Lê Hưng: “Kinh doanh giáo dục phải đặt tính nhân văn lên hàng đầu”

Ngọc Lệ

“Kinh doanh giáo dục là kinh doanh có điều kiện, sản phẩm chính là con người, vì vậy tính nhân văn luôn phải đặt lên hàng đầu, giá trị về kinh tế luôn đứng hàng thứ yếu”, anh Lê Hưng - Phó TGĐ Cty CP Du học Jtrain chia sẻ bí quyết để Jtrain phát triển bền vững trong sự nghiệp giáo dục.

Hiện nay, nhu cầu nghiên cứu và học tập trong môi trường đạt chuẩn quốc tế của cộng đồng sinh viên, học sinh Việt Nam ngày càng tăng nhanh. Vậy theo anh, đâu là lựa chọn về điểm đến của số đông này, và ai là người có tác động quan trọng lên sự lựa chọn của du học sinh Việt?

Nhu cầu về môi trường học tập, truyền đạt cũng như lĩnh hội kiến thức đạt chuẩn quốc tế là một nhu cầu thiết thực đối với học sinh và sinh viên Việt Nam. Trước đây, khi nghĩ đến du học lấy bằng cấp quốc tế, đa phần mặc định là dành cho các bạn trẻ có chỉ số IQ vượt trội, hoặc gia đình có khả năng tài chính vững chắc (nhưng điều kiện này chỉ dành cho một số ít dân số tại Việt Nam).

Trong vòng 5 năm trở lại đây, khi mà nhu cầu đi du học ngày càng tăng cao và việc đi du học trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản có những hợp tác về phát triển nguồn nhân lực bền vững. Từ đó đã mở ra cơ hội dành cho tất cả các bạn trẻ có nhu cầu đi du học lấy bằng cấp quốc tế. Thông qua chương trình hợp tác này, các Sở, ban ngành, các doanh nhân đầu tư vào hoạt động trong ngành giáo dục, là những người có tác động lớn để truyền tải thông điệp cũng như định hướng tương lai cho các bạn trẻ một cách đúng đắn và hữu hiệu nhất.

Lê Hưng: “Kinh doanh giáo dục phải đặt tính nhân văn lên hàng đầu” - Ảnh 1

Lê Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du học Jtrain 

Là doanh nhân trong lĩnh vực giáo dục, anh đánh giá như thế nào về việc doanh nhân đầu tư vào kinh doanh phải hiểu đúng, quản lý và làm đúng mục đích này, vì một trong những nguyên tắc cơ bản của những nhà kinh doanh giáo dục là để phát triển, để sống tốt hơn, không phải để làm giàu?

Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, và sản phẩm chính là con người, vì vậy tính nhân văn luôn phải đặt lên hàng đầu, giá trị về kinh tế luôn đứng hàng thứ yếu. Đầu tư cho lĩnh vực giáo dục chính là khoản đầu tư dài hạn bởi khi làm giáo dục, bất cứ doanh nhân nào cũng phải gắn chặt cái tâm của mình vào công việc.

 
Tôi mong Chính phủ, các Bộ, ban ngành và các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, bởi đây mới là giải pháp căn cơ cho chất lượng nguồn nhân lực, giúp xóa đói giảm nghèo  bền vững nhất!

Tôi có thể tự hào mà nói rằng tôi đang làm kinh doanh giáo dục. Một xã hội có nhiều người kinh doanh lành mạnh, nộp nhiều thuế cho Nhà nước thì xã hội đó phát triển. Nhưng rõ ràng kinh doanh giáo dục là loại hình kinh doanh khác. Trong khi sản phẩm của các loại hình kinh doanh khác là vật vô tri vô giác thì sản phẩm của giáo dục là con người, là thế hệ tương lai của đất nước. Để làm tốt điều đó thì phải ưu tiên, tính toán, đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. Sau đó mới quan tâm đến quyền lợi giáo viên, cuối cùng là quyền lợi của các cổ đông.

Theo tôi, đã kinh doanh thì phải nghĩ đến lợi nhuận. Nhưng kinh doanh giáo dục không được chạy theo lợi nhuận tối đa. Tôi là một nhà giáo, lúc nào tôi cũng đặt chữ tâm lên hàng đầu.

Khi giáo dục trong nước tiến kịp khu vực và thế giới, chúng ta sẽ không chỉ “giữ chân” được học sinh, mà còn có thể thu hút được du học sinh từ các quốc gia khác tới học tập, nhờ đó dịch vụ giáo dục - đào tạo sẽ được tái đầu tư và ngày càng phát triển. Anh nghĩ sao về điều này?

Đây là một tin tốt lành, nhưng để làm được việc đó, Việt Nam sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa. Bởi vì đây không phải việc có thể làm được trong một sớm một chiều.

Theo xu hướng phát triển của thời đại ngày nay thì giáo dục phải ngày càng được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn giáo dục quốc tế, mở rộng theo cách lan tỏa khắp nơi trên thế giới nhằm định hình các chương trình giáo dục, thu hút mọi người. Cho nên với các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài ngày càng nhiều lên thì kinh doanh giáo dục cũng tự nhiên có điều kiện kinh doanh thuận lợi mà không cần phải tìm một định hướng kinh doanh nhằm thu hút khách hàng như nhiều ngành nghề khác. Cũng vì điều này mà chúng ta sẽ “giữ chân” được học sinh, sinh viên trong nước cũng như có sức hút với các du học sinh nước ngoài.

Lê Hưng: “Kinh doanh giáo dục phải đặt tính nhân văn lên hàng đầu” - Ảnh 2

 

Với cương vị là Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du học Jtrain, anh có chiến lược nào để đưa Công ty của mình ngày càng phát triển lên một đỉnh cao mới ? 

Để doanh nghiệp phát triển được đầu tiên phải có được những đối tác tin cậy và uy tín. Hiện tại, Công ty Cổ phần Du học Jtrain đã có 67 đối tác uy tín tại Nhật Bản. 

Thứ hai, phải phát triển hệ thống Văn phòng đại diện tư vấn, tuyển sinh và Trung tâm đào tạo tiếng Nhật trên tất cả các tỉnh, thành phố. Và cuối cùng phải giữ được cái tâm với nghề và chữ tín với khách hàng. Và chúng tôi đang rất nỗ lực để thực hiện điều này.

Trong thời kỳ hội nhập, giáo dục Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Là lãnh đạo của một công ty chuyên về du học anh có mong muốn gì từ phía Chính phủ?

Tôi mong Chính phủ, các Bộ, ban ngành và các cấp chính quyền luôn quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục, bởi đây mới là giải pháp căn cơ, bền vững cho chất lượng nguồn nhân lực và góp phần “xóa đói giảm nghèo” một cách bền vững nhất!

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) anh có lời chúc nào muốn gửi tới các nhà giáo cũng như các độc giả của DN & PL ?

Nhân sự kiện trọng đại nhằm tôn vinh thầy cô giáo và những người làm về giáo dục, tôi xin gửi lời chia vui và tri ân sâu sắc nhất tới tất cả những con người đã thầm lặng cống hiến và hy sinh để những thế hệ trẻ ngày một trở nên hoàn thiện hơn. Xin chúc các anh chị dồi dào sức khỏe và đạt được mọi mong muốn trong cuộc sống!

Tin Cùng Chuyên Mục