Luật sư nói về kỳ án “phân bón rởm” tại Sóc Trăng: Dấu hiệu “hình sự hoá quan hệ hành chính”

Duy Quang

Báo PLVN đã nêu hàng loạt “sạn” tồn tại trong vụ án, chứng minh cơ quan chức năng Sóc Trăng có dấu hiệu vi phạm tố tụng, chứng cứ yếu, khó kết tội bị cáo trong vụ án “phân giả”. PLVN tiếp tục ghi nhận ý kiến của luật sư, chuyên gia pháp lý về vụ án có dấu hiệu oan án rõ ràng.

“Chỉ là sai sót hành chính, không phải sai phạm hình sự”

Hơn ba năm điều tra truy tố, hai lần xử, với hơn 3333 bút lục, thế nhưng cáo trạng truy tố hai bị cáo Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) và Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7) cuối cùng “ngót” lại chỉ còn 12 trang.

Vụ án đến nay không còn vật chứng như xác nhận của cơ quan công tố, không thể xác định các mẫu phân bón là thật hay giả, vấn đề có gây ra thiệt hại hay không thì còn tranh cãi… Theo các chuyên gia pháp lý, “cái phao” duy nhất cơ quan tố tụng địa phương còn có thể “bấu víu” để quyết buộc tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là hành vi “làm trái công vụ”. Thế nhưng ở khía cạnh này, càng thấy rõ dấu hiệu của một vụ việc “hình sự hoá quan hệ hành chính”.

Luật sư nói về kỳ án “phân bón rởm” tại Sóc Trăng: Dấu hiệu “hình sự hoá quan hệ hành chính” - Ảnh 1
Vụ án đã qua hơn ba năm điều tra truy tố, hai lần xử, và nhiều ý kiến cảnh báo nguy cơ Sóc Trăng sẽ có thêm một oan án

Sau khi khởi tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, CQĐT Sóc Trăng đã thay đổi thành tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Một trong những yếu tố quan trọng nhất cấu thành tội danh này là hành vi “làm trái”.

Tiếp cận hồ sơ và đánh giá sự việc, Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nhận xét: Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan ANĐT gửi nhiều văn bản đến Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Ban chỉ đạo 389 (Bộ Công Thương), Văn phòng Công nhận Chất lượng, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp)… “Hiếm thấy vụ án nào CQĐT phải hỏi nhiều cơ quan chức năng nhiều như vụ án này. Tuy nhiên việc hỏi như thế nào và trả lời như thế nào mới là quan trọng”, LS Hiệp nói.

Có rất nhiều vấn đề CQĐT Sóc Trăng đặt ra với các cơ quan chức năng, nhưng nhìn chung có 3 vấn đề xoáy vào. Thứ nhất, Đoàn kiểm tra có quyền đưa đi kiểm nghiệm phân bón lần 3 hay không? Thứ hai, các phiếu kiểm nghiệm phân bón lần 3 tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ có giá trị pháp lý hay không? Thứ ba, nếu nhà sản xuất có khiếu nại thì phải xử lý như thế nào? 

Và cuối cùng, trong cáo trạng, chỉ vấn đề thứ nhất được cơ quan tố tụng sử dụng nhằm cáo buộc các bị cáo. Theo văn bản trả lời của Cục Quản lý Thị trường: “Tại điểm d, khoản 2, Điều 9, Thông tư 26/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường quy định: “Trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu, trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, người bán hàng có thể đề nghị bằng văn bản đối với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác.

Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng…”. Quy định này chính là “căn cứ” để cơ quan tố tụng Sóc Trăng cho rằng các bị cáo đã “làm trái”, vì quy định chỉ cho thử nghiệm 2 lần, nhưng các bị cáo đã đưa mẫu phân bón đi thử nghiệm lần 3.

Phản bác quan điểm này, LS Hiệp cho biết: “Đây chỉ là sai sót hành chính, chứ không phải sai phạm hình sự. Tôi đã đọc các văn bản trả lời của các bộ, ngành về sự việc và không thấy các văn bản này quy kết gì, mà chỉ giải thích pháp luật chung chung. Cán bộ nào cũng có thể mắc sai sót về hành chính trong quá trình làm việc, nhưng không chứng minh rõ được động cơ, không xác định được thiệt hại, thì không thể quy kết đó là tội phạm”.

“Lỗ hổng” pháp luật trong lĩnh vực chất lượng hàng hóa?

Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi trong các phiên xử vụ án này, đó là dấu hiệu “lỗ hổng” pháp luật trong lĩnh vực chất lượng hàng hóa. Nhiều ý kiến nêu ra trong sự việc này, phải áp dụng Thông tư 26 của Bộ Khoa học và Công nghệ hay Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá để xử lý khi có khiếu nại của nhà sản xuất phân bón là Tập đoàn Con Cò Vàng?

Theo đó, Thông tư 26 là quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường, là một văn bản hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Thông tư 26 chỉ dừng lại ở mức độ quy định, hướng dẫn những vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường khi có sự khiếu nại của người bán hàng. Còn nếu nhà sản xuất có khiếu nại thì không thấy hướng dẫn trong Thông tư này.

Trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá lại có nêu vấn đề nhà sản xuất khiếu nại. Theo các luật sư và bị cáo, Thông tư nhằm hướng dẫn cho Luật. Và nếu Thông tư không hướng dẫn, thì đương nhiên phải áp dụng điều khoản trong Luật.

Một vấn đề nữa cần phải nói rõ, vì sao Đoàn kiểm tra lại chấp thuận khiếu nại của Tập đoàn Con Cò Vàng để thống nhất đưa đi kiểm nghiệm lần 3? Trong đơn khiếu nại, Tập đoàn Con Cò Vàng đưa ra bảng kết quả kiểm nghiệm 2 lần cho thấy 3 mẫu phân bón có chỉ tiêu đạt, có chỉ tiêu vượt, có chỉ tiêu không đạt.

“Tuy nhiên, do là hàng phối trộn 3 yếu tố N, P2O5, K2O nên khi lấy mẫu kiểm tra có thể lấy không đều hoặc do bên Trung tâm kiểm nghiệm lấy mẫu đem đi phân tích không đều mới có kết quả nêu trên”.

“Các lô hàng này được vận chuyển bằng đường ghe xuống đến Sóc Trăng mất cả tuần lễ, có thể chủ ghe không bảo quản tốt, bị nắng nóng, bị thấm mưa… cũng bị ảnh hưởng đến chất lượng”, công văn khiếu nại nêu. Từ đó, Tập đoàn Con Cò Vàng mới đề nghị xem xét lấy mẫu, cho đi giám định lần thứ 3 để đảm bảo sự công bằng.

“Nếu muốn kết luận hành vi trên là phạm tội, nhất là với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, cần phải chứng minh phân bón trong vụ án là giả? Hậu quả thiệt hại như thế nào cho người sử dụng? 

Nhưng cho đến thời điểm này (hết phần tranh luận tại phiên sơ thẩm lần 2 – NV), số lượng phân bón bị cho là giải phóng ra thị trường chưa hề có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng nào rằng đó là giả. Chính VKS cũng thừa nhận không đề cập đến phân bón là thật hay giả.

Như vậy, có thể nói rằng, nếu phân bón trên là thật thì đưa đi kiểm nghiệm 10 lần cũng là thật và ngược lại. Số lần đưa đi kiểm nghiệm, có thể là vi phạm hành chính, nguyên tắc nhưng chất lượng phân bón sẽ không thay đổi. 

Phân bón không bị kết luận là giả thì đương nhiên là thật khi có nhà sản xuất được phép sản xuất phân bón. Phân bón thật thì không gây ra hậu quả, không gây thiệt hại. Tôi nhấn mạnh lại đây là một sự việc hành chính bị hình sự hoá”.

                                                                                                               LS Huỳnh Phước Hiệp