May Sông Hồng có nguy cơ mất trắng 167 tỷ đồng vì đối tác lớn tại Mỹ xin phá sản

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu MSH ghi nhận giảm sàn, giao dịch ở mức 31.750 đồng/cổ phiếu trong phiên chiều 16/7.

Hàng loạt các tờ báo lớn như CNN, Washington Post, CNBC... đều đồng loạt đưa tin về việc RTW Retailwinds - chủ sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang nữ New York & Company, đã nộp đơn xin phá sản hôm 13/7.  Theo đại diện của hãng, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, cộng thêm với ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã khiến công ty rơi vào khủng hoảng tài chính. Đơn vị này liệt kê tài sản hiện có 412 triệu USD và các khoản nợ khoảng 396 triệu USD.

Hãng có thể sẽ phải đóng cửa toàn bộ 400 cửa hàng trên khắp nước Mỹ, đẩy 5.000 nhân viên vào hoàn cảnh thất nghiệp. Hiện cổ phiếu của RTW Retailwinds trên sàn chứng khoán New York đã bị gỡ bỏ.

Một cửa hàng New York & Company
Một cửa hàng New York & Company

Thông tin trên ảnh hưởng trực tiếp tới một đối tác lớn của RTW Retailwinds tại Việt Nam là Công ty Cổ phần May Sông Hồng (Mã CK: MSH). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, May Sông Hồng ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn 167 tỷ đồng với New York & Company, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số 439 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của công ty. 

Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE của May Sông Hồng cũng cho thấy New York & Company là khách hàng lâu năm của công ty. Liên tiếp trong hai năm 2017, 2018 hai bên đã ký kết các hợp đồng xuất khẩu hàng may mặc trị giá tới 44 triệu USD. Đồng thời, New York & Company đóng góp khoảng 25% vào doanh thu mảng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm). Đây cũng là mảng kinh doanh đem lại doanh thu chính cho May Sông Hồng với trên 60% tổng doanh thu hợp nhất. 

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu MSH ghi nhận giảm sàn, giao dịch ở mức 31.750 đồng/cổ phiếu trong phiên chiều 16/7. Hôm qua cũng là ngày cổ phiếu này có lượng khớp lệnh kỷ lục kể từ ngày lên sàn, với trên 1,02 triệu đơn vị.

Năm 2020, May Sông Hồng kỳ vọng doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 54% so với năm 2019. Theo Chủ tịch HĐQT MSH, ông Bùi Đức Thịnh, dịch Covid-19 khiến công ty gặp khó khăn khi xuất khẩu hàng hoá, dẫn tới hàng tồn tại nhà máy nhiều. Trước tình hình đó, công ty đã phải triển khai sản xuất khẩu trang y tế để đem lại phần nào doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế vì nhu cầu không kéo dài và phía Trung Quốc liên tục tăng giá nguyên liệu, thiết bị.

Trong ngành dệt may, từng có trường hợp tương tự xảy ra với Dệt may Thành Công, khi đối tác Sears Holdings nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Tại thời điểm đó, Sears thông qua hai công ty con là Roebuck & Co và Kmart Corporation đã đóng góp 7% vào doanh thu hàng năm của Dệt Thành Công. Sau 2 năm, báo cáo tài chính quý I/2020 của Dệt Thành Công ghi nhận khoản nợ hơn 100 tỷ đồng từ Seers vẫn chưa được giải quyết. Trước đó, lãnh đạo công ty cho biết Dệt Thành Công có khả năng thu về được 40-45% tổng số tiền phải thu từ Seers.

Tin Cùng Chuyên Mục