Lộc Trời và khát vọng đưa gạo việt thống lĩnh thị trường thế giới

Lan Phan

Được biết đến là tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam với chiến lược đầu tư bài bản để cho ra đời nhiều sản phẩm lúa, gạo đa dạng phù hợp với thị trường, trong năm 2022. Lộc Trời đã “bắt tay” với nhiều đơn vị, nói như Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn, có thêm bạn đồng hành để cùng nhau nỗ lực thực hiện khát vọng đưa lúa gạo Việt có vị thế, thương hiệu vững chắc và thống lĩnh thị trường thế giới…

Từ “Hạt Ngọc Trời” đến “Cơm ViệtNam Rice”

Không phải vô tình khi đề cập đến lúa gạo Việt Nam, nhiều người, trong đó có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhắc đến cái tên “Lộc Trời”…

Với gần 30 năm phát triển, kể từ khi được thành lập (năm 1993) với tên gọi Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thực vật An Giang, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, với đội ngũ nhân viên 3.600 người, bao gồm lực lượng thuật viên nông nghiệp “3 Cùng” trên 1.000 người và hàng trăm chuyên gia nghiên cứu giống cây trồng, sản phẩm và giải pháp xử lý mùa vụ, cùng với các quy trình canh tác đáp ứng được tiêu chí chất lượng của các thị trường cao cấp như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc...

Gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” bán tại hệ thống siêu thị Carrefour (Pháp)
Gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” bán tại hệ thống siêu thị Carrefour (Pháp)

Là số ít đơn vị đủ năng lực tổ chức sản xuất quy mô lớn, đồng bộ cơ giới hóa và từng bước số hóa các hoạt động quản lý mùa vụ để cung ứng ổn định nguồn lúa, gạo chất lượng, sản phẩm gạo của Lộc Trời không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn xuất khẩu đến trên 40 quốc gia khắp thế giới.

Trên 63 tỉnh, thành phố cả nước, các sản phẩm gạo Lộc Trời được biết đến dưới thương hiệu “Hạt Ngọc Trời”, một thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm “Gạo chuẩn cơm ngon”, cung ứng từ gạo trắng, gạo thơm, gạo lứt đến gạo mầm dinh dưỡng Vibigaba, Lộc Trời hướng đến đa dạng hóa trải nghiệm của người tiêu dùng và làm phong phú hơn những bữa cơm ngon, an toàn cho người Việt từ gạo Việt.

Trên thương trường quốc tế, trong 2 năm qua, hơn 80.000 tấn gạo các loại do Lộc Trời tổ chức sản xuất cũng được xuất khẩu đến thị trường châu Âu theo hạn ngạch miễn thuế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bên cạnh xuất khẩu gạo xá, Lộc Trời đang từng bước xây dựng thương hiệu gạo “Cơm ViệtNam Rice” để mang đến những trải nghiệm thưởng thức gạo ngon, chất lượng cao từ Việt Nam đến người tiêu dùng khắp năm châu.

Người tiêu dùng Pháp lựa chọn “Cơm ViệtNam Rice”
Người tiêu dùng Pháp lựa chọn “Cơm ViệtNam Rice”

Đặc biệt, năm 2022 là bước đầu thành công trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo trên trường quốc tế khi bắt đầu có những đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường: Đức, Hà Lan, Pháp; Đặc biệt là mốc son hơn 500 tấn gạo Jasmine 85 mang thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” lên kệ 2 hệ thống đại siêu thị hàng đầu châu Âu và Pháp là Carrefour, Leclerc hồi tháng 9 vừa qua.

Được biết, để xuất khẩu đến khắp năm châu, gạo Lộc Trời không chỉ đáp ứng những yêu cầu cao nhất mà thị trường mục tiêu đòi hỏi (kể cả các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản…) về quy trình canh tác khoa học, bộ sản phẩm nuôi dưỡng và bảo vệ cây trồng đạt chuẩn mà còn là tính bền vững và ưu tiên bảo vệ con người, môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

“Việc gạo Lộc Trời mang thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” lên kệ của 2 hệ thống đại siêu thị lớn nhất tại châu Âu và Pháp chứng tỏ rằng gạo Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt nhất về chất lượng của các thị trường khó tính nhất. Khi gạo Việt đáp ứng được các tiêu chí này, các đối tác sẽ tìm tới chúng ta để phục vụ cho khách hàng của họ…”- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn chia sẻ.

Lộc Trời và khát vọng đưa gạo việt thống lĩnh thị trường thế giới  - Ảnh 1

Cùng theo ông Huỳnh Văn Thòn, trong thời gian tới, Lộc Trời dự kiến tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa các dòng sản phẩm gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” vào thị trường tiềm năng tại châu Âu, cũng như các khu vực khác trên khắp thế giới.

Cùng nhau đi đường dài…

Trong những năm gần đây, Lộc Trời đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời, trong đó mỗi thành viên đều góp giá trị vào chuỗi sản xuất và năng lực tổ chức sản xuất lớn của toàn tập đoàn.

Năm 2022 vừa qua đánh dấu một bước phát triển mới của Lộc Trời khi tập đoàn đẩy mạnh liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp. Với việc ký kết hợp đồng cấp tín dụng với 7 ngân hàng lớn trong và ngoài nước trong thời hạn 3 năm và hạn mức lên đến 100 triệu USD, Lộc Trời có thêm nguồn vốn lưu động cho các hoạt động đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, được tập đoàn giải ngân cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và bà con nông dân liên kết thông qua việc cấp giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp.

Ngay trước thềm năm mới 2023, Tập đoàn Lộc Trời chính thức công bố Công ty CP Nông sản Lộc Trời, thành viên Tập đoàn Lộc Trời đã chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Công ty CP Lương thực Lộc Nhân.

Lộc Trời và khát vọng đưa gạo việt thống lĩnh thị trường thế giới  - Ảnh 2

Với sự kết hợp này, năng lực hoạt động của Công ty CP Nông sản Lộc An đã tăng từ 5 thành 8 nhà máy với công suất sấy lúa tươi đạt 12.000 tấn/ngày, lưu kho, xay xát lúa và xuất 6.000 tấn gạo hàng ngày tương ứng với 2.000.000 tấn gạo/năm cùng đội ngũ nhân sự gần 900 người và mạng lưới đối tác tỏa rộng trong nước và trên 40 quốc gia, bao gồm các thị trường khó tính nhất.

Khởi đầu cho hoạt động chung, Tâp đoàn Lộc Trời, Công ty CP Lương thực Lộc Nhân đã ký kết hợp tác cung ứng 500.000 tấn gạo, trị giá ước tính 5.000 tỷ đồng trong năm 2023 với Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1).

Chia sẻ về mối lương duyên này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn cho biết, trong hành trình nỗ lực thực hiện cam kết “Cùng nông dân phát triển bền vững”, tập đoàn không ngừng cố gắng mở rộng, củng cố và hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời để khơi thông và mở rộng dòng chảy của nguồn cung nông sản, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

“Chúng tôi đang tìm kiếm và rất hoan nghênh những đơn vị có cùng chí hướng để có thêm bạn đồng hành, cùng nhau mang tới những nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế. Cùng nhau nỗ lực thực hiện khát vọng đưa lúa gạo Việt có vị thế thương hiệu vững chắc và thống lĩnh thị trường thế giới” - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.

 

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Chia sẻ về mối liên kết giữa DN với DN, DN và nông dân, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan đã nhiều lần nhắc đến Tập đoàn Lộc Trời. Theo Bộ trưởng, đang có một xu thế tích cực, sẽ được lan tỏa là sự liên kết giữa các DN và giữa DN với nông dân để sản phẩm làm ra có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khi đưa được sản phẩm đi xuất khẩu, DN sẽ hiểu được rằng mục tiêu phải lớn hơn, hướng đến các thị trường cao cấp để tạo ra lợi nhuận cao hơn. Theo sau đó, thu nhập của người nông dân, các nhà sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ cao hơn.

Bộ trưởng cũng cho rằng, nếu như ngày xưa chúng ta tư duy rằng làm những gì chúng ta có thể làm thì bây giờ chúng ta làm những gì thị trường yêu cầu. Chuyển từ bán thứ mình có đến bán thứ mà thị trường cần.

“Từ việc DN Việt Nam đã xuất khẩu được gạo chất lượng cao qua thị trường châu Âu và Nhật Bản để minh chứng rằng chúng ta đã thoát khỏi một câu chuyện cũ về tư duy sản lượng, chuyển dần sang tư duy chất lượng. Nhưng chúng ta chưa dừng lại ở đó mà còn hướng tới đáp ứng từng yêu cầu về từng loại sản phẩm ở các thị trường khác nhau. Các DN đã cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức nhiều hội thảo để thấy rằng, mỗi thị trường đều có những đòi hỏi riêng về chất lượng sản phẩm. Chúng ta không mặc đồng phục, không đồng nhất tất cả các sản phẩm mà tạo ra nhiều sản phẩm với nhiều phân khúc ở cả thị trường trong nước và nước ngoài…”- Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thởi khẳng định, từ chiến lược thị trường lâu dài, các DN liên kết với các nông dân, hợp tác xã, vùng nguyên liệu để tạo ra nguyên liệu ổn định, đáp ứng được chuẩn mực thị trường.

“Điều đó cho thấy tư duy đường dài của DN sẽ giúp nông dân có tư duy đường dài thoát ra khỏi lời nguyền rằng “nông dân thì tư duy mùa vụ, còn DN thì tư duy thương vụ”…” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục