“Mua ngay, trả sau” đang dần trở thành ngành công nghiệp trị giá 100 tỷ USD

Selina Nguyễn

Với hình thức tương tự như trả góp, dịch vụ "mua ngay trả sau" (BNPL) đang ngày càng trở nên phổ biến với thế hệ trẻ, trở thành ngành công nghiệp đáng giá hàng trăm tỷ USD hiện nay.

Hàng triệu người mua sắm hiện nay đều sử dụng dịch vụ "mua ngay, trả sau" (BNPL) với rất nhiều nhà cung cấp trên khắp thế giới như Klarna, Affirm và Afterpay…

Sự bùng nổ của dịch vụ này đã khiến các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ không thể đứng ngoài cuộc chơi. Amazon và Apple hợp tác với Affirm, trong khi đó Square thì đồng ý mua lại Afterpay bằng một thỏa thuận trị giá 29 tỷ USD.

Các công ty BNPL chào mời dịch vụ của họ như một giải pháp thay thế tốt hơn cho thẻ tín dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia lại tỏ ra lo ngại khi nhiều người đang chi tiêu nhiều hơn mức họ có thể chi trả, thậm chí một số người còn không nhận ra rằng mình đang mắc nợ.

Vậy "mua ngay trả sau" là gì? Tại sao dịch vụ này lại đột nhiên bùng nổ mạnh mẽ như vậy?

Klarna, một trong những nhà cung cấp dịch vụ "mua ngay trả sau"
Klarna, một trong những nhà cung cấp dịch vụ "mua ngay trả sau"

BNPL (mua trước trả sau) là gì?

Đây là một loại hình thanh toán, cho phép người mua hàng thanh toán, trả góp các mặt hàng trong một khoảng thời gian nhất định. Các gói trả góp đã có từ nhiều năm nay, được gọi là “layaway” ở Mỹ hoặc “lay-by” ở Australia. Những dịch vụ này cho phép mọi người phân bổ chi phí cho các mặt hàng đã mua trong khoảng thời gian nhất định.

BNPL cũng tương tự như trả góp. Theo đó, người dùng được nhận trước sản phẩm và trả tiền sau mà không bị tính lãi.

Người mua có thể chọn sử dụng dịch vụ BNPL khi thanh toán trực tuyến chỉ với thao tác đơn giản. Các đơn vị cung cấp BNPL thường thêm nút thanh toán vào trang web của doanh nghiệp bán lẻ và thu hoa hồng từ người bán trên mỗi giao dịch. Lợi thế của dịch vụ này đối với người mua sắm là họ có thể mua ngay một món hàng đắt hơn bình thường, bởi họ chỉ cần chia đều chi phí mua hàng thành các khoản trả góp hàng tháng.

Tại sao BNPL trở nên phổ biến?

Đại dịch khiến nhiều cửa hàng bán lẻ truyền thống buộc phải đóng cửa tạm thời, người tiêu dùng cũng phải ở nhà. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ mua sắm trực tuyến. 

Theo báo cáo từ Worldpay, các giao dịch thương mại điện tử toàn cầu đã đạt 4.600 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 19% so với năm 2019. BNPL chiếm 2,1% trong tổng số đó, tương đương khoảng 97 tỷ USD. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2024.

Chính sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, cộng với nhu cầu sử dụng thương mại điện tử ngày một gia tăng đã mang lại cho dịch vụ BNPL cơ hội phát triển đáng kể.

Một số công ty đã nhận được những khoản đầu tư khổng lồ. Klarna đạt mức định giá 46 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần đây. PayPal đã mua lại công ty Paidy của Nhật Bản với giá 2,7 tỷ USD và Square mua lại Afterpay.

Những rủi ro tiềm ẩn

BNPL sẽ khiến người dùng chi tiêu nhiều hơn mức họ có thể chi trả. Theo một cuộc khảo sát mới nhất ở Anh, gần 1/4 người dùng BNPL đã chi tiêu nhiều hơn dự định ban đầu. Điều này sẽ khiến những người tiêu dùng không nhận ra là mình đang mắc nợ.

Trước những mối lo ngại này, các nhà cung cấp BNPL cho biết, họ đã có các biện pháp bảo vệ để đảm bảo người dùng không chi tiêu quá mức. Ví dụ, Klarna đặt giới hạn chi tiêu cho từng trường hợp cụ thể.

Sebastian Siemiatkowski, Giám đốc điều hành của Klarna cho biết: “Chúng tôi luôn theo dõi cách người tiêu dùng sử dụng dịch vụ này.

Nếu họ sử dụng BNPL một cách tích cực, chúng tôi có thể mở rộng giới hạn chi tiêu. Nếu không, chúng tôi sẽ hạn chế khả năng sử dụng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ cho cá nhân đó".

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, BNPL cần có các quy định nghiêm ngặt hơn để bảo vệ người dùng. Chính phủ Anh đang tìm cách kiềm chế ngành công nghiệp này bằng một loạt các đề xuất mới, bao gồm cả việc kiểm tra khả năng chi trả của khách hàng. Các đề xuất này sẽ được xem xét và dự kiến thông qua vào tháng 10.

Về phần mình, Klarna và Clearpay, chi nhánh của Afterpay tại Anh cho biết, họ hoàn toàn ủng hộ những quy định trên.

Tin Cùng Chuyên Mục