Lầu may chợ Đông Ba

Hà Lê

Từ khi còn là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi bừng bừng sức sống, họ đã ngồi ở đây. Thanh xuân của họ gắn liền ở một góc lầu may này. Giờ họ đã thành ông già, bà lão, vẫn kiên trì ngồi ở đó, tỉ mẫn với đường kim mũi chỉ.

Những đôi tay gầy gìn giữ nét xưa xứ Huế 

Chiếc bàn may của bà Hiền nằm ở góc cuối cùng bên tay trái lầu may. Chiếc máy may bà sử dụng giờ có lẽ đã thuộc hàng hiếm. Ở lầu may này, chỉ còn đôi người vẫn không chịu “lên đời” cho đầu máy may như bà Hiền. Đã 71 tuổi, bà Hiền “lười” mang kiếng lão, dù mắt đã không còn tinh anh như thuở trước. Vậy nên, cầm sợi chỉ trắng trên tay, bà dí mãi vẫn chưa xuyên được vào lỗ kim.

“Già rồi, khổ rứa đó”. Bà Hiền cảm thán. 

Suốt mấy chục năm “trường kỳ” ở chốn này, khi ấy đôi tay bà Hiền vẫn còn trắng trẻo, xinh xắn lắm, chứ không phải nhăn nheo gầy guộc như bây giờ. Mắt đã bớt sáng, nên đôi tay cũng ít linh hoạt, xâu kim chậm cũng là lẽ thường tình. 

Bà Hiền đã gắn bó cả thanh xuân với nghề may. 
Bà Hiền đã gắn bó cả thanh xuân với nghề may. 

Vắng khách, đó là nỗi buồn cho những người có tuổi vẫn còn theo nghề ở chốn này. Chiếc máy may của bà Vân cũng cũ kỹ lắm, y như cái của bà Hiền. Màu thời gian đã in đậm trên chiếc đầu máy may bởi những vết bong tróc, gỉ sét, và cả lớp bụi bám ở một góc mép bàn mà bà chưa lau sạch.

“Giờ kiếm chẳng còn được mấy đồng, nên không muốn đổi máy chi cho tốn kém”. Bà Vân nói thế.

Khách hàng tìm đến bà Vân hầu như chỉ còn rơi rớt lại những khách quen xưa cũ. Họ tin tưởng tuyệt đối vào đôi bàn tay của bà. Đôi bàn tay đã trót trét suốt 55 năm cầm kim, cầm kéo. Bà Vân năm nay 70 tuổi, nhưng đã ngồi ở đây từ thuở mười lăm.

“Khách mới, họ chỉ tìm đến người trẻ. Mình già rồi, làm nhanh không được. Nhiều khách đưa hàng tới, đứng luôn bên cạnh chờ để lấy, mình cũng không nhận” - bà Vân kể.

Những đôi tay gầy nâng niu, gìn giữ nét xưa xứ Huế. 
Những đôi tay gầy nâng niu, gìn giữ nét xưa xứ Huế. 

Hôm nay không có khách mới, bà Vân đem bộ đồ cũ ra sửa. Chiếc quần cần lên lai. Của khách cũ đã lâu chưa ghé lấy, nên mãi bà vẫn chưa sửa. Hôm nay vắng khách, bà mới lôi ra làm. Đạp vài đường là xong, bà Vân lại lấy trong giỏ ra chiếc quần short cần bóp đai lưng. Cũng là của khách quen. Chẳng biết khách vì bận bịu, hay đã bỏ quên luôn món đồ từng đưa đến chốn này.

Bà Vân đi làm bằng xe ôm. Mỗi ngày mất 24 ngàn đồng. Hôm nay vắng khách, coi như lỗ cả công lẫn tiền vốn. “Nhưng ngày mai có khách lại lời. Ngày kia đông khách thì mình có tiền dư”. Bà Vân hóm hỉnh. Ế khách, nhưng chẳng ảnh hưởng mấy đến tâm trạng vui vẻ của bà.

“Còn sức kiếm tiền, được đi làm mỗi ngày là vui rồi. Chứ ở nhà buồn lắm”, bà Vân bày tỏ.

Cũng sợ ở nhà buồn, nên bà Sáu năm nay gần bảy mươi tuổi nhưng vẫn bám trụ ở lầu may Đông Ba. “Tui làm ở đây từ thời trẻ lận. Ui chao, lâu quá nên chẳng nhớ nổi đã ngồi đây mấy chục năm. Chỉ biết là lâu lắm rồi”. Bà Sáu nói. Đôi bàn tay nhăn nheo của bà, đã chỉ dạy cho rất nhiều học trò theo nghề. Họ, có người sau này đã bỏ nghề, có người đã tản mát nơi khác may vá, nhưng vẫn có người “định cư” luôn ở lầu may này.

Bà Xí bên tiệm may Xí Hiền. 
Bà Xí bên tiệm may Xí Hiền. 

Những người học trò hiếm hoi còn trụ lại ở đây, là “tiệm may” Xí Hiền cách “tiệm” của bà Sáu mấy dãy bàn. “Tui học may ở lầu may ni, rồi ra riêng cũng ở đây”. Bà Xí chia sẻ. Tiếng là học trò, nhưng năm nay bà Xí cũng gần bước qua tuổi sáu mươi. Bà Xí làm ở lầu may này, từ hồi chưa đầy hai mươi tuổi.

Hồi xưa mạnh khỏe, tay chân còn cứng cáp, bà Xí ngày ngày đạp xe đi làm. Từ xe đạp chuyển thành xe máy, bà cũng tự chạy xe. Đến giờ thì bà đến lầu may bằng hai cuốc xe ôm mỗi ngày, vì mắt yếu, tay yếu, không dám tự điều khiển xe.

Một thời vang bóng

Nhiều người dân gốc Huế, đi chợ Đông Ba đến mòn dép, nhưng không hề biết nơi đây còn tồn tại một lầu may. Bởi cửa vào lầu may nhỏ xíu, nằm lọt thỏm giữa những hàng quán hai bên nên ít người để ý, dù biển hiệu trước lối vào ghi hai chữ “Lầu May” rất nổi bật với hai gam màu vàng, đỏ bắt mắt. Lối đi lên lầu cũ kỹ, tăm tối. Cái cũ kỹ, tăm tối ấy như kéo dài vô tận, từ cửa vào ra cho đến tận mấy chục bàn may trên lầu.

Vậy nhưng, thuở xưa, nơi đây từng rộn ràng, nhộn nhịp lắm. Tiếng lách cách may vá chưa bao giờ ngưng nghỉ. “Hồi trước, để có một lô ngồi ở đây, phải đóng tiền trước 5 năm, hết 5 chỉ vàng. Tương đương giá trị một ngôi nhà lúc ấy”. Bà Xí kể. 

Những người thợ ngồi nơi đây, xưa kêu đều là những tay thợ lành nghề chuyên may váy, đầm, áo dài, đồ bộ đủ cả. Giờ thì họ xâu kim cũng chậm nên chuyên trị sửa đồ cũ, may cờ phướn, màn, rèm… “Ngày trước, hàng hóa nhiều lắm. Ngồi đây cả ngày may không hết, tui về nhà còn thắp đèn may đêm. May một lèo đến 12 giờ đêm mới ngủ, nhưng 1 giờ sáng đã trở dậy làm cho kịp việc. Mẹ tui sợ con ốm, còn đem cả đèn dầu đi giấu”. Bà Xí kể lại thời hoàn kim trong nghề bằng ánh mắt lấp lánh. 

Nhờ bàn máy may này, bà Xí cùng chồng đã tậu được đất, xây nhà, rồi nuôi con ăn học nên người. Hồi đó, thấy vợ ở lầu may việc nhiều làm không hết, tiền kiếm được cũng rủng rỉnh, ông Hiền liền bỏ công việc với đồng lương ba cọc ba đồng bên ngoài, theo vợ đến lầu may. Ông Hiền vắt sổ, còn vợ may vá.

Cô gái trẻ này nối nghiệp cha mẹ làm nghề may. 
Cô gái trẻ này nối nghiệp cha mẹ làm nghề may. 

Như ông Hiền, bà Hiền sau khi cưới cũng theo chồng đến lầu may làm việc. Chồng bà Hiền – ông Cơ nhập môn nghề may từ hồi 17 tuổi. Ông Cơ giờ đã 82 tuổi, thi thoảng đông khách mới đến giúp vợ. Cái thời mà khách vào ra lầu may tấp nập, làm không ngơi tay, đã qua lâu lắm rồi. Giờ lầu may tuy vẫn còn tiếng lạch cạch may vá, nhưng đã đìu hiu vì vắng khách. Chồng bà Vân thì ở nhà hẳn, chẳng mấy khi trở lại chốn xưa. 

Thi thoảng Huế có lễ hội, những đơn hàng may cờ, phướn… đều dồn hết về lầu may. Khu may vá lại sáng rực đèn đuốc. Để kịp tiến độ, các “chủ tiệm” may nay phải xin ban quản lý chợ cho sáng đèn đến khuya lắc khuya lơ. Tiếng lạch cạch may vá lại ồn ã như trước.

Tựa như cái thời vàng son một thuở lại quay về. Nhưng chỉ được đôi ba dịp. Rồi lầu may lại trở về với không khí trầm vắng như xưa. “Sống đắp đổi qua ngày cũng được. Kiếm thêm tiền chợ phụ con cháu trong nhà”, bà Xí bày tỏ. 

Hiếm người kế nghiệp

Chiếc bàn may của ông Viễn nằm lặng lẽ một góc, lớp bụi bạc màu đã phủ kín trên chiếc bàn cũ kỹ. Ông Viễn theo nghề may ở chợ này từ hồi trai trẻ cho đến những ngày cuối đời. Người không còn, nhưng bàn may vẫn nằm yên ở chổ cũ. Biển hiệu treo trên cao vẫn nằm ở đó, như nhắc nhở với xung quanh, ở đây từng có ông cụ cần mẫn với nghề. Người thân chẳng ai đến mang đồ nghề của cụ đi, có lẽ vì chẳng được mấy tiền. 

Lối lên lầu may chợ Đông Ba.
Lối lên lầu may chợ Đông Ba.

Cụ Hóa may mắn hơn nhiều, khi có cô con gái kế nghiệp. Chiếc bàn may của cụ vẫn để trống không người ngồi. Con gái cụ ngồi ở bàn may bên cạnh, lâu lâu ngại thay chỉ, xâu kim, lại sang bàn may của cha ngồi ké.

“Ở đây ai cũng có con cái, nhưng mấy đứa trẻ giờ hiếm đứa chịu nối nghiệp ông cha, lên làm ở đây lắm. Dù có đi may ở khu công nghiệp, ít ra sau này còn có lương hưu. Chứ tụi tui ngồi ở đây, ai cũng ngồi ba chục năm, năm chục năm, nếu có hưu, giờ chắc cũng lãnh bộn tiền”, bà Xí nói. Cả mấy đứa con của bà, đều có công ăn việc làm, chẳng ai theo cha mẹ đến chốn này.

Bà Hạnh miệt mài bên chiếc máy may. 
Bà Hạnh miệt mài bên chiếc máy may. 

Con gái cụ Hóa, con gái bà Hạnh… là những người trẻ ít ỏi chịu kế nghiệp gia đình đến lầu may làm việc. Bà Hạnh vào nghề hồi tuổi mới 15. Năm nay bà đã bước qua sáu lăm tuổi. Cũng như mình, cô con gái bà Hạnh vào nghề từ rất sớm, hồi mới 17 tuổi. 32 tuổi, chị Châu – con gái bà Hạnh đã có 15 năm theo nghề. 

Anh Tuấn là người duy nhất ở lầu may này kế nghiệp ở đời thứ ba. “Tiệm may ni của ông nội tui. Ba tui kế nghiệp. Sau đó thì tới tui”. Anh Tuấn nói. Mới 31 tuổi, nhưng anh Tuấn cũng có thâm niên ngồi ở đây ngót nghét 15 năm.

Anh Tuấn - truyền nhân đời thứ 3 nghề may ở chợ Đông Ba.
Anh Tuấn - truyền nhân đời thứ 3 nghề may ở chợ Đông Ba.

Bây giờ, lầu may đã vắng vẻ hơn xưa nhiều, khách đến đây chủ yếu là những người lao động nghèo, có thu nhập thấp. Dù thu nhập từ nghề không nhiều, nhưng anh Tuấn vẫn bám trụ ở đây như nhiều người khác, bởi theo anh: “ngày nào ngồi ở đây vẫn còn kiếm được tiền, thì mình vẫn còn tiếp tục công việc ở nơi này”. 

Chiều dần buông, từ chổ ngồi của bà Xí, dễ dàng nhìn thấy phố xá tấp nập ngoài kia qua ô cửa sổ. Dường như, sự xô bồ bên ngoài chẳng ăn nhập gì với khung cảnh trầm lắng nơi đây. Ở đây, nơi lầu may này, dường như thời gian cũng trôi đi thật chậm. Và những con người ở chốn này, bao năm qua vẫn theo từng vòng quay của những chiếc máy cũ, cứ chậm rãi túc tắc kiếm tiền như thế.

Tin Cùng Chuyên Mục