Một số bất cập trong quy định về quản lý bán hàng đa cấp

BÁCH NGUYỄN

Góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp mà Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo - đang đưa ra lấy ý kiến, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần phải bổ sung các quy định về minh bạch thông tin.

Cơ quan quản lý cũng phải kịp thời minh bạch thông tin

Một trong những vấn đề lớn nhất đối với hoạt động kinh đoanh đa cấp là yếu tố minh bạch về thông tin. Tại dự thảo nghị định nói trên, cơ quan soạn thảo đã quan tâm đến vấn đề này và bổ sung thêm nhiều quy định quan trọng như: yêu cầu doanh nghiệp phải có hệ thống thông tin quản lý người bán hàng; có website đăng tải thông tin; cung cấp hóa đơn bán hàng; thanh toán qua tài khoản ngân hàng…

Đây là các quy định cần thiết, giúp làm minh bạch thông tin hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Một số bất cập trong quy định về quản lý bán hàng đa cấp - Ảnh 1
Hình minh họa

Thực tiễn một số vụ tranh chấp về bán hàng đa cấp thời gian qua cho thấy, người tham gia bán hàng gặp nhiều bất lợi bởi hầu hết các tài liệu, chứng cứ đều do phía doanh nghiệp nắm giữ. Kể cả trong trường hợp đã yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin trên website, nhưng doanh nghiệp vẫn nắm quyền quản trị website và máy chủ.

Trong khi đó, hầu hết các tài liệu này đều đã được nộp hoặc thông báo cho cơ quan quản lý.

Đã từng có trường hợp người tham gia phải liên lạc với Sở Công Thương địa phương để xin photocopy tài liệu về chương trình khuyến mãi mà doanh nghiệp đã thông báo cho Sở.

Do đó, các chuyên gia pháp luật của VCCI - đơn vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - đề nghị bổ sung quy định yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp cũng cần đăng tải toàn bộ các thông tin, tài liệu mà doanh nghiệp đã nộp cho mình lên một địa chỉ website chung để người tham gia bán hàng có thể tra cứu khi có nhu cầu.

Ví dụ, toàn bộ các tài liệu doanh nghiệp nộp khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, tài liệu khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, tài liệu thông báo các chương trình khuyến mãi, thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, xác nhận ký quỹ,…

Website này cũng cần có số điện thoại của cơ quan nhà nước để người dân có thể tiếp nhận kiến nghị, phản ánh về các hành vi vi phạm. Theo VCCI, với những cơ chế cung cấp thông tin bắt buộc và chính thống như vậy, người tham gia luôn có được các cảnh báo cần thiết và nguồn thông tin đáng tin cậy trước khi đưa ra quyết định của mình.

Phải thay đổi bản chất về ký quỹ

Pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp từ trước đến nay đã có quy định về ký quỹ nhằm giải quyết quyền lợi của người tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này dường như không phát huy hiệu quả như mong đợi.

Theo quy định hiện nay và tại Dự thảo, số tiền ký quỹ tương ứng với 5% của vốn điều lệ và không thấp hơn 5 tỷ hoặc 10 tỷ. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chỉ ký quỹ trên con số tối thiểu, mà số tiền này thường rất nhỏ so với các vụ lừa đảo bán hàng đa cấp thời gian qua.

Mặc dù Bộ Công Thương đã có Thông tư 24/2014/TT-BCT hướng dẫn thủ tục chi trả cho người tham gia nhưng do chưa có tiêu chí xác định tính hợp lệ của hồ sơ nên việc xác minh chi trả vẫn nặng tính chủ quan của cán bộ phụ trách.

Hơn nữa, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể để xử lý trường hợp có quá nhiều người đề nghị chi trả dẫn đến không đủ tiền. Vô hình trung, quy định hiện tại khiến Bộ Công Thương trở thành một đơn vị quản lý quỹ cho người tham gia khi rủi ro xảy ra.

Vì thế, VCCI nhận thấy, cần phải thay đổi về bản chất của việc ký quỹ và quản lý, sử dụng tiền ký quỹ.

Thông thường, quyền lợi của người tham gia đòi tiền của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp xuất phát từ việc doanh nghiệp không trả lại tiền khi người mua trả lại hàng.

Do đó, sẽ đi vào thực chất hơn, nếu số tiền ký quỹ được tínhtoán dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh số bán hàng của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian và được quản lý bởi một công ty bảo hiểm, tương tự như quy định về bảo hiểm tiền gửi ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia pháp luật “gợi ý” cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế: Khi bán hàng thu tiền, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải trích một tỷ lệ phần trăm nhất định để mua bảo hiểm cho khách hàng.

Tỷ lệ phần trăm này có thể do doanh nghiệp đa cấp thỏa thuận với công ty bảo hiểm hoặc theo luật định. Sau thời hạn 30 ngày (hoặc một khoảng thời gian khác) kể từ ngày người mua nhận được hàng thì số tiền bảo hiểm này được trả lại cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Trong trường hợp người mua muốn trả lại hàng, mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp không hoặc không thể trả lại tiền thì công ty bảo hiểm sẽ trả lại tiền cho người mua, toàn bộ hoặc một tỷ lệ luật định. Như vậy, số tiền ký quỹ/bảo hiểm này luôn tương ứng tỷ lệ với doanh số bán hàng trong một khoảng thời gian của doanh nghiệp, phản ánh đúng bản chất của tiền ký quỹ/bảo hiểm.

Trong trường hợp doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ thì quyền lợi của người mua hàng luôn được bảo đảm toàn bộ hoặc ít nhất là một tỷ lệ luật định.

Tin Cùng Chuyên Mục