Lý do căn hộ quận 1 ngày càng đắt đỏ

Theo Lộc An/ VNE

Lợi thế trung tâm, dự án mới ngày càng khan hiếm, tỷ suất sinh lời cao... là những yếu tố giúp căn hộ quận 1 liên tục lập mặt bằng giá mới.

Theo báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam, trong khi giá bán trung bình của một căn hộ trên thị trường sơ cấp tại TP HCM trong quý I vừa qua chỉ đạt 1.764 USD mỗi m2 thì giá các căn hộ hạng sang trong vài quý trở lại đây có mức cao kỷ lục 7.500-12.000 USD mỗi m2.

Hãng dự báo giá bán trung bình toàn thành phố có thể tăng thêm 5% trong năm nay nhưng phân khúc trung cấp và bình dân có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn chỉ 1-3% theo năm do tính cạnh tranh cao từ số lượng lớn nguồn cung. Trong khi, các dự án hạng sang được cấp phép tại quận 1 và quận 3 có giá bán dự kiến tăng 5-7%, do khan hiếm quỹ đất tại khu vực trung tâm.

Các dự án hạng sang và cao cấp tại quận 1, 2 và khu vực Thủ Thiêm cũng được đánh giá dẫn đầu đà sôi động trên thị trường thứ cấp trong năm nay. Theo đó, các căn hộ tại khu vực này có thể đạt mức tăng giá lên tới 15-20% so với giá chào bán ban đầu.

Theo các chuyên gia, biên độ tăng giá lớn thường xuất hiện tại các thị trường sơ khai, khi mặt bằng giá còn ở mức thấp. Trong khi khu vực quận 1 - nơi dẫn đầu về giá bất động sản của toàn thành phố - lại có mức giá liên tục tăng mạnh.

Lợi thế khu vực trung tâm

Là quận trung tâm của TP HCM, với diện tích 7.721km2, quận 1 tập trung nhiều cơ quan hành chính - kinh tế - văn hóa cùng lãnh sự quán các nước và các tòa nhà cao tầng. Đây cũng là nơi sầm uất và có mức sống cao của thành phố về nhiều phương diện.

Lý do căn hộ quận 1 ngày càng đắt đỏ - Ảnh 1

Lợi thế trung tâm khiến căn hộ tại khu vực quận 1 liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.

Vùng trung tâm có vị trí đắc địa, bao quanh bởi hệ thống sông Sài Gòn, cảng Bạch Đằng, tuyến kênh Võ Văn Kiệt, giáp quận 3, quận 2, quận 5, quận 10 và quận 4. Nếu sở hữu một căn nhà ở quận 1, chủ nhân có thể dễ dàng kết nối đến các khu vực còn lại của thành phố.

Dự án mới ngày càng khan hiếm

Do hình thành khu dân cư từ sớm, quỹ đất tại khu vực trung tâm ngày càng hạn chế. Việc tạo lập quỹ đất sạch cho phát triển nhà ở tại khu vực này là không hề đơn giản.

Hơn nữa, theo chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2016-2025 của UBND thành phố, khu vực trung tâm hiện hữu (bao gồm quận 1 và quận 3) sẽ không phát triển các dự án mới về đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2020.

Diện mạo đô thị tiếp tục chỉnh trang

Trong năm 2019, TP HCM sẽ đẩy mạnh việc di dời, sửa chữa mới 103 chung cư cũ mà đa phần nằm ở trung tâm sẽ tạo ra một bộ mặt mới cho quận 1. Cũng trong năm nay, thành phố bắt đầu vận hành đề án xây dựng "đô thị thông minh" với 4 trụ cột là kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm an toàn thông tin thành phố. Mục tiêu là sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với quận 1 là nơi thí điểm đầu tiên.

Tỷ suất sinh lời cao

Theo số liệu của CBRE Việt Nam, giá thuê căn hộ dịch vụ tại TP HCM tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu thuê của khách ngoại tăng trưởng tốt. Hiện giá thuê bình quân 38 USD mỗi m2 một tháng đối với căn hộ dịch vụ hạng A và 32 USD mỗi m2 một tháng đối với căn hạng B (phần lớn tập trung ở quận 1 và quận 3).

Lý do căn hộ quận 1 ngày càng đắt đỏ - Ảnh 2

Các tiện ích nội khu là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định khả năng cho thuê của một căn hộ dịch vụ.

Đây là phân khúc bất động sản hướng đến đối tượng khách thuê nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam, bao gồm những người công tác dài ngày và một số ít là khách du lịch ngắn ngày. Yêu cầu của khách ngoại là tiện ích dịch vụ đi kèm tương đương tiêu chuẩn khách sạn. 

Nhu cầu từ các nhà đầu tư ngoại

Báo cáo của Savills Việt Nam đánh giá, phân khúc căn hộ cao cấp tại TP HCM đang được thúc đẩy bởi nguồn cầu nhà ở mạnh mẽ từ tầng lớp siêu giàu trong nước và khu vực. Nguyên nhân chủ yếu là do giá căn hộ tại TP HCM nhìn chung vẫn thấp hơn so với các thị trường tương đương trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok, mặc dù tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Giá nhà mới tại khu trung tâm thành phố đang giữ mức trung bình khoảng 5.500-6.500 USD mỗi m2, thấp so với Hong Kong - nơi mà nhà ở luôn ở mức giá đắt đỏ kỷ lục. Các biện pháp hạ nhiệt đã khiến thuế nhà ở tại nhiều quốc gia trở nên cao hơn trong khi mức thuế này tại Việt Nam lại tương đối thấp, hấp dẫn người mua trong và ngoài nước.

"Không có gì ngạc nhiên khi nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ khi chính sách sở hữu nhà ở cho người nước ngoài có hiệu lực vào năm 2015", ông Neil MacGregor - Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định.

Đơn cử tại The Grand Manhattan, dự án có quy mô khoảng 1.000 căn hộ hạng sang với giá khởi điểm từ 6.000 USD mỗi m2 tọa lạc 2 mặt tiền đường Cô Bắc và Cô Giang ngay lõi trung tâm quận 1. Với nhiều căn hộ loại 2 phòng ngủ - sản phẩm hấp dẫn với nhiều giới đầu tư và người mua để ở, dự án đã ghi nhận con số khách hàng ấn tượng. Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng đơn vị phát triển cho biết, số sản phẩm được thị trường hấp thụ trong 2 đợt giới thiệu 2 tòa tháp đầu tiên là "ngoài mong đợi". Dự kiến, tòa tháp tiếp theo sẽ ra mắt thị trường trong tháng 5 này và cũng là tòa tháp sở hữu tầm nhìn đẹp nhất dự án.

Lý do căn hộ quận 1 ngày càng đắt đỏ - Ảnh 3

Phối cảnh The Grand Manhattan tại 2 mặt tiền đường Cô Giang - Cô Bắc, ngay trung tâm quận 1.

Theo Savills, sự xuất hiện ngày một nhiều của những cơ hội đầu tư dài hạn trong phân khúc nhà ở cao cấp, đặc biệt là khi các chỉ số kinh tế vẫn phát triển vượt trội, người mua hoàn toàn sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng giá trị đầu tư. Mặc dù chặng đường để thị trường bất động sản TP HCM đạt đến đỉnh cao như Hong Kong và Singapore còn dài, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bùng nổ tầng lớp trung lưu và giá cả phải chăng, thành phố sẽ tiếp tục tiến bước, trở thành mãnh hổ tiếp theo của châu Á.

Tin Cùng Chuyên Mục