Một năm đầy "sóng gió" của Softbank

Kim Dung

Quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund của SoftBank vừa trải qua một trong những năm ảm đạm nhất trong lịch sử. Bên cạnh việc mất đi nhiều nhân sự cấp cao, tập đoàn này còn phải gánh khoản lỗ 1,5 tỷ USD của quỹ Vision Fund và mất thêm 100 triệu USD khi đầu tư vào sàn giao dịch tiền ảo FTX.

Quỹ Vision của tập đoàn Softbank từng được biết đến là nhà hậu thuẫn quyền lực cho các startup. Khi mới ra mắt vào năm 2017, Quỹ huy động được 100 tỷ USD. Hai năm sau, Softbank tiếp tục thành lập Quỹ Vision 2 trị giá 108 tỷ USD. Thế nhưng, sau hơn 5 năm hoạt động, lợi nhuận của Quỹ từ mức lãi kỷ lục 66 tỷ USD đã rơi xuống mức lỗ 1,5 tỷ USD trong quý II năm nay.

Ở thời điểm hiện tại, dù đã có lợi nhuận sau nhiều tháng nhưng SoftBank vẫn phải gánh khoản lỗ gần 10 tỷ USD trong hoạt động đầu tư mạo hiểm, bao gồm 2 Quỹ Vision và Quỹ đầu tư ở Châu Mỹ Latinh. Đại diện công ty cho biết tính từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, khoản lỗ ở mảng đầu tư mạo hiểm đã chạm mức 3.350 tỷ yên (24,53 tỷ USD).

Trong buổi công bố báo cáo tài chính ngày 11/11 vừa qua, ông Masayoshi Son, Chủ tịch kiêm CEO của Softbank, đã thừa nhận rằng công ty nên “ở chế độ phòng thủ”. Vậy nên, ông Son đề cử Yoshimitsu Goto, CFO của SoftBank, thay thế mình xử lý báo cáo tài chính hàng quý trong tương lai.

CEO của Softbank Masayoshi Son.
CEO của Softbank Masayoshi Son.

Ngoài ra, ông còn công bố một tin tức gây sốc đó là Quỹ Vision đã đầu tư 100 triệu USD vào FTX và khoản tiền đó đã "bốc hơi" sau khi sàn giao dịch FTX phá sản vào đầu tháng 11.

Thêm vào đó, SoftBank từng cấp vốn dài hạn cho CEO Son để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Thế nhưng sự tụt dốc của lĩnh vực này đã khiến vị tỷ phú 65 tuổi nợ tập đoàn 4,7 tỷ USD tính đến ngày 17/11.

Trước tình hình hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi rằng liệu mảng đầu tư mạo hiểm của Softbank còn có thể lấy lại danh hiệu "nhà hậu thuẫn quyền lực" hay không.

Cuộc khủng hoảng quản lý cấp cao.

Mặc dù các CEO trong ngành xem tỷ phú Son là một “người có tầm nhìn vĩ đại”, người có nhiều ý tưởng lớn nhưng không dễ gì để có thể hiện thực hóa những ý tưởng đó.

Vào tháng 7, Rajeev Misra, người điều hành Quỹ Vision trong nhiều năm, đã tuyên bố lui về "hậu trường" để đảm nhận chức vụ thấp hơn. Theo Business Insider, Misra đang có kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư riêng cùng một số đối tác cấp cao khác.

Ông Misra từng đảm nhận vị trí điều hành bộ phận trái phiếu của Deutsche Bank trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Năm 2016, Misra đã giúp SoftBank vượt qua nhiều rào cản lớn trong thương vụ thâu tóm công ty thiết kế chip ARM trị giá 32 tỷ USD. Đồng thời, ông cũng đóng vai trò lớn trong việc thuyết phục quỹ đầu tư nhà nước Ả Rập Saudi trở thành đối tác của Quỹ Vision.

Rajeev Misra từng thúc đẩy hợp tác giữa Quỹ Vision và quỹ đầu tư nhà nước Ả Rập Saudi  
Rajeev Misra từng thúc đẩy hợp tác giữa Quỹ Vision và quỹ đầu tư nhà nước Ả Rập Saudi  

Không chỉ có Rajeev Misra, nhiều CEO của Softbank cũng "từ bỏ" Softbank. Yanni Pipilis và Munish Varma, hai đối tác quản lý của Quỹ Vision sẽ gia nhập quỹ đầu tư mới của Misra. Đồng thời, một trong những nhà đầu tư trách nhiệm hữu hạn của Vision Fund 1, Mubadala Investment Company, cũng đang hậu thuẫn cho quỹ mới của Misra.

Một nhà đầu tư ở London tiết lộ Misra thành lập quỹ mới bằng cách "lôi kéo" các đồng nghiệp cũ và các đối tác trách nhiệm hữu hạn khi vẫn đang giám sát Quỹ Vision.

Kể từ năm 2010, đã có 10 quản lý cấp cao của SoftBank từ chức, trong đó có thành viên hợp danh cấp cao của Quỹ Vision Deep Nishar, CEO Marcelo Claure, Giám đốc chiến lược Katsunori Sago,...

Thị trường không mấy thuận lợi

Chiến lược đầu tư mạo hiểm trong tương lai của SoftBank vẫn còn nhiều điểm vướng mắc. Vào năm 2017 khi lãi suất ở mức thấp, Softbank có thể dễ dàng chi khoản tiền khổng lồ hậu thuẫn các startup để nâng định giá lên đến hàng tỷ USD. Công ty thường đầu tư vào những startup trong cùng một lĩnh vực, chẳng hạn như các ứng dụng gọi xe.

Hiện tại, trong bối cảnh lãi suất ngày càng tăng cao và nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, nhà đầu tư thường hết sức thận trọng với các khoản đầu tư mang tính đầu cơ cao vào startup công nghệ. Thế nhưng đây lại là một phần cơ bản trong danh mục đầu tư của Quỹ Vision.

SoftBank đã cố gắng bảo vệ các khoản đầu tư lớn nhất trong những ngày đầu thời kỳ khủng hoảng. Điển hình là khi kế hoạch IPO vào năm 2019 của Wework thất bại, tập đoàn của Nhật Bản đã tung gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD cho startup này.

Một nhà đồng sáng lập của startup khác được SoftBank hậu thuẫn tiết lộ rằng, khi họ gặp khó khăn, nhà đầu tư đã “đẩy mạnh thanh khoản khẩn cấp” và “triển khai một lượng lớn nguồn nhân lực” để tạo cơ hội cho doanh nghiệp này dù không nhất thiết phải làm như vậy.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là liệu SoftBank sẽ còn "giải cứu" các startup trong bối cảnh hiện tại không. Ví dụ như Klarna, công ty dịch vụ “mua trước trả sau”, được định giá 46 tỷ USD sau khi huy động thành công 639 triệu USD trong vòng gọi vốn từ Quỹ Vision 2 vào năm ngoái. Hiện giờ, định giá của Klarna đã giảm 85%, từ mức 46 tỷ USD xuống còn 6,7 tỷ USD và phải cắt giảm quy mô vào tháng 7.

Định giá startup Klarna được Softbank hậu thuẫn đã giảm 85% trong năm nay.
Định giá startup Klarna được Softbank hậu thuẫn đã giảm 85% trong năm nay.

Những cái tên khác trong danh mục đầu tư của SoftBank cũng phải cắt giảm nhân sự là GoPuff, OneTrust, Cameo và Remote.

Richard Windsor, người sáng lập công ty nghiên cứu Radio Free Mobile, cho rằng Softbank đã thất bại trong lần "giải cứu" WeWork cho nên tập đoàn này sẽ không sẵn sàng đánh cược để rồi nhận về kết quả tương tự.

Lối đi nào cho SoftBank?

Kết quả từ chiến lược kinh doanh của SoftBank đã thể hiện rõ ràng trong tháng 8/2022 khi tập đoàn báo lỗ 23,4 tỷ USD, trong đó 17,3 tỷ USD là khoản lỗ của Quỹ Vision.

Trong buổi thuyết trình vào tháng 11, CEO Son đã thừa nhận sai lầm khi quá “vội vàng” thu mua các startup khi thị trường tăng giá. Ông cho biết sẽ giảm đầu tư, cắt bớt chi phí để điều chỉnh, bao gồm cả việc cắt giảm nhân sự của Quỹ Vision.

Hiện tại, SoftBank vẫn khá lạc quan với danh mục đầu tư. Trong báo cáo tài chính tháng 8, CFO của Vision Fund Navneet Govil, cho biết tính đến ngày 30/6, 95% startup trong danh mục của họ có “cash runway” (khoảng thời gian mà một công ty có thể duy trì khả năng thanh toán mà không cần huy động thêm bất kỳ khoản tiền nào) trên 12 tháng.

Trong khi đó, Elliott Management, công ty nắm giữ 2,5 tỷ USD cổ phần trong SoftBank khi đại dịch bắt đầu bùng nổ, đã bán phần lớn cổ phần trong năm nay. Công ty này đã mất niềm tin vào khả năng mang lại giá trị cho cổ đông của Son khi có tin đồn SoftBank đang cân nhắc tư nhân hoá.

Theo Wall Street Journal, tháng 9 vừa qua, SoftBank đã đưa ra ý tưởng thành lập Quỹ Vision thứ 3 và Quỹ này sẽ giúp CEO Son và công ty có cơ hội "trở mình". Tuy nhiên, có vẻ như nhiều nhà đầu tư cùng với các nhà đầu tư trách nhiệm hữu hạn hay thậm chí là nhà đầu tư tổ chức đều không mấy mặn mà với phi vụ này.

Tin Cùng Chuyên Mục