Minh bạch và củng cố niềm tin cho thị trường chứng khoán

Hoài Anh

Chỉ trong vài tháng đầu năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua nhiều biến động lớn, ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư và uy tín của thị trường. Minh bạch, củng cố niềm tin và nâng cao chất lượng thị trường đang là định hướng để giúp TTCK phát triển bền vững để trở thành một trụ cột vững chắc của thị trường tài chính.

Chứng khoán có thực sự là ‘mảnh đất màu mỡ”?

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã và đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia. Khởi đầu với vài mã cổ phiếu trên sàn giao dịch, đến nay có đến hơn 1.641 mã cổ phiếu được niêm yết.

Thời gian gần đây, thị trường liên tục ghi nhận sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư. Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 5 lập kỷ lục 476.332 đơn vị, gấp đôi so với tháng 4 và cao hơn 76% so với kỷ lục cũ là 270.011 tài khoản lập được vào tháng 3". Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 5 triệu, chiếm xấp xỉ 5% dân số.

Minh bạch và củng cố niềm tin cho thị trường chứng khoán - Ảnh 1

Tận dụng sự thuận lợi của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã huy động vốn để cải thiện nguồn vốn cho hoạt động đầu tư phát triển và phục hồi hậu Covid-19. Số liệu từ Fiin Group cho thấy, trong năm 2021 các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết đã thực hiện phát hành cổ phiếu và huy động khoảng 100,6 nghìn tỷ đồng - con số kỷ lục về huy động vốn qua phát hành trên TTCK Việt Nam kể từ khi hình thành. Qua đó cho thấy vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

Không thể phủ nhận sự “trưởng thành” của TTCK Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên, thực tế hiện nay, thị trường vẫn còn nhiều biến động, dễ chịu tổn thương và tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhận định về TTCK Việt Nam thời gian qua, ông Vũ Tuấn Long - Giám đốc phòng Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán VPS cho rằng, TTCK không chỉ tại Việt Nam mà còn toàn cầu trong giai đoạn xảy ra Covid-19 từ năm 2019 đã có nhiều thay đổi khi mà chính sách tiền tệ được nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu rơi vào tình trạng lockdown và các hoạt động giao thương bị đóng băng trong thời gian điều chế vắc xin.

Trong thời kỳ “trực thăng rải tiền” và mọi người dân đều làm việc online thay vì tới văn phòng, phần nào đã thay đổi thói quen sinh hoạt lẫn kinh doanh và đầu tư. Việc tiền được bơm ra nền kinh tế gây ra lạm phát, mức chi tiêu sẽ có nhiều thay đổi, nhà đầu tư bắt đầu tham gia đầu cơ nhiều hơn và 2 thị trường chính đó là bất động sản và chứng khoán. Nếu như bất động sản thì nhà đầu tư thường tới thực địa mất khá nhiều thời gian trong việc di chuyển, tính thanh khoản và thủ tục pháp lý có phần phức tạp thì trái lại, đầu tư vào chứng khoán chỉ cần thao tác mở tài khoản online trong vòng 5 phút là có thể tham gia giao dịch ngay.

Trong giai đoạn vừa qua, TTCK Việt Nam đã có những bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về chỉ số, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước cho thấy sự kỳ vọng vào một mảnh đất màu mỡ, đầu tư nhanh kiếm lợi nhuận nhanh.

Cụ thể Vn-Index đạt mốc 1536.45 đỉnh cao mới vào ngày 10/01/2022 và đến cuối tháng 03/2022 thì số lượng mở mới của nhà đầu tư trong nước tiếp tục mở mới tổng cộng hơn 675.000 tài khoản chứng khoán, gấp đôi lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Hầu như lượng mở mới đều là những nhà đầu tư F0 chưa có kinh nghiệm “chinh chiến” trên thị trường tài chính khốc liệt.

Tuy nhiên, trong TTCK có đỉnh cao thì cũng có những lúc lao dốc vực sâu. Sau gần 2 năm thăng hoa của VN-Index thì cú sập bắt đầu từ ngày 07/04/2022 đã khiến nhà đầu tư không chỉ F0 mà còn là Fn hoảng loạn khi liên tiếp các phiên sau đó bảng giá điện tử tràn trong sắc xanh sàn và đỏ. Chỉ trong 2 tuần, mọi thành quả tích lũy trước đó đều bị bay sạch và để lại cú shock lớn cho nhiều nhà đầu tư và không ít trong số đó đã phải rời bỏ thị trường trong thất bại cay đắng vì lòng tham với mong muốn làm giàu nhanh chóng.

Nhìn từ quan điểm cá nhân, ông Long cho rằng sau cú sập này thị trường chắc chắn sẽ có sự thay đổi về lượng khi mà chính sách tiền tệ các nước bắt đầu rục rịch tăng dần lãi suất cơ bản trở lại. Vắc xin được phủ rộng, lạm phát đang gia tăng nhanh thì dòng tiền đầu cơ sẽ được thu gọn lại, các ngân hàng bắt đầu huy động tiền gửi với lãi suất tiền và bắt đầu cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp sau đại dịch.

Việc thay đổi về lượng sẽ khiến cho VN-Index có tính bền bỉ hơn, không còn tăng shock, giảm shock, mua nhanh và bán nhanh, trong giai đoạn tới đòi hỏi nhà đầu tư tham gia TTCK phải trang bị kiến thức, đầu tư nhỏ giọt từng bước, không còn tình trạng FOMO lỡ mất cơ hội. Việc thị trường sụt giảm mạnh cũng là bài học cho nhà đầu tư về thị trường tài chính không dành cho những “tay mơ” không có kiến thức và ham muốn lãi gấp đôi, gấp ba trong thời gian ngắn.

TTCK là phản ánh tương lai của nền kinh tế, theo ông Vũ Tuấn Long thì việc kinh tế phục hồi và đang tăng trưởng tốt trở nhất là ở các ngành dịch vụ, công nghiệp chế tạo, chế biến sẽ là tiền đề để thị trường có sức hấp dẫn hơn đối với NĐT trong bối cảnh PE của TTCK đang ở mốc khá tốt 13 với sức tăng trưởng 20-25% “dự phóng” trong năm 2022 thì cơ hội còn khá rộng mở.

Để TTCK thực sự bền vững

Chỉ trong vài tháng đầu năm, TTCK đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới thao túng thị trường và sai phạm trong phát hành trái phiếu. Sau vụ án thổi giá, làm giá và bán chui cổ phiếu của Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, tiếp nối là vụ án của Tập Đoàn Tân Hoàng Minh liên quan tới tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi huy động trái phiếu doanh nghiệp đã gây thiệt hại và ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư.

Theo ông Vũ Tuấn Long, để giúp TTCK phát triển thực sự bền vững cần đảm bảo yếu tố minh bạch. Ông hoàn toàn ủng hộ các động thái siết chặt của Bộ Tài Chính và nỗ lực phối hợp với Bộ Công an để xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định, dù có phần hơi muộn nhưng vẫn mang yếu tố tích cực và tính lâu dài trên thị trường tài chính cũng như đem lại sự công bằng cho nhà đầu tư.

Minh bạch và củng cố niềm tin cho thị trường chứng khoán - Ảnh 2

Theo ông Long, về phía trái phiếu doanh nghiệp thì với sự vụ vừa qua, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải hoàn chỉnh các thể chế, chính sách và các quy định điều kiện được phát hành trái phiếu. Đồng thời, phải quy định vốn vay. Vốn chủ sở hữu, cân đối giữa vốn vay ngân hàng và vốn chủ ở mức hợp lý. Doanh nghiệp cần có thời gian thành lập đủ lâu, phải có lãi tối thiểu trên vốn chủ ở mức quy định… Ngoài ra, nếu có xếp hạng tín nhiệm đầy đủ sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về doanh nghiệp phát hành.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia, theo ông Long, với diễn biến tâm lý phức tạp trong bối cảnh hiện tại thì thường TTCK sẽ mất một khoảng thời gian để có thể phục hồi. Dù rất khó đoán nhưng nếu nhà đầu tư nhìn dài hạn, tìm kiếm những doanh nghiệp tốt, có ban lãnh đạo có tâm có tầm, làm ăn nghiêm túc thì đó sẽ là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận không xa.

Với mức PE hấp dẫn 13 và kỳ vọng kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực trong năm nay thì Giám đốc phòng Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán VPS hy vọng Vnindex sẽ sớm tăng điểm và đón nhà đầu tư quay lại thị trường.

 

Không thể phủ nhận sự “trưởng thành” của TTCK Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên, thực tế hiện nay, thị trường vẫn còn nhiều biến động, dễ chịu tổn thương và tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tin Cùng Chuyên Mục