Lợi nhuận của Nokia, Ericsson không như mong đợi khiến cổ phiếu sụt giảm

Kim Dung

Ericsson và Nokia vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 không như dự kiến. Tin tức này làm ảnh hưởng nặng nề đến cổ phiếu của hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất châu Âu trong bối cảnh tình trạng bất ổn gia tăng trên thị trường toàn cầu.

Kết quả kinh doanh quý III/2022 không khả quan khiến hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông Nokia và Ericsson nằm trong danh sách những công ty hoạt động kém nhất châu Âu trong quý vừa qua. 

Mặc dù doanh thu của cả hai công ty đều vượt kỳ vọng nhờ triển khai công nghệ 5G, nhưng tiền bản quyền không được thanh toán đúng hạn khiến lợi nhuận cốt lõi không cao như dự đoán từ các nhà phân tích.

Theo báo cáo vừa được công bố, lợi nhuận ròng trong quý III năm nay của Ericsson chỉ đạt 5,4 tỷ Krona Thụy Điển (480 triệu USD), giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn mức kỳ vọng 5,7 - 5,9 tỷ Krona Thụy Điển. Nguyên nhân lợi nhuận của Ericsson bị giảm một phần là do thương vụ mua lại công ty truyền thông Vonage trị giá 6,2 tỷ USD của Mỹ.

Trong khi đó, Nokia đã báo cáo lợi nhuận đạt mức 428 triệu euro (419 triệu USD). Dù lợi nhuận tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn kém xa so với dự báo 514 - 539 triệu euro của các nhà phân tích.

Dù hai công ty đạt doanh thu cao nhờ triển khai công nghệ 5G nhưng lợi nhuận không như dự đoán
Dù hai công ty đạt doanh thu cao nhờ triển khai công nghệ 5G nhưng lợi nhuận không như dự đoán

Kết quả hoạt động kinh doanh không như mong đợi khiến giá cổ phiếu của hai công ty thiết bị viễn thông tụt dốc. Cổ phiếu của Ericsson đã sụt giảm 12% trong khi cổ phiếu của Nokia lạc quan hơn, giảm gần 5%.

Khi triển khai các dự án lớn như 5G ở giai đoạn đầu, tỷ suất lợi nhuận thường thấp. Do đó, các công ty viễn thông kiếm lợi nhuận chủ yếu là từ hoạt động kinh doanh bằng sáng chế.

Các công ty viễn thông sẽ tính phí cấp phép liên quan đến công nghệ 5G cho từng thiết bị bán ra. Ericsson thu phí dao động từ 2,50 đến 5 USD cho mỗi thiết bị còn Nokia có lệ phí cấp phép cố định là 3 euro (khoảng 3,48 USD).

Doanh thu từ phí bản quyền trong quý III/2022 của Ericsson đã giảm 1,1 tỷ Krona Thủy Điển (98,24 triệu USD) sau cuộc kiện cáo Apple vì tranh chấp phí bằng sáng chế 5G.

Doanh thu phí bản quyền của Nokia cũng giảm 62 triệu euro (60,67 triệu USD), chủ yếu do tranh chấp bằng sáng chế với hai hãng điện thoại Oppo và Vivo.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của Ericsson giảm từ 44% xuống 41,4% còn Nokia tốt hơn đôi chút, chỉ giảm nhẹ từ 40,7% xuống 40,1%.

Carl Mellander, Giám đốc tài chính Ericsson, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi rất tự tin về mảng bằng sáng chế của công ty và chúng tôi không vội vàng ký kết giao dịch. Công ty cần đảm bảo có thể đạt được thỏa thuận mà đôi bên cùng có lợi”.

Tuy nhiên, khi thỏa thuận hợp tác thành công, tất cả tiền bản quyền đang chờ xử lý sẽ được thanh toán trong một lần.

Dù đang tiếp tục hưởng lợi từ mức chi tiêu cao hơn cho thiết bị 5G của thế giới, cả hai ông lớn viễn thông đều phải "chuẩn bị tinh thần" trước dự đoán thị trường chính là khu vực Bắc Mỹ sẽ hạ nhiệt. Cả hai công ty đang kỳ vọng các quốc gia khác như Ấn Độ sẽ là đối tượng thúc đẩy sự tăng trưởng chính trong năm 2023.

Đầu tháng này, hai công ty Bharti Airtel và Reliance Jio của Ấn Độ đã ra mắt dịch vụ 5G tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới và chọn Nokia và Ericsson làm nhà cung cấp thiết bị.

Các nhà phân tích tại Jefferies cho rằng, sự suy giảm của thị trường có tỷ suất lợi nhuận cao như Mỹ và sự tăng trưởng của thị trường có tỷ suất lợi nhuận thấp như Ấn Độ có thể làm tăng áp lực ký quỹ trong năm 2023.

Tin Cùng Chuyên Mục