Lương nhân công tại Việt Nam chỉ bằng 1/4 Trung Quốc và 1/3 Malaysia

Giang Phạm

Lương nhân công ngành sản xuất của Việt Nam năm 2018 tăng lên mức 252 USD/tháng, trong khi ở Trung Quốc là 968 USD/tháng.

Báo cáo của Savills về bất động sản công nghiệp vừa phát hành chỉ ra, bên cạnh ưu thế từ các hiệp định thương mại, yếu tố chi phí lao động và thuế quan giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trong làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khỏi Trung Quốc. Trong đó, khu công nghiệp đã được quy hoạch dự kiến sẽ là phân khúc thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Khu công nghiệp đã được quy hoạch dự kiến sẽ là những đối tượng thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Khu công nghiệp đã được quy hoạch dự kiến sẽ là những đối tượng thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Hà Nội cho biết về lâu dài, sức hút của bất động sản công nghiệp Việt Nam trong làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc nằm ở 2 yếu tố đáng chú ý. 

Một trong những lý do được Savills đề cập đến là với chi phí lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc. Vì thế, các công ty đa quốc gia sản xuất sản phẩm có giá trị cao như đồ điện tử có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. 

Đơn vị này cho biết, mức lương nhân công ngành sản xuất của Việt Nam dù tăng từ 237 USD/tháng trong năm 2018 lên 252 USD nhưng vẫn tương đối thấp so với các nước trong khu vực như Trung Quốc là 968 USD, Malaysia là 766 USD. Như vậy, mức lương nhân công ở Việt Nam chỉ bằng hơn 1/4 so với Trung Quốc và 1/3 của Malaysia. 

Theo Savills, chi phí nhân công không thúc đẩy sự tăng trưởng công nghiệp bền vững nhưng vẫn là yếu tố quan trọng với các ngành có giá trị thấp như dệt may và đồ nội thất.

Đại diện Savills đánh giá Việt Nam đang chuyển trọng tâm sang thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn như công nghệ cao hay hỗ trợ sản xuất công nghệ cao. Tuy nhiên điều này buộc Việt Nam cần quan tâm hơn đến chất lượng lao động. Và để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng lao động tại các dự án có giá trị, Savills cho rằng điều cần thiết Việt Nam phải làm là đầu tư vào giáo dục, đặc biệt lĩnh vực công nghệ thông tin, toán học và khoa học.

Lý do lớn thứ 2 theo Savills, Việt Nam là một trong những nước có chính sách thuế cạnh tranh nhất châu Á. Các công ty có thể hưởng lợi từ ưu đãi miễn 20% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu tiên, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định và miễn tiền thuê đất. 

Đáng chú ý, Chính phủ còn dành ưu tiên cho thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho ngành công nghiệp 4.0, ngành hỗ trợ sản xuất công nghệ cao, dự án tại đặc khu kinh tế (SEZ), hay tại vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn. Mức ưu đãi sẽ là hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những thị trường có chi phí xây dựng công nghiệp cạnh tranh nhất. Kết luận này được đưa ra trong bảng khảo sát "Chi phí xây dựng năm 2019" của Turner & Townsend.

Theo Savills, tại TP HCM, chi phí xây dựng trung bình các nhà xưởng và nhà kho cơ bản là 352 USD/m2; các nhà máy và trung tâm phân phối lớn là 412 USD/m2 và các nhà máy công nghệ cao là 618 USD/m2.

Tin Cùng Chuyên Mục