên tiện cho việc đi viện chạy chữa mỗi khi bệnh tật hành hạ. Cụ chỉ quản lý tổng thể, giao việc trực tiếp cho các con và những người quản lý, làm công.

Càng khiếu nại, càng bị đánh tụt tiền đền bù

Tai họa đã ập đến vào ngày 18/2/2009, khi UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 390, nội dung thu hồi hơn 65 ha đất tại xã Phước Tân (trong đó có 10,5 ha của cụ Mai) để giao Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop) làm chủ dự án khai thác mỏ đá Tân Cang 6. 

Cần nói rõ, trước đó một năm rưỡi, ngay khi doanh nghiệp Thành Thuận của cụ Mai đang làm thủ tục xin phép khai thác mỏ đá trên đất của mình, tháng 8/2007, Dona Coop đã “nhanh chân” có tờ trình gửi UBND tỉnh Đồng Nai xin chủ trương triển khai thương lượng chuyển nhượng đất trong khu vực Tân Cang.

Chỉ ít ngày sau khi nhận được tờ trình, trong Văn bản số 6773, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lúc bấy giờ Ao Văn Thinh đã chấp thuận chủ trương cho Dona Coop được thực hiện theo phương thức tự thoả thuận với người đang sử dụng đất thuộc phạm vi dự án mỏ đá Tân Cang. 

Tuy nhiên, Dona Coop đã không thương lượng, thỏa thuận giá với gia đình cụ Mai và một số hộ dân khác trong dự án giống như những gì Dona Coop cam kết trong tờ trình gửi UBND Đồng Nai năm 2007. 

Lãnh đạo địa phương bức tử doanh nghiệp (Bài 3): Mất 14 tỷ sau lần bị… tước quyền làm nông dân - Ảnh 2
Doanh nghiệp của cụ Mai từng có 310 ngàn m2 đất tại xã Phước Tân.

Bẵng đi gần hai năm, đến năm 2011 UBND TP Biên Hòa ban hành quyết định phê duyệt kinh phí “bồi thường và hỗ trợ” cho một số gia đình, trong đó có hộ cụ Mai (lúc này xã Phước Tân huyện Long Thành đã sáp nhập về TP Biên Hòa) để chuẩn bị lấy đất giao Dona Coop. Theo Quyết định số 112 ban hành ngày 18/01/2011, hộ cụ Mai được bồi thường hỗ trợ gần 21,5 tỷ đồng (con số làm tròn).

Cùng là doanh nghiệp, đã mất quyền khai thác trên đất của mình, gia đình cụ Mai còn không đồng ý với mức “bồi thường hỗ trợ” trên vì cho rằng quá rẻ mạt khi so sánh với các dự án khai thác mỏ đá khác trên cùng một địa bàn, tại cùng một thời điểm.

Cụ Mai khiếu nại, đưa ra các chứng cứ, cho thấy cùng trong khu vực, những doanh nghiệp được quyền khai thác đá khác đã đền bù cho mọi người giá 350 ngàn đồng/m2, trong khi cái giá áp cho nhà cụ chỉ 80 ngàn đồng/m2, bằng chưa đầy 1/4, chưa nói đất gia đình cụ địa thế thuận lợi hơn.

Giá đền bù đã rẻ mạt như thế, nhưng đến tháng 10/2011, UBND TP Biên Hòa lại tiếp tục lập một “kỷ lục” mới khi ban hành Quyết định số 3869 thay thế quyết định lần một. Lúc này mức bồi thường, hỗ trợ cho gia đình cụ Mai từ 21,5 tỷ tụt xuống còn hơn 9,5 tỷ đồng. Tức là khoảng 12 tỷ đồng đã “bốc hơi”. Cụ Mai phản đối, khiếu nại khắp nơi.

Giá đất ngày càng cao, giá bồi thường cũng ngày càng tăng, nhưng điều vô lý xảy ra với riêng doanh nghiệp cụ Mai, giá bồi thường ngày càng bị áp đặt bèo bọt hơn. Ngày 30/6/2014, lãnh đạo TP Biên Hoà tiếp tục ký quyết định bồi thường lần thứ ba, thay cho các quyết định lần thứ nhất và hai, áp đặt số tiền bồi thường chỉ còn 7,5 tỷ đồng. Tức là so với quyết định ban đầu năm 2011, tiền bồi thường chỉ còn 1/3.

Tiểu xảo trắng trợn

Nguồn cơn của việc liên tục hạ giá đền bù nêu trên, đến từ một tiểu xảo không ai ngờ do cơ quan chức năng Đồng Nai thực hiện.

Trong quyết định ngày 17/10/2011 do Phó Chủ tịch TP Biên Hòa Trịnh Tuấn Liêm ký, nêu căn cứ để cơ quan này đưa đến quyết định “kỷ lục”, là: “Theo Công văn số 123/CV-UBND ngày 5/9/2011 của UBND xã An Hòa về việc xác nhận về nguồn sống chủ yếu của bà Lê Thị Phương Mai tại xã An Hòa, TP Biên Hòa “bà Lê Thị Phương Mai hiện là chủ Doanh nghiệp tư nhân Thuận An 2; được Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân ngày 8/11/2001, có địa chỉ trụ sở Văn phòng giao dịch tại số 325, tổ 8, khu 3, xã An Hòa, không sử dụng đất nông nghiệp tại xã An Hòa và không có nguồn thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương””.

Lãnh đạo địa phương bức tử doanh nghiệp (Bài 3): Mất 14 tỷ sau lần bị… tước quyền làm nông dân - Ảnh 3
Một góc chuồng trại trên đất doanh nghiệp Thuận Thành trước khi bị cưỡng chế (Hình do bạn đọc cung cấp).

Từ việc xác nhận này, Đồng Nai cho rằng bà Mai “không đủ điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm”. Mất hàng chục tỷ là vì thế. Cụ Mai nói: “Vậy là tôi muốn thực hiện quyền của doanh nhân đầu tư kinh doanh cũng không được, mà quyền làm nông dân cũng bị tước mất”.

Chưa nói tới việc ai là người đề nghị xã An Hòa ra công văn này, “căn cứ” nêu trong quyết định trên thể hiện tiểu xảo trắng trợn của người có thẩm quyền, khi “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Như trên đã nói, thời điểm này cụ Mai không chăm nom trực tiếp trang trại tại xã Phước Tân, mà chuyển về sinh sống tại xã An Hòa cho tiện trị bệnh.

“Đất thu hồi ở Phước Tân, nhưng lại xin ý kiến xác nhận của xã An Hòa. Tôi là nông dân tại Phước Tân, chứ đâu phải nông dân tại An Hòa, vậy mà họ vẫn trắng trợn cho rằng xác nhận của An Hòa là “căn cứ” để cướp đi số tiền hàng chục tỷ”, cụ Mai kể lại.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai), thuật lại: “Tôi lên Biên Hòa hỏi chuyện. Một ông Phó chủ tịch tiếp, đã không nhận sai, lại còn nói đại ý dù có mấy trăm ngàn m2 đất nông nghiệp ở Phước Tân thì mẹ tôi vẫn không phải nông dân. Tôi hỏi: “Luật nào bắt bà cụ già phải trực tiếp ra đồng làm rẫy làm ruộng mới xác nhận là nông dân? Mẹ tôi là chủ doanh nghiệp, có quyền thuê người canh tác trên đất.

Việc tạo điều kiện cho người khác có việc làm, mà người ta có đất, người ta trồng cây, đóng thuế, thu hoạch, nuôi cá, nuôi heo, nuôi gà, trồng cây ăn trái… sao không gọi là nông dân? Có những việc người nông dân không trực tiếp làm được phải thuê như máy móc cày bừa cho kịp tiến độ, không lẽ phải đi trỉa hạt từng lỗ, hay ăn lông ở lỗ như thời tiền sử mới là nông dân?”.

Lãnh đạo địa phương bức tử doanh nghiệp (Bài 3): Mất 14 tỷ sau lần bị… tước quyền làm nông dân - Ảnh 4
Một góc chuồng trại trên đất doanh nghiệp Thuận Thành trước khi bị cưỡng chế (Hình do bạn đọc cung cấp).

Bà Anh nói tiếp: “Tôi hỏi tiếp: “Anh có biết những năm đầu khai hoang, cả gia đình tôi mẹ góa con côi lội bộ sưng chân cuốc đất trồng khoai mì, trỉa bắp, làm cỏ. Mùa mưa chống chọi lũ. Nước dâng cao, cầu ngập phải ghép bè qua, trời mưa tầm tã, nước cao mấy mét phải lo bơi đi cứu mì, cứu khoai. Anh trả lời tôi đi, nói đúng lương tâm một con người chứ không phải một cán bộ, mẹ tôi có phải nông dân không?”.

Vậy là ổng nói: “Tôi không nói vấn đề đó. Chuyện đó để tính sau”. Tôi nói nếu tính sau thì cho tôi cái văn bản. Ổng nói để ổng gửi về, nhưng gia đình không nhận được. Sau này tôi biết được mấy anh ở xã Phước Tân có xác nhận mẹ tôi là nông dân, nhưng mức tiền đền bù vẫn vô lý như lần thứ ba, không có gì thay đổi”.

Nhìn lại những lần bị ức hiếp, đối xử bất công vô lý, cụ Mai nghẹn lời: “Dự án này không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, Đồng Nai đã ra văn bản yêu cầu Dona Coop phải tự thoả thuận với dân. Phải chăng vì mẹ con tôi hiền lành quá, ban đầu một lòng nghĩ Đồng Nai công tâm và Dona Coop tuân thủ pháp luật, nên chúng tôi mới bị ức hiếp như vậy?”.

Nằm trên giường bệnh, cụ Mai nhăn mặt nén cơn đau nhói, giọng buồn buồn: “Cả đời người buôn bán kinh doanh, mình hiền nhưng đâu có ngu. Thà mất hết, chứ không chịu bị hà hiếp quá đáng như thế. Dù cả trăm ngàn m2 đất đã bị người ta kéo đến đập phá thu hồi, tôi vẫn không nhận một đồng nào. Người ta không đưa ra căn cứ pháp lý nào, lại còn trắng trợn dùng thủ đoạn như thế, vào người khác chắc đã uất ức mà chết”.

Lần giở hồ sơ, còn thấy có nhiều khuất tất sai phạm khác trong quá trình Đồng Nai và Dona Coop thu hồi đất của cụ Mai. Vì sao cơ quan chức năng địa phương lại có những động thái “đổi trắng thay đen” như vậy? Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.