Lào Cai được công nhận thêm 4 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Thành Trung

4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận là lễ hội đua ngựa Bắc Hà, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín, nghề làm tranh thờ người Dao đỏ.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa công nhận Lễ hội đua ngựa Bắc Hà, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông hoa (huyện Bắc Hà), nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín (huyện Mường Khương) và nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ (thị xã Sa Pa) là 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đua ngựa Bắc Hà

Theo lịch sử, giải đua ngựa Bắc Hà thường được tổ chức vào mùa xuân với quy mô toàn vùng. Vào năm 1975, ở Bắc Hà tổ chức một buổi diễu hành với trên 200 con ngựa đi khắp khu vực trung tâm chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đến mùa xuân năm 1980, Huyện đội (Ban Chỉ huy Quân sự) Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sĩ, xạ thủ giỏi để tham gia dân binh vận chuyển lương thực bằng đường bộ. Sau đó, Bắc Hà không tổ chức giải lần nào nữa.

Đến năm 2007, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được khôi phục lại và trở thành lễ hội thường niên của huyện Bắc Hà, được tổ chức vào tháng 6 hàng năm.

Các kỵ sĩ trên đường đua.
Các kỵ sĩ trên đường đua.

Lễ đội đua ngựa Bắc Hà trước đây diễn ra xung quanh cánh đồng, các quả đồi và đích là bãi đất ở trung tâm thị trấn. Khi gần về tới đích, các kỵ mã nhảy thật nhanh xuống đất, rút khẩu súng kíp trên vai và nhằm vào bia bắn 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát.

Ai vừa nhanh, vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng. Huyền thoại về những chàng kỵ sĩ Bắc Hà có tài cưỡi ngựa phi nước đại mà vẫn bắn súng trăm phát đều trúng đích cũng từ đó mà có.

Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà hấp dẫn du khách.
Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà hấp dẫn du khách.

Đặc biệt, đua ngựa ở Bắc Hà không phải là cuộc đua của những vận động viên chuyên nghiệp mà là những người nông dân và ngựa đua là những con ngựa thồ. Đua ngựa ở Bắc Hà là “đua mộc”, những nài cưỡi trên những lưng ngựa không có yên cương, không bàn đạp giữ chân mà chỉ có đai buộc ngựa, hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển. Nài ngựa không cầm roi quất ngựa khi tăng tốc chỉ cần hai tay phải cầm dây cương vừa điều khiển vùa giữ thăng bằng, hai chân kẹp chặt vào bụng ngựa.

Lễ hội đua ngựa Bắc Hà là một ngày hội hấp dẫn, thử thách lòng gan dạ, nhanh nhẹn của người chơi, đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của người dân vùng cao Tây Bắc.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa

Đây là 1 trong 4 di sản của tỉnh Lào Cai vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ở tỉnh Lào Cai, đồng bào Mông Hoa có dân số đông nhất trong cộng đồng dân tộc Mông, sống tập trung ở các xã vùng cao của các huyện, song đông nhất và chiếm đông dân số chủ yếu là 3 huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Phụ nữ Mông Hoa trong trang phục thổ cẩm.
Phụ nữ Mông Hoa trong trang phục thổ cẩm.

Nghệ thuật tạo hình dân gian của người Mông Hoa thể hiện rõ nét trên trang phục và đồ dùng sinh hoạt. Đặc biệt là trang trí trên váy, áo trang phục thổ cẩm của phụ nữ. Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông Hoa gồm khăn, áo, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp.

Khăn của phụ nữ Mông Hoa có hai loại, gồm hình chữ nhật khổ 65x40cm thêu hoa văn trùm lên đầu và một loại khăn vành rộng quấn quanh đầu. Áo của phụ nữ Mông Hoa thường xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực có nẹp thêm vải màu thêu, in hoa văn hình xoắn ốc. Thắt lưng lại là miếng vải rộng khoảng 7 - 8cm và dài 80 - 120cm, đoạn giữa thắt lưng được thêu các hoa văn, màu đẹp, quấn ngang bụng.

Các món trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà.
Các món trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà.

Họa tiết hoa văn trên nền trang phục Mông Hoa chủ yếu là các hoa văn hình học và mang tính chất ước lệ với màu đỏ đóng vai trò chủ đạo. 

Ngày nay, trang phục của phụ nữ Mông Hoa ở Bắc Hà vẫn giữ khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ấn tượng sâu sắc cho khách du lịch đến khám phá nét đẹp văn hóa bản làng, thăm chợ phiên vùng cao Bắc Hà…

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín

Dân tộc Nùng Dín sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, dân tộc này sống chủ yếu ở huyện Mường Khương và một số huyện như: Si Ma Cai, Bắc Hà. Trang phục của người Nùng Dín được tạo nên từ vải bông tự dệt với màu đen hoặc chàm xanh.

Phụ nữ Nùng Dín trong trang phục truyền thống.
Phụ nữ Nùng Dín trong trang phục truyền thống.

Từ xưa tới nay, cả nam và nữ đều mặc một loại quần cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá chân và các đường viền chỉ màu tập trung rõ nhất ở tà và gấu áo. Nam giới người Nùng thường mặc áo dài ngang hông, tứ thân, may áo gần sát người, tay áo dài và rộng, cổ áo khoét tròn, áo có 7 cúc và thường có 4 túi hoặc 2 túi. Trong khi đó, trang phục của phụ nữ Nùng phong phú và đa đạng hơn.

Áo của phụ nữ Nùng Dín ngắn ngang thắt lưng, may kiểu xẻ ngực, gồm 4 thân - cả váy và áo đều được may 2 lớp vải, vải dày và cứng, lớp trong mỏng, mềm. Cổ và nẹp áo còn được trang trí bởi các miếng bạc mỏng, nhỏ hoặc các khoanh vải hoa nhiều màu.

Váy là dạng xoè, nếp xếp từ cạp váy xuống mắt cá chân. Váy cũng được may bởi 2 lớp vải như thân áo, lớp ngoài dày, cứng, lớp trong mỏng và mềm, ghép lại từ 4 mảnh vải màu đen, hoặc chàm xanh. Cạp tạo thành từ 12 màu vải khác nhau tượng trưng cho 12 tháng trong năm.

Các chi tiết trang trí bằng bạc trên trang phục.
Các chi tiết trang trí bằng bạc trên trang phục.

Hoa văn chủ yếu được trang trí trên cổ, nẹp áo và tay áo. Hoa văn trên cổ áo là những họa tiết hình vuông, hình quả trám, xếp thành hình tam giác liền kề nhau.

Độc đáo nhất là những hoa văn ở khuy cổ áo, được làm bằng bạc, có hình con bướm hai bên và gắn các tua hình tam giác. Đây là biểu tượng thể hiện sự cầu mong hạnh phúc của người phụ nữ Nùng Dín. Các hạt bạc còn được làm khuy áo, trang trí dọc nẹp áo, tạo cho trang phục nét trang trọng riêng biệt.

Nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ

Nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ thị xã Sa Pa thuộc loại hình tri thức dân gian. Đây là một trong những loại hình văn hóa độc đáo của người Dao đỏ.

Nghệ nhân vẽ tranh thờ.  
Nghệ nhân vẽ tranh thờ.  

Tranh thờ của người Dao đỏ thể hiện quan niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan sâu sắc, mỗi bức tranh là một không gian thiêng được họ tạo ra, thể hiện quan hệ giữa con người với vũ trụ, thần linh, ước vọng trong cuộc sống. Người Dao đỏ coi nghề làm tranh thờ là nghề cao quý, được mọi người nể trọng.

Thời gian vẽ một bộ tranh mất khoảng 3 - 4 tháng. Bộ tranh vẽ xong, gia chủ mời 4 thầy làm lễ khai quang (điểm nhãn) cho bộ tranh. Trong lễ khai quang, bộ tranh mới treo theo thứ tự và địa vị thánh to, thánh nhỏ. Lấy bàn thờ tổ tông làm tâm, các tờ tranh thờ mới treo sang hai bên. 

Bộ tranh thờ của người Dao đỏ.
Bộ tranh thờ của người Dao đỏ.

Nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ phản ánh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ - nghệ thuật, giáo dục. Tranh thờ ra đời từ nguồn gốc tâm linh, gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng trong thờ cúng. Việc nghiên cứu nghề làm tranh thờ, vai trò của tranh thờ trong đời sống góp phần quan trọng làm sáng tỏ lịch sử văn hóa tộc người Dao đỏ.

Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có tổng cộng 34 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với việc công bố thêm 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn Lào Cai.