Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động bán bảo hiểm

Theo The Leader

Vài năm gần đây, hoạt động phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng đang ngày càng phát triển nhanh chóng, đóng góp gần 30% tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ

Ngày 14/12, VietinBank và Manulife Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance).

Theo đó, Manulife Việt Nam sẽ phân phối độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng VietinBank tại Việt Nam. Với thỏa thuận này, Manulife sẽ được phân phối bảo hiểm thông qua mạng lưới hơn 150 chi nhánh và 1.000 phòng giao dịch trên toàn quốc của VietinBank.

Trước đó, hồi cuối tháng 6/2020, Bloomberg cho biết, thỏa thuận bancassurance giữa VietinBank và Manulife có thể được định giá vài trăm triệu USD. Manulife Việt Nam hiện là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Việt Nam với vốn điều lệ với 13.095 tỷ đồng tính đến ngày 31/5/2020.

Ngoài VietinBank, Manulife cũng từng ký thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với Ngân hàng Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank).

SCB hợp tác với Manulife phân phối sản phẩm bảo hiểm tại các điểm giao dịch
SCB hợp tác với Manulife phân phối sản phẩm bảo hiểm tại các điểm giao dịch

Trước Vietinbank, hồi tháng 11 Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng đã ký hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm nhân thọ với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam thời hạn 15 năm.

Theo đó, từ đầu năm 2021, công ty bảo hiểm Canada sẽ chính thức phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua mạng lưới 371 chi nhánh trên 48 tỉnh thành của ngân hàng ACB.

Giá trị các thương vụ bancassurance không được các bên tiết lộ. Tuy nhiên, theo VCBS, ACB đã nhận mức phí trả trước (upfront fee) lên tới 370 triệu USD (8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với mức phí các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền.

Mức phí trả trước cao do ACB là ngân hàng có doanh số bản bảo hiểm tốt nhất trong nhóm ngân hàng chưa có hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền. Ngân hàng đứng thứ 3 về doanh số bán bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm 2020 theo thông tin từ hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trước ACB, Sun Life Việt Nam đã ký thỏa thuận tương tự với Ngân hàng Tiên Phong với giá trị được tính toán khoảng 1.700 tỉ đồng.

Vài năm gần đây, hoạt động phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng đang ngày càng phát triển nhanh chóng, đóng góp gần 30% tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ. Điều này giúp các công ty bảo hiểm nhanh chóng phát triển thông qua tệp khách hàng có sẵn của các ngân hàng.

Đại diện Sun Life Việt Nam nhận xét, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tăng trưởng liên tục, đạt mức 30% mỗi năm trong 5 năm qua. Năm 2020, dù ảnh hưởng Covid-19, tốc độ tăng trưởng của ngành bị giảm sút nhưng ước tính vẫn có thể tăng trưởng 16%.

Trong khi đó, với các ngân hàng, hoạt động bancassurance được xem là động lực tăng trưởng mới cho mảng dịch vụ. Tại VPBank, lãi thuần từ mảng dịch vụ ghi nhận đạt 2.323 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm nay, tăng 19,6%. Trong đó, hoạt động bán bảo hiểm đóng góp khoảng 35% với 792 tỷ đồng. VPBank đã ký hợp đồng độc quyền với AIA Việt Nam từ cuối năm 2017.

Tại TPBank, lãi thuần từ hoạt động bancassurance trong 9 tháng đầu năm đạt 390 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng lãi thuần mảng dịch vụ.

Tại VIB, sau khi ký kết hợp đồng độc quyền với Prudential từ năm 2015, bán bảo hiểm cũng là động lực tăng trưởng chính của mảng dịch vụ khi đóng góp hơn 50%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động này trong 3 quý đầu năm 2020 đạt gần 822 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngân hàng “quay lưng” với các hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với bên thứ 3 mà tự bán thông qua các công ty con. Chẳng hạn, Ngân hàng MB hiện phân phối bảo hiểm phi nhân thọ thông qua công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC), hay SHB thì thông qua Công ty bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH). Dù không thu về được khoản phí “lót tay” lớn ngay từ đầu, những công ty này tăng trưởng tốt và đóng góp lớn hơn vào thu nhập từ mảng phí dịch vụ của ngân hàng.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), xu hướng chuyển dịch sang phân phối qua kênh bancassurance đang trở nên rõ ràng hơn trong mảng nhân thọ khi tỷ trọng đóng góp của kênh này trong tổng doanh thu phí bảo hiểm mới năm 2019 đạt gần 30%, tăng nhanh từ mức 10% của năm 2016.

Nguồn thu từ bảo hiểm cũng bù đắp cho tăng trưởng tín dụng bị chậm lại do dịch Covid-19. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ngày càng khó khăn, nguồn thu phí từ hoạt động bancassurance, gồm cả phí trả trước độc quyền và phí hoa hồng bán sản phẩm là một lựa chọn thay thế hấp dẫn.

Một báo cáo của Vietnam Report nhận định, xu hướng phát triển bancassurance sẽ ngày càng nóng hơn và thu hút nhiều khoản lớn.

Mặc dù vậy, bancassurance hiện vẫn chưa giải quyết tốt hai vấn đề gồm tỷ lệ hủy hợp đồng năm thứ hai của khách hàng cao do nhân viên ngân hàng bị áp chỉ tiêu và mức phí cắt lại cho ngân hàng quá lớn, khiến công ty bảo hiểm không có lời cho các vụ hợp tác này.

Bên cạnh đó, áp lực doanh số bảo hiểm cũng khiến tình trạng nhân viên ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm mới được vay vốn. Trước phản ảnh của nhiều khách hàng, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó một nội dung quan trọng được Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh là các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục