Lợi nhuận thu về khổng lồ nhưng gánh nặng thuế của nhóm Big Tech chỉ nằm ở mức thấp

Thu Hằng

Tỷ lệ gánh nặng thuế trung bình của Alphabet - công ty mẹ Google cùng Apple, Facebook và Amazon là 15,4%, thấp hơn 9,7% so với mức trung bình của tất cả các công ty trên toàn cầu.

Một phân tích gần đây của Nikkei Asia cho thấy, tỷ lệ gánh nặng thuế trung bình đối với nhóm Big Tech rơi vào khoảng 15%, tương đương khoảng 60% mức trung bình trong số hơn 50.000 công ty lớn trên toàn thế giới.

Big Tech hay còn gọi Big Four là thuật ngữ để chỉ các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ: Google, Apple, Facebook và Amazon. 

Các công ty Big Tech hoạt động trên toàn cầu thường có tài sản trí tuệ và các tài sản khác nằm ở các quốc gia có thuế suất doanh nghiệp thấp
Các công ty Big Tech hoạt động trên toàn cầu thường có tài sản trí tuệ và các tài sản khác nằm ở các quốc gia có thuế suất doanh nghiệp thấp

Theo các chuyên gia, hệ thống thuế doanh nghiệp hiện tại chưa thích ứng được với nền kinh tế số hóa vì nó không thể hạch toán đầy đủ các tài sản vô hình. Việc cắt giảm thuế cạnh tranh giữa các quốc gia đã trở nên gay gắt, một phần là do việc mở rộng tài khóa được thực hiện để đối phó với đại dịch Covid-19. Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các quy tắc thuế toàn cầu.

Tỷ lệ gánh nặng thuế của nhóm Big Tech ở mức thấp

Nikkei Asia đã dử dụng QUICK-FactSet để phân tích dữ liệu tài chính từ khoảng 57.000 công ty lớn trên thế giới. Từ đó tính toán ra được tỷ lệ gánh nặng thuế của doanh nghiệp và so sánh tỷ lệ trung bình giữa năm 2018 và năm 2020.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ gánh nặng thuế trung bình của Alphabet - công ty mẹ Google, Apple, Facebook và Amazon là 15,4%, thấp hơn 9,7% so với mức trung bình toàn cầu của tất cả các công ty (25,1%).

Reuven S. Avi-Yonah, giáo sư tại Đại học Luật Michigan, cho biết gánh nặng thuế đối với các công ty Big Tech nằm ở mức thấp vì "lợi nhuận của họ gần như hoàn toàn đến từ những thứ vô hình. Những mảng này thường thuộc phạm vi thuế thấp".

Tỷ lệ gánh nặng thuế của nhóm Big Tech ở mức thấp
Tỷ lệ gánh nặng thuế của nhóm Big Tech ở mức thấp

Các công ty công nghệ trên khắp thế giới thường duy trì tài sản trí tuệ và các tài sản khác ở các quốc gia có thuế suất doanh nghiệp thấp, đồng thời thu lợi nhuận dưới dạng phí cấp phép từ các quốc gia khác nhau. Điều này cho phép họ giảm thiểu gánh nặng thuế tổng thể. Ví dụ, Google, Apple và Facebook có trụ sở chính ở châu Âu và các hoạt động khác ở Ireland, nơi thuế suất doanh nghiệp ở mức thấp, chỉ 12,5%.

Do đó, việc số hóa nền kinh tế đã dẫn đến sự chênh lệch ngày càng lớn về gánh nặng thuế mà các công ty thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác nhau phải đối mặt.

Ví dụ, gánh nặng trung bình trong ngành công nghiệp điện, ô tô, máy móc, hóa chất, vật liệu và năng lượng là 30,7%, gần gấp đôi so với các công ty công nghệ trong nhóm Big Tech. 

Mindy Herzfeld, giáo sư tại Đại học Luật Levin của Đại học Florida, cho biết hệ thống thuế có xu hướng tập trung vào các nguồn lợi nhuận, chẳng hạn như nhà máy và các tài sản hữu hình khác hơn là tài sản vô hình. Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội, mô hình kinh doanh của các công ty đang thay đổi đáng kể nhưng "luật thuế hiện hành vẫn chưa thể đáp ứng với sự thay đổi này", Hertzfeld chỉ ra.

Tuy nhiên, các công ty Big Tech lại rất thích ý tưởng hài hòa thuế toàn cầu. “Mức thuế toàn cầu nói chung của Google là hơn 23% trong 10 năm qua, phù hợp với mức trung bình theo luật định là 23,7% đối với các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế”, Karan Bhatia, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ và cộng đồng của Google, cho biết khi trả lời câu hỏi liên quan đến kết quả khảo sát của Nikkei.

"Thuế thu nhập doanh nghiệp là cách quan trọng mà các công ty đóng góp cho mỗi quốc gia và cộng đồng nơi họ kinh doanh. Chúng tôi muốn thấy một môi trường thuế mà mọi người đều thấy nó hợp lý và phù hợp", Bhatia nói thêm.

Apple cũng khẳng định rằng các khoản thanh toán thuế của họ là hợp pháp. "Là doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất trên thế giới, Apple đã chi trả đầy đủ các khoản thuế ở mỗi quốc gia trên thế giới đến từng USD nhỏ".

Amazon cho biết họ tuân thủ luật lệ và quy định liên quan đến việc đóng thuế ở tất cả các quốc gia và khu vực nơi họ kinh doanh. Facebook từ chối bình luận về vấn đề này.

Cuộc đua giảm thuế doanh nghiệp

Tỷ lệ đóng góp của thuế doanh nghiệp vào tổng thu thuế đã giảm ở nhiều quốc gia. Vào những năm 1990, thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội ở Mỹ dao động quanh mức 2%, nhưng hiện đã giảm xuống dưới 1% vào năm 2019. Ở Anh và Ý cũng ghi nhận con số này giảm xuống mức dưới 3%.

Ở Nhật Bản, tỷ trọng thuế doanh nghiệp trên GDP vẫn ở mức 4%, mặc dù nó đã giảm khoảng 2% kể từ năm 1990.

Các quốc gia trên thế giới đã và đang trong cuộc đua cạnh tranh cắt giảm thuế suất doanh nghiệp nhằm nỗ lực thu hút các công ty nước ngoài. Những nhà phê bình gọi đây là "cuộc đua tới đáy”. 

Các quốc gia trên thế giới đã và đang trong cuộc đua cạnh tranh cắt giảm thuế suất doanh nghiệp
Các quốc gia trên thế giới đã và đang trong cuộc đua cạnh tranh cắt giảm thuế suất doanh nghiệp

Trong khi đó, các công ty, đặc biệt là ở Mỹ và Châu Âu, đã chi tiêu tiền thuế chủ yếu bằng cách thưởng cho các cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu và các phương pháp khác. Điều này đã góp phần làm gia tăng sự giàu có và bất bình đẳng thu nhập.

Tuy nhiên, thuỷ triều dường như đã đổi dòng kể từ đầu năm nay. Xu hướng cắt giảm thuế trên toàn cầu cuối cùng đã có dấu hiệu dừng lại. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp. Đây được xem là một phần trong giải pháp trang trải gói chi tiêu khổng lồ mà chính quyền Biden đã phê duyệt để đối phó với suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19. Anh và nhiều nước khác cũng đang có động thái tương tự. 

Việc xem xét các quy định về thuế nhằm buộc các công ty công nghệ phải đóng thuế nhiều hơn sắp hoàn thành. OECD đã đề xuất sửa đổi toàn cầu đối với các quy tắc thuế, chẳng hạn như đưa ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu. Các đề xuất từ ​​chính quyền Biden bao gồm chia sẻ quyền đánh thuế giữa các quốc gia nhằm tiếp cận khoảng 100 công ty đa quốc gia. Các cuộc đàm phán quốc tế đang được tiến hành với mục tiêu đạt được một thỏa thuận vào giữa năm nay.

Mục tiêu của việc sử đổi này là điều chỉnh sự mất cân đối trong gánh nặng thuế trong khi vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục