Lao động du lịch lao đao vì dịch

Đỗ Trang

Dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng ước tính hàng triệu lao động trong ngành du lịch, dịch vụ trên cả nước đã mất việc, hoặc giảm lương, giảm giờ làm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Lao động du lịch lao đao vì dịch - Ảnh 1
Hàng loạt lao động du lịch mất việc

Hàng loạt người lao động nghỉ không lương, mất việc

Đường phố vắng vẻ, kinh doanh ế ẩm, khách liên tục hủy tour, nhân viên không có việc gì làm là tình trạng chung tại các điểm, các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ hiện nay. Mới đây, Hiệp hội Du lịch ở Đà Nẵng đã công bố ước tính khoảng hơn 23.000/35.000 lao động của hơn 800 doanh nghiệp du lịch đang bị tạm thời mất việc. Trong đó có hơn 1.000 lao động khối lữ hành, 4.000 hướng dẫn viên, 18.000 lao động khối dịch vụ (khách sạn, vận chuyển, điểm đến).

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, công suất sử dụng buồng phòng thời điểm này giảm mạnh, hiện chỉ duy trì ở mức khoảng 10-20% công suất, giảm 50-60% so với cùng kỳ. Hệ lụy kéo theo là nhiều khách sạn để hạn chế tối đa việc chi tiêu doanh nghiệp đã tính phương án giảm nhân sự đến mức tối đa, đồng thời cho nhân viên nghỉ phép chia ca làm việc để giảm chi phí tiền lương, đồng thời thu hẹp hoạt động.

Thời gian qua, khi dịch Covid-19 ở TP Hà Nội chuyển biến phức tạp, loạt nhà hàng, quán xá, quán cà phê thông báo nghỉ bán nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Có thể kể đến những hệ thống nhà hàng rất đông khách hàng ngày như Buffet Poseidon, Nabesu, Tepan Mix, Lẩu Phan, Buffet Chef Dzung… Hay một số quán xá thường giới trẻ lui tới như Tranquil Books & Coffee, Cư Xá Cà Phê, nhà hàng Tầm Vị, bún bò Huế Vân Đình, Dato Coffee,...

Như vậy, nhiều nhân viên đã phải chịu chung số phận nghỉ việc luôn hoặc nghỉ việc không lương trong mùa dịch vì hàng quán không biết đến bao giờ mới mở lại. Các doanh nghiệp, tổ chức đều phải tính toán các biện pháp lâu dài để có thể sống sót qua mùa dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong đó, họ buộc phải cắt giảm nhân sự để bảo toàn nguồn vốn.

Còn tại TP HCM, tình trạng khách hủy tour, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ và các chương trình tham quan du lịch chưa có dấu hiệu dừng lại. Đồng thời, với việc các chuyến bay gần đây vào Việt Nam liên tục có người nhiễm Covid-19, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sẽ tạm ngưng cấp visa với toàn bộ các nước trên thế giới trong vòng 15 đến 30 ngày để hạn chế đầu vào.

Tuy rằng, thời điểm chính thức áp dụng chính sách này vẫn chưa được Chính phủ thông báo; nhưng rõ ràng chính sách này sẽ hạn chế đa số du khách quốc tế đến Việt Nam. 

Tổn thất lớn nhất có thể kể đến đầu tiên là những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Chỉ riêng đối với lĩnh vực lữ hành, ngay từ đầu tháng 2/2020, Hiệp hội Du lịch TP HCM cho biết sẽ có ít nhất khoảng 5.000 hướng dẫn viên du lịch không có khách để dẫn tour, cùng hàng loạt doanh nghiệp lữ hành lao đao vì kinh tế.

Chưa kể, từ ngày 15/3, toàn bộ các cụm rạp tại TP HCM đều ngưng hoạt động, thực hiện nghiêm túc theo văn bản chỉ đạo của UBND TP HCM. Các hoạt động tập trung đông người như karaoke, vũ trường, quán bar… cũng phải hạn chế tối đa. Điều này đồng nghĩa số lượng lớn người lao động cũng sẽ mất việc trong thời gian tới. 

Giải pháp nào?

Theo thống kê chính thức của Hiệp hội Du lịch Việt Nam năm 2019, với tốc độ tăng trưởng, đầu tư, thu hút du khách… của du lịch Việt Nam các năm qua, lực lượng lao động cũng tăng trưởng rõ rệt. Trong năm 2016 số lượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch khoảng 1 triệu người nhưng dự kiến đến năm 2020 sẽ cần đến 2,5 triệu lao động trực tiếp làm trong ngành này.

Số liệu này còn chưa bao gồm lực lượng lao động gián tiếp, lao động bổ sung trong các mùa cao điểm du lịch. Như vậy, với hiện tượng du lịch Việt Nam đang “ngủ đông” như hiện nay, trong thời gian tới, số lượng lao động bị cắt giảm giờ làm, giảm lương hoặc thất nghiệp sẽ trở thành một vấn đề nan giải.

Tuy nhiên, ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, các tổ chức, bộ, ngành liên tục có những đề xuất, tham mưu cho Chính phủ ban hành những chương trình, kế hoạch hỗ trợ đến doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, các chính sách phúc lợi xã hội như hỗ trợ thất nghiệp, hỗ trợ tái đào tạo… đối với người lao động lại ít được đề cập tới.

Trả lời báo chí, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, khi có biến cố xảy ra về dịch bệnh, về kinh tế, về khủng hoảng thì việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đối phó với những biến cố này là rất quan trọng. Do đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực không chỉ là ngắn hạn, trong thời điểm hiện tại, mà chúng ta phải tính cho dài hạn, cho tương lai.

Khách quan mà nói, quan điểm này có thể áp dụng với nhiều ngành nghề chứ không chỉ riêng đối với lao động trong ngành du lịch. Thiết nghĩ, trong khi Chính phủ đã đề ra các định hướng và kế hoạch phục hồi du lịch sau dịch bệnh, nguồn lao động du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng, thậm chí là then chốt. 

Thực tế cho thấy, những tình trạng kể trên đang hiện diện ở hầu hết mọi tỉnh thành trên toàn quốc. Đây là hệ quả không ai mong muốn, tuy nhiên hiện tượng này cũng cho thấy một vấn đề lớn cần sự quan tâm và phương án giải quyết của các cơ quan chức năng. Đó là làm thế nào để đảm bảo cuộc sống và việc làm của người lao động, đặc biệt là những lao động thất nghiệp, do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam:

“Rất nhiều doanh nghiệp thời gian qua không có doanh thu, chứ chưa nói đến lợi nhuận. Theo tôi, giải pháp bây giờ vẫn phải làm sao vừa hạn chế rủi ro nhưng vẫn phải bảo toàn nhân viên bằng cách hỗ trợ lương. Quan điểm của Hiệp hội là nên cố gắng giữ lại lao động, nhưng điều này thì tùy vào nguồn lực của mỗi đơn vị. Đặc biệt, mong Nhà nước có nguồn quỹ hỗ trợ giúp doanh nghiệp đào tạo lại lao động sau này”.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM:

“Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành lớn tại TP HCM đã báo mức độ thiệt hại ước tính trong tháng 2 và đến quý I năm 2020 giảm từ 40-60%, các doanh nghiệp kinh doanh thị trường Trung Quốc giảm từ 80-90%. các doanh nghiệp không đủ chi phí để vận hành bộ máy hoạt động kinh doanh. Hàng loạt công ty phải cắt giảm nhân sự, điều chỉnh lương nhân viên”.

Bà Hoàng Thị Lan Hương - Giám đốc Công ty Du lịch Vietmoon Travel:

“Doanh thu của công ty bằng 0. Chúng tôi buộc phải cho 50% nhân viên tạm nghỉ việc không lương, chỉ giữ lại nhân sự chủ chốt. Ngoài ra, chúng tôi tiết giảm, thu gọn không gian sử dụng, từ 3-4 phòng còn 1 phòng để giảm chi phí điện nước”.

Diệu Bảo (t/h)

Tin Cùng Chuyên Mục