Năng lượng tái tạo 2020: Từ đường đua tỷ USD tới sang tay chóng vánh

Quỳnh Chi

Nhờ cơ chế giá FIT, hai năm qua, thị trường điện tái tạo của Việt Nam sôi động chưa từng có, đặc biệt với sự xuất hiện các dự án tỷ USD và những thương vụ mua bán “bom tấn" từ nhà đầu tư trong và ngoài nước năm 2020.

Cuộc đua tỷ USD

Giữa tháng 11 năm nay, dự án điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp giai đoạn I công suất lắp đặt hơn 830 MWp với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng (gần 900 triệu USD) chính thức đóng điện. Xuân Thiện Ea Súp trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, xô đổ kỷ lục của chính doanh nghiệp Việt Nam khác là nhà máy Trung Nam Thuận Nam có tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng hòa lưới trước đó 1 tháng.

Tập đoàn Xuân Thiện vẫn tiếp tục đầu tư giai đoạn II dự án Xuân Thiện Ea Súp với công suất lắp đặt gần 1.970 MWp, gấp hơn hai lần giai đoạn I.

Tổ hợp điện mặt trời Lộc Ninh do Hưng Hải Group triển khai đang gấp rút hoàn thành để hòa lưới điện cho kịp ngày 31/12/2020 - thời điểm kết thúc giá ưu đãi FIT2. (Hiện nay, giá FIT là mức giá cố định trong vòng 20 năm mà Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN sẽ mua từ các dự án với điều kiện hòa lưới trước thời điểm quy định). Dự án này có quy mô xấp xỉ nhà máy Xuân Thiện Ea Súp vừa vận hành.

Các dự án lớn không kém khác đang được triển khai như tổ hợp Thiên Tân Solar Ninh Thuận với tổng công suất lưới 1.000 MW và vốn đầu tư 2 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 công suất 50 MW đã hòa lưới vào giữa tháng 3. Công ty Tân Việt Bắc Ban Mê đề xuất 2 dự án điện mặt trời J’lơi và Ea Bung với tổng công suất lắp đặt 2.500 MWp. Sao Mai Group nghiên cứu dự án Solar Đăk Nông có vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, công suất lắp đặt 875 MWp…

Các doanh nghiệp điện gió còn mạnh tay hơn trong đường đua tỷ USD. Copenhagen Infrastructure Partners đang khảo sát điện gió ngoài khơi La Gàn quy mô 10 tỷ USD, công suất 3,5 GW tại Bình Định. Tập đoàn PNE (Đức) đang nghiên cứu tiền khả thi dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định với tổng công suất 2.000 MW, vốn đầu tư 4,8 tỷ USD.

Tại Bình Thuận, Enterprize Energy (Anh quốc) đề xuất dự án Thăng Long Wind công suất 3.400 MW, tổng vốn 11,9 tỷ USD. Công ty HLP Invest xin khảo sát dự án Biển Cổ Thạch với tổng suất 2.000 MW….

Cuộc đua điện năng lượng tái tạo hấp dẫn cả những doanh nghiệp ngoài ngành. Dệt may Huế, Sách Giáo dục tại TP.HCM, Bảo vệ Thực vật Sài Gòn… cũng muốn làm điện.

Chưa rời vạch xuất phát đã sang tay

Nhưng không phải doanh nghiệp nào muốn làm điện cũng đi tới đích. Dự án điện gió điện gió Hưng Hải tại Gia Lai đã đổi chủ sau một tháng được chấp nhận chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai (Phong điện Gia Lai) ban đầu do gồm 3 cổ đông sáng lập là Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group, nắm giữ 29,5% vốn điều lệ), ông Nguyễn Xuân Kiên (nắm giữ 21%) và ông Nguyễn Văn Tuyền (nắm giữ 49,5%). 

Đến ngày 5/10/2020 (1 tháng sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án), Phong điện Gia Lai bất ngờ đổi chủ khi cơ cấu cổ đông ghi nhận sự góp mặt của 2 cổ đông mới, trong đó, Công ty cổ phần BB Power Holdings nắm quyền chi phối với 51% vốn điều lệ.

Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật được chuyển sang cho ông Vũ Quang Bảo. Ông Bảo hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco), đồng thời là em trai của ông Vũ Quang Hội – Chủ tịch HĐQT Bitexco.

Dự án Nhà máy Điện gió phát triển Miền núi của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và dự án Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên của Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai cũng trong tình trạng tương tự. Sau hai tháng kể từ khi thành lập, vào tháng 6, chủ đầu tư của các dự án trên thay đổi cơ cấu sở hữu.

Tới đầu tháng 8/2020, Tập đoàn Eastern Power Group của Thái Lan thông qua chủ trương mua 2,25 triệu cổ phần, tương đương 90% cổ phần Công ty cổ phần Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai với giá phí 7,88 triệu USD; mua 2,5 triệu cổ phần, tương đương 100% cổ phần Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai với giá phí 8,75 triệu USD. Ông Yuth Chinsupakul, Chủ tịch Tập đoàn Eastern Power cũng được bổ sung vào HĐQT các doanh nghiệp dự án.

Cũng bằng hình thức mua cổ phần, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều nhà đầu tư từ Thái Lan, Trung Quốc, Philippines... đã trở thành những ông chủ mới của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Công ty năng lượng B.Grimm Power, một nhánh đầu tư của Tập đoàn Thái Lan B.Grimm là một trong những ví dụ thành công trong công cuộc thâu tóm này. Ban đầu, công ty này liên danh liên kết với nhà đầu tư trong nước để làm dự án, sau đó dần nâng sở hữu lên đa số.

Ở dự án điện mặt trời Dầu Tiếng - vốn là dự án hàng đầu Đông Nam Á, ban đầu B.Grimm Power liên kết với đơn vị trong nước. Từ cuối năm 2019, chủ đầu tư - Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh đổi người đại diện theo pháp luật và chủ tịch Hội đồng Quản trị thành ông Preeyanat Soontornwata. Đây cũng chính là Chủ tịch của B.Grimm Power.

Ông này còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần TTP Phú Yên (điện mặt trời Hòa Hội), Công ty TNHH Điện mặt trời Việt Thái.

Thành Thành Công cũng bán đi hai dự án điện mặt trời tại Tây Ninh (TTC1 & TTC2) và dự án năng lượng tại Bến Tre cho Gulf Energy Development. Tập đoàn năng lượng Thái Lan trở thành cổ đông chiếm 90-95% vốn tại các dự án trên. Tháng 2/2020, các doanh nghiệp này đồng loạt đổi tên từ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển năng lượng TTC thành Công ty cổ phần Gulf Tây Ninh 1, 2.

Ông Prasert Thirati, Giám đốc công ty TNHH Gulf Việt Nam, cũng là người đại diện theo pháp luật của các công ty năng lượng tái tạo như Công ty cổ phần Gulf Tây Ninh 1, Công ty cổ phần Gulf Tây Ninh 2, Công ty cổ phần Điện gió Mê Kong, Công ty cổ phần đầu tư phát triển năng lượng TTC.

Dự án đang gấp rút hoàn thành để kịp hòa lưới điện như điện mặt trời Lộc Ninh do Hưng Hải Group triển khai từ hồi tháng Tư cũng đã được doanh nghiệp Thái Lan Super Energy Corporation (SEC) “đánh tiếng” về việc thâu tóm. Doanh nghiệp Thái Lan ngắm tới dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1-4.

Ăn lên làm ra nhờ giá FIT

Với việc bán cổ phần sau khi được chấp nhận chủ trương đầu tư chỉ trong 1-2 tháng, các cổ đông sáng lập của các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời có thể bỏ túi vài trăm tỷ đồng. Với ưu đãi giá FIT, các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam nhiều hơn. 

FIT được hiểu là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện. Để tránh các vấn đề pháp lý, doanh nghiệp thường chọn cách liên kết với đối tác địa phương. Việc các nhà đầu tư đổ xô vào lĩnh vực năng lượng tái tạo là minh chứng cho sức hấp dẫn của thị trường.

Giá FIT 1 ở mức 9,35 cent đối với các dự án hòa lưới điện trước ngày 30/6/2019 đã thúc đẩy số lượng dự án tăng vọt từ 8 dự án cuối năm 2018 lên hơn 100 trong năm sau. Giá FIT 2 ở mức 7,09 cent với điện mặt trời và hơn 8,5 cent điện gió cho các dự án hoàn thành trước 30/1/2020 vẫn tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Mức giá này mang lại tỷ suất sinh lời cao cho các doanh nghiệp. Báo cáo năm 2019, 5 nhà máy điện mặt trời  của Điện Gia Lai vận hành trước tháng 6/2019 đạt tổng doanh thu đạt 678 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp (lợi nhuận gộp/doanh thu thuần) các nhà máy nằm trong khoảng 63-68%.

Tập đoàn Sao Mai mua lại công ty Điện mặt trời Europlast Long An có nhà máy 50MW và đã hòa lưới vào 10/6/2019. Công ty con này có doanh thu hơn 77 tỷ đồng năm ngoái; lợi nhuận sau thuế là 51,6 tỷ đồng.

Cũng chính vì lợi nhuận cả khi trực tiếp kinh doanh hay bán lại dự án, các nhà phát triển dự án tiếp tục tham gia vào đường chạy năng lượng tái tạo. Sang năm 2021, khi giá FIT 2 kết thúc, cuộc đua năng lượng tái tạo bước sang một giai đoạn mới.

Tin Cùng Chuyên Mục