Ngân hàng siết chặt cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng

Theo Trí thức trẻ

Các tổ chức tín dụng cho biết đang "thắt chặt" hơn các yêu cầu về tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm của khách hàng nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng do rủi ro tín dụng, đặc biệt "thắt chặt" hơn điều kiện và điều khoản vay vốn đối với các khoản vay đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán và vay tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả cuộc khảo sát điều tra xu hướng tín dụng các tổ chức tín dụng của Vụ Dự báo Thống kê.

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cho biết đã cắt giảm lãi suất biên và các phí phi lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2020 để hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng. Các điều kiện và điều khoản vay vốn được dự kiến "nới lỏng" hơn với các khoản vay cho sản xuất, kinh doanh và vay qua thẻ tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2020.

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng "thắt chặt" hơn các yêu cầu về tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm của khách hàng nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng do rủi ro tín dụng, đặc biệt "thắt chặt" hơn điều kiện và điều khoản vay vốn đối với các khoản vay đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán và vay tiêu dùng.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, các tổ chức tín dụng đã đáp ứng nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng ở mức độ cao hơn so với 6 tháng cuối năm 2019, với 88,7% tổ chức tín dụng cho biết đã đáp ứng từ "75%-100%" nhu cầu vay vốn, cao hơn tỷ lệ 84,3% của 6 tháng cuối năm 2019. Chỉ có 11,3% tổ chức tín dụng cho biết đáp ứng dưới 75% nhu cầu tín dụng của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2020, nguyên nhân chính là do sự thay đổi "khẩu vị rủi ro của đơn vị" và "diễn biến kinh tế".

Các ngành nghề được cho là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2020 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu, xây dựng và dệt may. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2020, 49% tổ chức tín dụng kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực trưởng tín dụng của hệ thống, tiếp đến là bán buôn, bán lẻ (47%); dệt may (41%) và xây dựng (40%).

Đánh giá tổng thể trong cả năm 2020, bán buôn, bán lẻ vẫn là lĩnh vực được nhiều tổ chức tín dụng dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng nhất (46,9%); tiếp đến là xây dựng (43,9%); xuất nhập khẩu (41,8%) và dệt may (40,8%). Đây cũng là 4 lĩnh vực được phần lớn các tổ chức tín dụng dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2021, trong đó xuất nhập khẩu được nhiều tổ chức tín dụng lựa chọn nhất.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục