Lý do chi phí sản xuất điện năm 2018 tăng

Nhật Thu

Mặc dù khoản chênh lệch tỷ giá (khoảng hơn 3.000 tỷ đồng) chưa được tính vào nhưng giá thành sản xuất điện năm 2018 đã tăng 3,58% so với năm 2017. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã tự giảm trừ rất nhiều chi phí từ các khoản lợi nhuận thu lại ngoài doanh thu từ bán điện.

Phát điện chiếm 70% giá thành sản xuất

Theo công bố của Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284,64 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.724,41 đồng, tăng 3,58% so với năm 2017. 

Trong đó, các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột, cho thuê khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của các dự án nguồn điện của EVN đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên. 

Cụ thể, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong tổng chi phí sản xuất điện nêu trên, giá thành của khâu phát điện chiếm khoảng 70% (tương đương 255.679,98 tỷ đồng), tương ứng với giá thành khâu phát điện là 1.329,17 tỷ đồng. 

Lý do chi phí sản xuất điện năm 2018 tăng - Ảnh 1

Ông Tuấn cũng nêu rõ, có rất nhiều nguyên nhân khiến chi phí phát điện năm 2018 tăng hơn năm 2017 (220.915 tỷ đồng). Trong đó, chủ yếu là do năm 2018 tổng lượng nước về hồ chứa thủy điện thấp hơn khoảng 12 tỷ m3 so với năm 2017, do đó sản lượng điện huy động từ các nguồn điện khác như nhiệt điện than (giá than nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng trên 20% so với năm trước), tua bin khí, năng lượng tái tạo cao hơn so với năm 2017. 

Ngoài ra, tỷ giá USD tăng 1,37% nên chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng USD hoặc giá mua nhiên liệu bằng USD như các nhà máy điện khí, nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu (như cụm các nhà máy điện Phú Mỹ EVN, Phú Mỹ BOT, Nhơn Trạch 1&2, Cà Mau 1&2…), nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào và các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo… cũng tăng lên. Bên cạnh đó, còn các khoản thuế, phí như thuế tài nguyên nước cũng tăng theo giá bán lẻ điện bình quân, phí môi trường rừng tăng 16 đồng/kWh. 

Trong giá thành sản xuất điện, chi phí cho khâu truyền tải điện là 19.690,95 tỷ đồng (tương đương 102,36 đồng/kWh); Chi phí cho khâu phân phối bán lẻ điện là 55.590,90 tỷ đồng (tương đương 288,99 đồng/kWh). Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo là 296,11 tỷ đồng. Tổng khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.322,81 đồng/kWh (tương đương 6,88 đồng/kWh). 

Điều chỉnh giá điện không chỉ căn cứ vào tỷ giá USD tăng

Các khoản chi phí chưa tính vào giá thành điện năm 2018 gồm một phần khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của năm 2015 và khoản chênh lệch tỷ giá của cả năm 2017. Nguyên nhân là do năm 2018 không có sự điều chỉnh giá điện nên 2 khoản này (có tổng giá trị 3.090,9 tỷ đồng) chưa được đưa vào giá thành. 

Lý giải về việc treo lại khoản chênh lệch tỷ giá USD tác động như thế nào đến giá điện, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, theo Thông tư 56/BCT, khoản tỷ giá được hạch toán treo lại này phải thanh toán cho các đối tác của EVN trong năm 2018 nhưng do chưa có nguồn tiền nên buộc phải “treo lại”. Riêng công ty mẹ đã có cân đối từ các nguồn khác nên khoản tỷ giá này  không tính vào giá thành điện.

“Chúng tôi buộc phải chờ các phương án giá điện trong các năm tới mới có nguồn tiền để trả khoản chênh lệch tỷ giá này. Về nguyên tắc, khoản chênh lệch tỷ giá USD được tính vào giá thành sản xuất điện nên nếu tỷ giá tăng thì giá điện sẽ tăng” - ông Nam nói. 

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, trước đây, nhiều nhà máy điện huy động ngoại tệ để vay xây dựng và hiện nay chưa trả hết nợ nên khi tỷ giá lên thì giá thành sản xuất tăng lên. Nhưng, may mắn là trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã giữ tỷ giá trong mức kiểm soát nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều ngành, trong đó có ngành Điện. Theo ông Vượng, khoản tỷ giá USD chênh lệch treo này sẽ ảnh hưởng đến giá điện điều chỉnh trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, ông Vượng cũng khẳng định, việc điều chỉnh giá điện không chỉ căn cứ vào việc giá thành sản xuất điện tăng cao mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.

Các dữ liệu về chi phí sản xuất điện 2018 được công bố bởi Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương, với đại diện nhiều cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Trong thời gian qua, Đoàn kiểm tra đã kiểm tra thực tế tại công ty mẹ - EVN và một số đơn vị thành viên của EVN.

Tin Cùng Chuyên Mục