Mở rộng tín dụng phải đi đôi với chất lượng tín dụng

Thanh Thanh

Quý I/2021, tín dụng nền kinh tế đã tăng 2,93% so với cuối năm 2020, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lưu ý, các ngân hàng phải đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, tăng tưởng tín dụng vào lĩnh vực theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ…

Tăng trưởng tín dụng quý I/2021 gấp đôi cùng kỳ

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN tổ chức ngày hôm qua, 14/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 31/3/2021, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020.

Kết quả này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2020, tín dụng chỉ tăng trưởng 1,3%).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị.

Các tổ chức tín dụng cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tính đến cuối tháng 3/2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353.000 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 660.000 khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452.000 khách hàng.

Đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, đến 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; Dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay là 39,66 tỷ đồng.

Không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro của tổ chức tín dụng

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bám sát những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, căn cứ diễn biến thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 07/12021 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021.

Theo đó, mục tiêu đặt ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế và hỗ trợ phát triển kinh tế vĩ mô, cũng như duy trì ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, đảm bảo an toàn các tổ chức tín dụng.

Từ mục tiêu của Chỉ thị 01, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các biện pháp điều hành cụ thể, trong đó riêng đối với lĩnh vực tín dụng, Ngân hàng Nhà nước định hướng mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tín dụng là lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước quan tâm trong chỉ đạo điều hành, bởi đặc thù của nền kinh tế của chúng ta đó là vốn của doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.

Hiện dư nợ tín dụng/GDP trên 140% - số này thường được Ngân hàng Nhà nước đặt ra và lưu tâm trong những nhiều năm qua, để điều hành làm sao vẫn đảm bảo được vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được rủi ro.

Qua thanh tra, kiểm tra những vi phạm tiềm ẩn hoạt động ngân hàng đều tập trung ở hoạt động tín dụng. Đó là lý do trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước luôn luôn quan tâm tới điều hành tín dụng.

Các ngân hàng phải đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, tăng cường tín dụng vào lĩnh vực theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ; Tín dụng phù hợp với cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng để phòng rủi ro về chênh lệch kỳ hạn, chênh lệch tiền, đảm bảo khả năng chi trả cho người dân ở bất cứ thời điểm nào. Đặc biệt, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro của tổ chức tín dụng. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục