“Ngấm đòn” Covid-19, giao dịch bất động sản bị chững lại ở nhiều địa phương

Nhiên

Nhiều khu vực từng là điểm nóng bất động sản hồi đầu năm, đến nay cũng chứng kiến số lượng giao dịch sụt giảm mạnh.

Trong báo cáo tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, Hội Môi giới Bất động sản nhận định ngay từ đầu quý II, Việt Nam đối diện với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Đây là đợt dịch nguy hiểm nhất, lây lan trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng, tác động lớn đến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Hội Môi giới đánh giá trong 6 tháng đầu năm, mức độ hấp thụ trên thị trường chung cả nước tương đối thấp. Một số tỉnh thành từng ghi nhận cơn sốt đất giai đoạn đầu năm như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đều ghi nhận số lượng giao dịch bất động sản sụt giảm mạnh mẽ.

Một số tỉnh khác có tình hình nhỉnh hơn nhưng giao dịch phần lớn đạt được là từ các dự án đấu giá đất. Hội Môi giới lấy ví dụ tại Quảng Ninh, tiêu điểm thị trường nằm ở dự án của một tập đoàn lớn với khoảng 3.000 sản phẩm căn hộ cao cấp được tung ra thị trường. Tuy nhiên ở các dự án khác, do lượng hàng tồn không còn nhiều cũng không có sản phẩm mới chào bán nên tình hình giao dịch khá chậm.

Giao dịch bất động sản bị chững lại ở nhiều địa phương.
Giao dịch bất động sản bị chững lại ở nhiều địa phương.

Ở khu vực Bắc Trung Bộ, trong nửa đầu năm 2021, Nghệ An có 9 dự án đủ điều kiện bán hàng ra thị trường với 780 sản phẩm. Tuy nhiên tỷ lệ hấp thụ không cao và giá bán cũng không có nhiều biến động sau ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tại Thanh Hóa, mặc dù đầu quý II vẫn có hàng trăm giao dịch nhưng diễn biến chậm lại sau ảnh hưởng của làn sóng dịch mới. Hoạt động đấu giá đất tại địa phương cũng chững lại vì dịch Covid-19.

Tại Đà Nẵng, không có dự án mới nào được chào hàng trong quý vừa qua. Giao dịch chủ yếu ở thị trường thứ cấp. Đối với sản phẩm đất nền, giá đất đã ổn định, giá bán tại các dự án bất động sản dao động từ 12-15 triệu đồng/m2.

Khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng ghi nhận tình trạng mua bán, giao dịch diễn ra chậm. Tại Hội An, nhiều dự án mới được chào hàng như Hội An City, Bắc Hội An, Nam Hội An, Cồn Bắp,… tạo nguồn cung mới hàng ngàn sản phẩm nhưng khả năng tiêu thụ nằm ở mức thấp.

Tại Khánh Hòa, về cơ bản các chỉ số chung của thị trường bất động sản như lượng giao dịch, lượng vốn đầu tư, tín dụng và hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn duy trì sự ổn định. Tuy nhiên nguồn cung đang bị gián đoạn và giá cả một số phân khúc đã giảm nhẹ do ảnh hưởng chung của nền kinh tế và giới đầu cơ thoát hàng để thanh khoản tài chính do trước đây ôm quá nhiều.

"Điều này đã giúp đưa thị trường dần trở về giá trị thật, ổn định, riêng ở một số khu vực tiềm năng như trục đô thị phía Tây Nha Trang, phân khúc nhà phố, khách sạn, villa, shophouse giá cả tuy ổn định nhưng chưa phát triển đúng tiềm năng", Hội Môi giới cho biết. 

Nguồn cung ở thị trường Khánh Hòa đang bị gián đoạn.
Nguồn cung ở thị trường Khánh Hòa đang bị gián đoạn.

Khu vực Tây Nguyên vào thời điểm đầu quý II ghi nhận diễn biến thị trường sôi động, giao dịch trong tháng 4 đạt gần 1.000 giao dịch. Tuy nhiên khi làn sóng dịch mới bùng lên, tình hình đã chững lại do nhóm nhà đầu tư từ vùng khác không đến được Tây Nguyên.

Tại Đồng Nai, Hội Môi giới nhận định thị trường chung còn chậm do ảnh hưởng dịch bệnh. Ngoài ra các dự án triển khai tương đối trùng thời điểm dẫn tới cạnh tranh cao, một số dự án tiến độ hạ tầng còn chậm, phần lớn sản phẩm bán ra cho nhà đầu tư, nhu cầu ở thực còn thấp. 

Báo cáo chỉ ra lượng cung và giao dịch tại các dự án tại tỉnh này ở mức trung bình. Số liệu khảo sát cho thấy giá căn hộ ở Đồng Nai dao động từ 1,8 - 3,2 tỷ đồng, đất nền dự án, đất nền trong dân từ 850 triệu đồng - 1,4 tỷ đồng. 

Đánh giá về thị trường nhà ở 6 tháng cuối năm nay, ông Nguyễn Văn Đính, Phó  chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định thị trường sẽ duy trì những khó khăn do tác động sâu sắc của đợt dịch lần này. Với tiến độ tiêm phòng vắc-xin, có thể đến nửa cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ ngăn chặn thanh công đợt dịch này.

"Sau đại dịch, lực cầu thị trường sẽ hồi phục lại từ mức thấp trong quý III và tăng mạnh vào quý IV/2021. Trong đó tổng giao dịch bất động sản có thể đạt tương đương 70-80% so với năm ngoái", ông Đính cho biết.

Về loại hình bất động sản, ông Đính cho rằng phân khúc căn hộ trung cấp tại Hà Nội và TP HCM nếu được tung ra thị trường sẽ hấp thụ mạnh, đạt tỷ lệ 75%, ngược lại phân khúc cao cấp duy trì tỷ lệ hấp thụ thấp. Ngoài ra phân khúc đất nền tiếp tục là sản phẩm được giới đầu tư săn đón. 

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình chịu tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh, chuyên gia nhận định nhiều đại đô thị du lịch - nghỉ dưỡng, tiêu chuẩn cao đang hình thành và vẫn thu hút nhiều sự quan tâm. Mặc dù trong những quý tiếp theo, kinh tế du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nhưng dự án bất động sản nghỉ dưỡng của các thương hiệu lớn, được đầu tư bài bàn, nằm ở địa điểm du lịch nổi tiếng vẫn có khả năng thanh khoản tốt. 

Tin Cùng Chuyên Mục