Lời khuyên kinh doanh từ chàng trai 21 tuổi bỏ Đại học và bán công ty đầu tiên với giá hàng trăm nghìn USD

Như Quỳnh

Ở tuổi 33, Kevin Kim đang điều hành một start-up do anh sáng lập trị giá 32 triệu USD.

Việc bỏ học Đại học năm 21 tuổi để trở thành một doanh nhân thực sự là một canh bạc lớn với Kevin Kim. 

“Mẹ tôi đã khóc một chút,” Kim (hiện 33 tuổi) kể lại. 

Nhưng Kim có cơ sở để tự tin khởi nghiệp. Thời điểm đó, anh vừa bán công ty đầu tiên mà anh thành lập năm 18 tuổi với giá "hàng trăm nghìn USD". Đây là một kỳ tích với Kim vì vốn ban đầu anh bỏ ra chỉ là 2.000 USD tiết kiệm được từ việc làm thêm. 

Kevin Kim. Ảnh: Stadium Live.
Kevin Kim. Ảnh: Stadium Live.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Kim tiết lộ đó là một công ty thương mại điện tử chuyên nhập quần áo phong cách đường phố từ Hàn Quốc rồi phân phối tại Bắc Mỹ. Anh cùng gia đình di cư từ Hàn Quốc sang Canada khi mới 11 tuổi. 

“Sau khi tôi bán công ty đầu tiên, thật dễ dàng để đưa ra quyết định. Chẳng có dự định tương lai hay sự liên kết nào... tôi chỉ là một sinh viên chưa tốt nghiệp ngành kỹ thuật dân dụng nhưng tôi muốn tạo ra các dịch vụ và sản phẩm cho nhiều đối tượng khác nhau", Kim nói. 

Kim dành gần 10 năm sau đó để xây dựng các sản phẩm kỹ thuật số cho doanh nghiệp và start-up. Năm 2020, anh mạo hiểm ra mắt Stadium Live - một ứng dụng metaverse dành cho người hâm mộ thể thao.

Stadium Live cho phép người dùng tùy chỉnh hình đại diện, mua đồ sưu tầm kỹ thuật số, giao lưu với những người hâm mộ khác trong phòng ảo, tham gia các buổi livestream thể thao hoặc chơi các trò chơi nhỏ.

Tính đến nay, công ty huy động được 13 triệu USD (~ 306 tỷ VND) và được hậu thuẫn bởi nhiều cái tên nổi tiếng như ngôi sao NBA Kevin Durant, nhà vô địch World Cup Blaise Matuidi,... 

Dưới đây là ba bí quyết để Kim điều hành một doanh nghiệp thành công. 

1. Người sáng lập phù hợp với thị trường

Các doanh nhân thường cho rằng thành công của start-up có được nhờ tìm ra sản phẩm phù hợp với thị trường.

Nhưng đối với Kim, điều quan trọng hơn là "người sáng lập phù hợp với thị trường": 

“Tìm ra sản phẩm phù hợp với thị trường thực sự rất khó, phải mất nhiều năm. Bạn cần tự hỏi mình, tôi có thực sự thích những gì tôi đang làm không? Tôi có thực sự yêu thích ngành này không? Tôi có thể thấy mình gắn bó với ngành trong 10 năm tới không?" 

Kevin Kim cho biết anh luôn muốn xây dựng các sản phẩm xoay quanh 4 lĩnh vực phù hợp với bản thân nhất: thể thao, chơi game, âm nhạc và thời trang.

“Chẳng hạn như, tôi biết những người sáng lập (đã thành lập) một công ty phân tích kế toán nhưng họ thậm chí còn chẳng biết gì về kế toán. Họ có thể tham gia thị trường và kiếm tiền, nhưng họ thường kiệt sức nhanh hơn những người có chuyên môn về lĩnh vực đó", Kim nói. 

2. Thu hẹp khoảng cách

Mặc dù vậy, Kim vẫn đánh giá cao sự phù hợp giữa sản phẩm và thị trường: 

“Nếu không có sản phẩm phù hợp với thị trường, bạn sẽ không thể tồn tại với tư cách là một doanh nghiệp do không có cung hoặc cầu thực sự giữa sản phẩm của bạn và khách hàng.”

Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tạo nên sự thành công cho các công ty mà Kim sở hữu. Trên thực tế, Kim bắt đầu công việc kinh doanh thương mại điện tử đầu tiên vì anh muốn tìm những bộ quần áo phù hợp với “phong cách và kích cỡ” của mình.

Giao diện ứng dụng Stadium Live. Ảnh: Stadium Live.
Giao diện ứng dụng Stadium Live. Ảnh: Stadium Live.

Doanh nhân trẻ nhớ lại: “Thời điểm đó tôi chưa bao giờ (tìm được đồ phù hợp với mình) ở các thương hiệu ở Mỹ và Canada. Mọi chuyện bắt đầu từ nhu cầu cá nhân và tôi nhanh chóng nhận ra có nhiều người khác cũng có nhu cầu tương tự." 

Công thức trên được Kim áp dụng cho Stadium Live - khi anh nhận thấy ngành công nghiệp thể thao đang tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm cho một nhóm khán giả hạn chế mà ít để ý đến thế hệ trẻ từ Gen Z trở lên. 

“Tôi thấy mọi người (trong ngành thể thao) đều tập trung vào nội dung một chiều và hướng tới cá cược. Đây là một cơ hội thú vị và tôi bắt đầu nghiên cứu xem thế hệ người hâm mộ tiếp theo mong muốn những gì. Họ (fan trẻ) chưa có tiền, họ tiêu thụ thể thao theo cách hoàn toàn khác, họ muốn tương tác với người trong cộng đồng và luôn muốn điều gì đó mới mẻ", Kim giải thích. 

Ý tưởng của Kim dường như đã thành công khi Stadium Live thu hút được hơn 750.000 người dùng thường xuyên (dành hơn một giờ mỗi ngày trên nền tảng). Kim tiết lộ hiện công ty được định giá khoảng 32 triệu USD. 

3. Đừng xem nhẹ văn hóa công ty

Theo Kim, việc thiết lập một tầm nhìn rõ ràng và liên kết giá trị các nhân viên trong công ty là “cực kỳ quan trọng”.

“Tại sao các ứng viên tài năng nên gia nhập công ty và phát triển cùng bạn? Câu hỏi này không thể trả lời được chỉ bằng sản phẩm mà bạn đang xây dựng, mà phải có cả công ty và văn hóa mà bạn đang xây dựng,” Kim nói thêm.

Kim nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa công ty không thể bị đánh giá thấp nếu doanh nhân muốn xây dựng một “công ty lâu dài mang tính biểu tượng”.

“Tôi đã tận mắt chứng kiến điều này khi còn là nhân viên, rồi chứng kiến công ty của mình phát triển đến 50 nhân sự. Văn hóa công ty tự biến đổi mỗi khi tăng gấp đôi quy mô. Vì vậy, văn hóa công sở là điều doanh nhân nên đặt ra và suy nghĩ từ rất sớm. Nếu bắt đầu khi có 10 nhân viên thì lúc đó gần như đã quá muộn rồi", Kim chia sẻ. 

Tin Cùng Chuyên Mục