Lộ sáng những góc khuất tại Dự án Vạn Phúc City: Bài 1: Lấn, xây kè đe dọa sông Sài Gòn

Theo quảng bá rầm rộ của chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Vạn Phúc thuộc Tập đoàn Đại Phúc), dự án Vạn Phúc City được mệnh danh là “Kiệt tác ven sông Sài Gòn”, “Đặc quyền lựa chọn của giới thượng lưu”… Tuy nhiên, đại dự án đô thị 200ha này đang có quá nhiều bất cập.

Lộ sáng những góc khuất tại Dự án Vạn Phúc City: Bài 1: Lấn, xây kè đe dọa sông Sài Gòn - Ảnh 1

 Nhiều đoạn kè lấn ra sông 20-30 mét, dài hàng trăm mét.

Dự án Khu đô thị Vạn Phúc (Vạn Phúc City), có diện tích gần 200 ha, nằm tại xã Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM. Theo quảng cáo, Vạn Phúc City tích hợp hàng loạt các tiện ích như, công viên cây xanh ven sông, bến du thuyền, tổ hợp trung tâm thương mại cao cấp, khu ẩm thực, phòng gym, sân tennis, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, hệ thống 10 trường học từ mẫu giáo đến phổ thông cơ sở chuẩn quốc tế, bệnh viện đa khoa chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, thời gian qua, dự án Vạn Phúc City vấp phải sự phải ứng quyết liệt của dư luận xã hội, bởi công trình kè bờ bảo vệ sông tại đây có biểu hiện lấn sông Sài Gòn.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam, việc kè bờ bảo vệ sông tại dự án Vạn Phúc City đã diễn ra trong một thời gian dài. Công trình kè trên được chia làm nhiều lớp khác nhau. Phía bên ngoài, một lớp kè rộng khoảng 2 mét được đóng cọc rất chắc chắn bằng bê tông cốt thép bên trong được nhồi đá lớn để tạo độ vững chãi. Bên trong kè đoạn tiếp giáp với bờ sông được phủ lớp cát dày.

Lộ sáng những góc khuất tại Dự án Vạn Phúc City: Bài 1: Lấn, xây kè đe dọa sông Sài Gòn - Ảnh 2

 Bằng mắt thường cũng có thể thấy phần kè đang lấn ra khá xa bờ sông.

Theo quan sát, vị trí đoạn đóng cọc xa nhất lấn rộng ra ngoài bờ sông Sài Gòn từ 20-30 mét, dài hàng trăm mét. Theo tính toán, chủ đầu tư có thể tăng diện tích toàn bộ dự án của mình lên hàng nghìn mét vuông khi lấn ra ngoài. Quan trọng hơn, cảnh quan của dự án Vạn Phúc City cũng được nâng tầm nếu như việc kè lấn sông diễn ra đúng như dự tính.

Theo tìm hiểu, hạng mục kè bờ sông của dự án Vạn Phúc City có chiều dài 3,4km, được chủ đầu tư “rót” kinh phí trên 2.000 tỉ đồng. Trong đó, công trình kè sông để phục vụ làm công viên cây xanh, bến du thuyền, bến xe buýt đường sông. Tuy nhiên, công trình kè bờ sông trên đã thực hiện đúng vị trí, đúng mốc giới hay chưa? Việc đánh giá tác động môi trường, cảnh quan, cũng như việc đánh giá về an toàn khi thực hiện việc lấn sông dường như vẫn chưa được chủ đầu tư quan tâm, thực hiện.

Trước đó, dự án Vạn Phúc City được Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt theo Quyết định số 4052/KTST.TP ngày 15-11-2001 và bản đồ vị trí khu đất tỷ lệ 1/2000 số 44SD/2002/ĐĐĐC-KT ngày 14-01-2002 do Công ty TNHH đo đạc Kiến Thiết lập và được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 theo Quyết định 4337/ QĐ-UBND ngày 5-10-2010.

Nhằm đảm bảo dự án Vạn Phúc City thực hiện đúng pháp luật, UBND TP.HCM cũng yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Vạn Phúc phải tuân thủ quy định về chỉ giới sông, rạch theo Quyết định 150/2004/ QĐ- UBND và Quyết định số 1185/ QĐ-UBND, của UBND TP.HCM.

Tuy nhiên, chiếu theo 2 quyết định trên, rõ ràng việc xây kè bảo vê sông Sài Gòn của tại dự án này của Công ty Vạn Phúc đã có dấu hiệu vi phạm quy định về Tôn trọng và bảo vệ hiện trạng tự nhiên của bờ sông, kênh, rạch. Cụ thể, vi phạm điểm C, Điều 4 quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ hành lang bờ sông, rạch vì đã không tôn trọng và bảo vệ hiện trạng tự nhiên của bờ sông Sài Gòn.

Lộ sáng những góc khuất tại Dự án Vạn Phúc City: Bài 1: Lấn, xây kè đe dọa sông Sài Gòn - Ảnh 3

 Công trình vẫn đang được thi công rầm rộ.

Theo chuyên gia bất động sản, Dự án Vạn Phúc City xây dựng lấn sông Sài Gòn sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của các phương tiện đường thủy. Thêm vào đó, việc lấn chiếm bằng kè cố định sẽ làm thu hẹp lòng sông, ảnh hưởng đến việc thoát nước, tưới tiêu của toàn thành phố. Sông Sài Gòn là con sông huyết mạch của TP.HCM, việc lấn sông thể hiện hành vi coi thường pháp luật, phá hủy môi trường, tài nguyên, để lại hậu quả khôn lường cho tương lai. Bài học từ các dự án tương tự như ở Thái Lan, dự án lấn sông chảy qua Bangkok đã phải trả giá cực kỳ đắt cho thiệt hại lũ lụt. Nhiều nơi lấp sông, lấp kênh ở Hàn Quốc, nay phải bỏ ra hàng triệu đô la để trả lại dòng chảy như cũ.

Trước đó, cũng trên sông Sài Gòn, dự án khu dân cư thấp tầng Thảo Điền (Thảo Điền Sapphire) do Công ty cổ phần TDS làm chủ đầu tư cũng đã có hành vi lấn sông Sài Gòn. Theo quyết định xử phạt, công trình đã xây sai nội dung giấy phép do Sở Xây dựng TP HCM cấp. TDS đã tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với tổng diện tích vi phạm gần 1.400 m2. Ngày 20/6, UBND thành phố ra quyết định xử phạt công ty này một tỷ đồng đối với vi phạm trong hoạt động xây dựng được quy định trong Nghị định năm 2013 Chính phủ (quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng...). Đồng thời, TP.HCM cũng buộc TDS tự phá dỡ phần công trình sai phép.

Việc lấn sông Sài Gòn tại dự án Vạn Phúc City tác động đến môi trường, an toàn giao thông đường thủy như thế nào? Đã được đánh giá tác động môi trường? ai là người cấp phép cho hoạt động xây dựng lấn, kè sông? Báo điện tử Thời báo chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. Minh Thành

Theo Thời báo Chứng khoán Việt Nam

Tin Cùng Chuyên Mục