"Năm hạn" của Nhà Thủ Đức (TDH): Từ bị truy thu thuế 400 tỷ, lãi không thu được tiền đến “lùm xùm” của cổ đông lớn

Quỳnh Chi

Diễn biến bất thường của cổ phiếu TDH sau khi gia nhập hệ sinh thái Louis Holdings khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ về việc làm giá.

Liên tục thoái các khoản đầu tư sau khi bị phạt thuế 400 tỷ

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) mới đây đã có văn bản nhắc nhở Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House - mã CK: TDH) về việc chậm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

"Năm hạn" của Nhà Thủ Đức (TDH): Từ bị truy thu thuế 400 tỷ, lãi không thu được tiền đến “lùm xùm” của cổ đông lớn - Ảnh 1

Cụ thể, ngày 29/3/2021, HĐQT TDH đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Song Hỷ Quốc Tế. Ngày 27/5/2021, HĐQT Công ty tiếp tục thông qua chủ trương bảo lãnh nghĩa vụ nợ 65 tỷ cho Công ty TNHH SX Bao Bì Thiên Ý. Ngày 10/6/2021, HĐQT TDH lại họp thông qua chủ trương cho Công ty Bao Bì Thiên ý mượn tiền.

Trong động thái tương tự, TDH đã đăng ký bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu FDC tương ứng 13,88% vốn của Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Tp.HCM (Fideco – mã FDC). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 6/10 - 4/11. Trước đó từ ngày 22/7 - 26/8, TDH cũng đăng ký bán toàn bộ 8,82 triệu cổ phiếu FDC nhưng không bán thành công.

Song song, TDH cũng đã công bố nghị quyết về việc thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 13 triệu cổ phần, tương ứng 40% vốn tại Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Daewon – Thủ Đức. Tổng giá trị chuyển nhượng là 81,6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chủ trương thoái vốn trong vòng 2 tháng kể từ ngày thông qua chủ trương này.

Động thái liên tục thoái vốn các khoản đầu tư diễn ra sau “lùm xùm” truy thu thuế với giá trị 400 tỷ đồng ngay đầu năm nay. Tính đến thời điểm 30/6/2021, TDH vẫn ghi nhận hơn 396 tỷ phải thu Cục thuế Tp.HCM theo các quyết định liên quan. Đồng thời, ghi nhận phải thu khoản tạm nộp cơ quan chức năng hơn 365,5 tỷ đồng.

Lãi nhưng không thu được tiền

Nhờ lãi từ thoái vốn các khoản đầu tư, doanh thu tài chính của TDH đã tăng vọt lên gần 304 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, gấp 5 lần cùng kỳ. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế của TDH tăng đột biến từ mức âm 18 tỷ đồng lên gần 218 tỷ đồng dù doanh thu giảm gần 57% xuống 430 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vào cuối tháng 03/2021, TDH đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Song Hỷ Quốc Tế với giá 962,6 tỷ đồng. Trước đó trong năm 2020, Song Hỷ đã tăng vốn điều lệ từ 259 tỷ đồng lên 790 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu của TDH nâng lên mức 99,67% vốn. Như vậy, ước tính thương vụ đem về khoản lãi 224,8 tỷ đồng cho TDH.

Được biết, Song Hỷ Quốc Tế thành lập vào tháng 4/1999 và là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở tại số 19/2a Quốc lộ 13, phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Dự án này có tên thương mại là Aster Garden Towers, với tổng diện tích đất 18.854,7 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

"Năm hạn" của Nhà Thủ Đức (TDH): Từ bị truy thu thuế 400 tỷ, lãi không thu được tiền đến “lùm xùm” của cổ đông lớn - Ảnh 2

Mặc dù có lãi tuy nhiên TDH vẫn tiếp tục âm nặng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và con số nửa đầu năm 2021 lên đến âm 247,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm mạnh các khoản phải trả bao gồm người mua trả tiền trước, phải trả người bán, phải trả khác,...

Mặt khác, việc thoái vốn hàng loạt các khoản đầu tư cũng khiến quy mô tài sản của TDH giảm mạnh hơn 1.200 tỷ đồng so với đầu năm, xuống mức 4.358 tỷ đồng. Sự sụt giảm chủ yếu đến từ hàng tồn kho và các khoản phải thu dài hạn.

Cổ phiếu liên tục vướng “lùm xùm”

Sau giai đoạn lao dốc đầu năm do thông tin bị truy thu thuế, cổ phiếu TDH đã trải qua một thời gian dài dò đáy trước khi bất ngờ nổi sóng dù hoạt động kinh doanh cốt lõi chưa có biến chuyển khả quan.

Trước thông tin Louis Land (mã BII) trở thành cổ đông lớn, TDH đã liên tục tăng sốc từ cuối tháng 8 với nhiều phiên trần liên tiếp và nhanh chóng leo lên mức 15.050 đồng/cổ phiếu, gấp đôi chỉ sau chưa đầy 1 tháng.

Tuy nhiên, cuộc vui chóng tàn khi cổ phiếu này quay xe “phũ phàng” ngay vùng đỉnh và sau đó là liên tiếp những phiên nằm sàn. Hiện TDH đã giảm gần 30% từ đỉnh và dừng ở mức 10.800 đồng/cổ phiếu, tương đương thời điểm cuối năm ngoái.

Mới đây, HoSE đã quyết định tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu TDH do Công ty chưa khắc phục được ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021.

Cụ thể, đơn vị kiểm toán không thể thu thập đủ bằng chứng liên quan đến khoản phải nộp và khoản phải thu hơn 440 tỷ đồng của TDH. Đây là khoản tiền Công ty dùng để khắc phục hậu quả do vi phạm quy định về thu hồi tiền thuế GTGT được hoàn cộng với tiền chậm nộp.

Bị duy trì diện cảnh báo khiến cổ phiếu TDH tiếp tục nằm trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) quý IV/2021 của HoSE. Việc bị cắt margin có thể sẽ gia tăng thêm áp lực lên cổ phiếu TDH vốn đã lao đao thời gian gần đây.

"Năm hạn" của Nhà Thủ Đức (TDH): Từ bị truy thu thuế 400 tỷ, lãi không thu được tiền đến “lùm xùm” của cổ đông lớn - Ảnh 3

Đáng chú ý, chuỗi ngày lao dốc của TDH bắt đầu đúng vào thời điểm cổ đông lớn Louis Land vướng vào “lùm xùm” nghi vấn thao túng giá cùng một loạt cổ phiếu “họ Louis” như TGG, APG, SMT, DDV, AGM. Mặc dù không bị gọi tên trong văn bản “tự thanh minh” của Louis Capital (mã TGG), nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngờ đối với diễn biến bất thường của cổ phiếu TDH.

Điều này không phải không có cơ sở khi TDH có quan hệ mật thiết với các thành viên thuộc hệ sinh thái Louis Holdings. Mới đây nhất, TDH đã đã cùng với Louis Land ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược nhằm triển khai hợp tác 5 dự án bất động sản với tổng vốn điều lệ lên đến 13.590 tỷ đồng.

Cụ thể, hai bên đã thành lập pháp nhân mới là Louis Mega City, vốn điều lệ 450 tỷ đồng để thực hiện dự án Nhà văn hóa Long Xuyên (cũ), trong đó mỗi bên góp 38,89% vốn.

Pháp nhân thứ hai là Louis Mekong River có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để thực hiện dự án Cần Thơ, trong đó Thuduc House góp 45%, Louis Land góp 45% còn lại là cổ đông khác.

Pháp nhân thứ ba là Louis Central Plaza, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng nhằm thực hiện dự án trụ sở Công an tỉnh An Giang, tỷ lệ góp vốn tương ứng là 35% và 25%.

Pháp nhân thứ tư là Louis Mega Tower, vốn điều lệ 375 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp Thuduc House 57,33%, Louis Land 38,67% vốn. Công ty này sẽ là chủ đầu tư dự án Phan Văn Hớn - Hóc Môn.

Pháp nhân cuối cùng là Louis Seaview nhằm thực hiện dự án Louis Seaview với vốn điều lệ 9.765 tỷ đồng, trong đó Thuduc House rót 30% vốn, Louis Land sở hữu 30% vốn điều lệ.

Tin Cùng Chuyên Mục