Mùa chia tiền lãi: Người bỏ túi ngàn tỉ, kẻ trắng tay

Phương Minh

Nhiều cổ đông tỏ ra bức xúc vì nhiều năm liền không nhận được đồng cổ tức nào.

Trong khi nhiều cổ đông vui vì lãnh cổ tức khủng lên đến con số ngàn tỉ đồng thì ngược lại cũng có nhiều người mòn mỏi chờ đợi mấy năm liền nhưng không có đồng nào. Đáng buồn hơn là năm nào cũng nghe ban lãnh đạo hứa sẽ có nhưng rồi vẫn biệt tăm.

Bất ngờ với cổ tức khủng

Mới đây, các cổ đông của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF) đã đồng ý với quyết định chia cổ tức tỉ lệ lên đến 240%, hoàn toàn bằng tiền mặt. Với mức chia khủng này, đồng nghĩa VCF bỏ ra hơn 630 tỉ đồng để chia cổ tức cho các cổ đông. Điều khá thú vị, Tập đoàn Masan là người hưởng lợi nhiều nhất trong quyết định này vì đang nắm giữ 98,5% tỉ lệ sở hữu VCF.

Tuy nhiên, đây chưa phải là mức chia cổ tức lớn nhất trên thị trường. Trong đại hội cổ đông thường niên vừa qua, Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây (WCS) đã đẩy việc chia cổ tức lên con số 400%, tương đương 40.000 đồng cho một cổ phần, gấp bốn lần mệnh giá và tương đương gần 30% thị giá. Hiện giá cổ phiếu của WCS xoay quanh mốc 160.000 đồng; với 25 triệu cổ phiếu lưu hành, WCS phải trả 100 tỉ đồng tiền cổ tức.

Mức chia cổ tức lớn này gây khá nhiều bất ngờ với các cổ đông. Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Tổng Giám đốc WCS, lý giải mức chia cổ tức lớn vì nhiều năm liền công ty đã dành các khoản lợi nhuận giữ lại để chuẩn bị tham gia đầu tư vào bến xe mới. Song việc xây dựng bến xe mới vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục theo quy định của Nhà nước nên chưa xác định thời gian tiến hành.

Theo ông Thừa, việc chia cổ tức lớn cũng làm giảm phần thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty trong năm 2019 khoảng 6 tỉ đồng nhưng sẽ bù đắp được đến từ các hoạt động dịch vụ khác của bến xe.

Luật sư Trần Đình Phương, Đoàn Luật sư TP.HCM, hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, cho rằng việc chi trả cổ tức lớn là tín hiệu cho thấy công ty đó kinh doanh có hiệu quả và kỳ vọng có dòng tiền tốt trong tương lai.

Ví dụ, VCF riêng năm 2018 lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ dù doanh thu tương đương các kỳ trước cho phép ban lãnh đạo mạnh tay chia cổ tức khủng. Điều này chứng minh hoạt động kinh doanh tối ưu được chi phí, vận hành hiệu quả, chiếm thị phần lớn dẫn đến biên lợi nhuận tốt.

Mùa chia tiền lãi: Người bỏ túi ngàn tỉ, kẻ trắng tay - Ảnh 1

 

Dài cổ nhiều năm chờ cổ tức

Ngược lại, nhiều cổ đông đã trông ngóng cổ tức từ năm này qua năm khác. Tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng (NH) SCB mới đây, một số cổ đông đã đặt câu hỏi tại sao nhiều năm liền NH này không chia cổ tức dù tiền có rất nhiều.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc NH SCB, giải thích hiện nay SCB có lợi nhuận sau thuế gần 700 tỉ đồng. Việc không chia được cổ tức do NH Nhà nước chưa đồng ý và khuyến cáo dùng nguồn tiền này đầu tư nâng cao năng lực tài chính, phát triển các mảng kinh doanh khác nhằm tăng năng lực cạnh tranh.

“Có một NH trong suốt 15 năm không chia cổ tức, cổ đông nói gì họ cũng kiên quyết không chia mà họ âm thầm tái cơ cấu để lên sàn. Khi họ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu thì cổ phiếu của họ lên gần 5-7 lần, tạo ra một giá trị lớn cho cổ đông. SCB cũng đang làm câu chuyện tương tự, xây dựng các chiến lược kinh doanh dài hạn để nâng chất NH nhằm tạo ra giá trị lâu dài cho cổ đông trong tương lai” - ông Văn nói.

Tương tự, nhiều cổ đông NH Sacombank thắc mắc trong vài năm trở lại đây, hoạt động của NH đã khá hơn nhưng tại sao năm nay HĐQT vẫn tiếp tục không đả động gì đến việc chia cổ tức. Cổ đông Lê Thị Kim Cúc đã gắn bó với Sacombank gần 25 năm, hiện sở hữu khoảng 1 triệu cổ phiếu chất vấn: “Chúng tôi muốn hỏi là trong năm nay liệu Sacombank có chia cổ tức “an ủi” cho cổ đông không để cầm cự sống sót qua giai đoạn chờ ngày NH được rạng rỡ. Nếu năm nay không chia thì khi nào sẽ chia cổ tức để cổ đông có được niềm vui và hạnh phúc?”.

Giải đáp thắc mắc này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, nói: “Tôi là cổ đông lớn nhất của Sacombank nên tôi cũng mong muốn được chia cổ tức lắm chứ. Nhưng do Sacombank đang là NH tái cơ cấu nên mọi hoạt động đều phải được giám sát, mọi vấn đề đều phải trình lên NH Nhà nước. Chính vì đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên theo quy định, NH Nhà nước không được chia cổ tức”.

Thực tế cho thấy việc một số đơn vị làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ… nên không chia cổ tức là điều có thể hiểu được. Nhưng có những đơn vị có lãi lớn nhưng vẫn không chia lợi nhuận cho cổ đông trong suốt nhiều năm. Họ giải thích lãi không chia thì vẫn còn đó, không mất đi đâu, “cơm không ăn, gạo còn đó”. Song lập luận này nhiều khi không nhận được sự đồng thuận của cổ đông vì họ cảm thấy mình thiệt thòi khi đầu tư vào doanh nghiệp và chờ đợi rất lâu mà không được hái quả ngọt.

“Cổ đông nhỏ lẻ thường là những người chịu nhiều rủi ro và thiệt hại nhiều nhất trong các quyết định bất lợi về việc chia cổ tức” - một chuyên gia nói.

Trong tuần giao dịch từ ngày 20 đến 24-5, trên cả ba sàn giao dịch chứng khoán HOSE, HNX và UPCOM có 45 doanh nghiệp chốt quyền chi trả cổ tức bằng tiền mặt và bốn doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu. Trong đó, nhiều doanh nghiệp thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt với tỉ lệ lên đến 80%.

Hứa sẽ sớm chia cổ tức cho cổ đông

Theo ông Võ Văn Thuần, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NH Nhà nước tại TP.HCM, NH Nhà nước tạm thời chưa cho các NH còn đang tái cấu trúc, xử lý nợ xấu và nợ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm giữ nguồn lực nâng cao năng lực tài chính. Thời gian vừa qua, nhiều NH cũng không được chia cổ tức bằng tiền mặt.

“Việc chưa chia cổ tức để đảm bảo an toàn vốn. Các cổ đông cần tiếp tục tin tưởng và ủng hộ ban lãnh đạo NH thực hiện theo đề án tái cơ cấu mà một khi hoàn thành, tăng trưởng trở lại, NH sẽ sớm chia cổ tức cho các cổ đông” - ông Thuần trấn an.

Tin Cùng Chuyên Mục