Lộ bất cập về PCCC sau vụ cháy làm 13 người chết

Theo Quốc Tuấn/Vietnamnet

Để khắc phục những bất cập về PCCC, đặc biệt là sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, UBND TP.HCM vừa kiến nghị điều chỉnh các quy định liên quan đến công tác PCCC chung cư, công trình cao tầng.

Theo đó, UBND TP vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện sửa đổi, bổ sung các văn bản không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các văn bản có nội dung chồng chéo, chưa thống nhất, thiếu tính khả thi.

Cụ thể, UBND TP kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Xây dựng. Sửa đổi, bổ sung các quy định của Chính phủ như: Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017.

Lộ bất cập về PCCC sau vụ cháy làm 13 người chết - Ảnh 1
Cháy chung cư Carina Plaza làm 13 người chết

UBND TP cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng”; Thông tư số 07/2010/TT-BXD ngày 28/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn cháy cho nhà và công trình; Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Trước đó, trong Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 29/03/2018, UBND TP nhận định, trong thời gian vừa qua, tình hình cháy, nổ trong cả nước nói chung, trên địa bàn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo thống kê trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, các quy phạm pháp luật về PCCC hiện nay về cơ bản tương đối đầy đủ. Nhưng vấn đề đặt ra là cơ chế phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện và kiểm tra, để đảm bảo trách nhiệm, thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của các bên liên quan như: Chủ đầu tư dự án, các đơn vị thi công xây lắp, các đơn vị tư vấn quy hoạch, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công, Ban quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành chung cư, các hộ dân đang sống trong chung cư… Mặt khác phải nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết là Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Cảnh sát PCCC, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

“Trước đây, khi dự kiến sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản 2006, đã có một đề xuất về việc, sau khi chủ đầu tư đã tổ chức nghiệm thu công trình nhà chung cư đạt yêu cầu, thì phải thông báo cho Sở Xây dựng, để kiểm tra và Sở Xây dựng ban hành văn bản xác nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng, để bàn giao nhà cho dân vào ở. Nhưng đề xuất này chưa được đưa vào Luật Kinh doanh Bất động sản 2014. Do vậy, rất cần thiết bổ sung khi sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản sắp tới”, Hiệp hội đề xuất.

Tin Cùng Chuyên Mục