Ngân hàng Thế giới: Việt Nam cần nhanh chóng mở rộng sân bay và đường băng

Theo Nguyễn Thái Quỳnh Trang/Trí Thức Trẻ

Báo cáo của World Bank cho biết, tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á.

Ngân hàng Thế giới ước tính, trong giai đoạn 2016-2021, hàng không Việt Nam có tăng trưởng kép ở mức 17,4% trong khi trung bình ASEAN là 6,1%. Báo cáo cũng dự báo mức tăng trưởng hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2016-2026  thậm chí sẽ còn cao hơn, lên đến 20%.

Do mức sống của người dân ngày một tăng lên, tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh mẽ ở cả Việt Nam và khu vực ASEAN. Dự báo tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng lên cán mốc 33 triệu trong năm 2020. Điều này có nghĩa là trong tương lai gần, rất nhiều người có đủ thu nhập khả dụng để đi du lịch.

Ngân hàng Thế giới: Việt Nam cần nhanh chóng mở rộng sân bay và đường băng - Ảnh 1

 

Điều đó đòi hỏi cần phải nỗ lực liên tục để tự do hóa các quy định giao thông hàng không, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển. Tầng lớp trung lưu sẽ là một bộ phận quan trọng của xã hội, đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng.

Song song với đó, nguồn cung hàng không cũng đã được thúc đẩy thông qua nỗ lực liên kết giữa chính phủ các nước ASEAN, nhằm tự do hóa giao thông hàng không. Hiệp định Bầu trời mở ASEAN nhằm giảm dần các rào cản hàng không như hạn chế về năng lực cạnh tranh. Chính sách này sẽ thay thế mọi cấu trúc chính sách hàng không song phương hoặc đa phương hiện có, tiếp tục cho phép các nước ASEAN và các hãng hàng không hoạt động trong khu vực được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của du lịch hàng không trên khắp thế giới.

Gia tăng nguồn cung luôn đi đôi với cạnh tranh về giá giữa các hãng hàng không. Sự gia nhập của các hãng hàng không tư nhân mới như Bamboo Airways, và trong tương lai là AirAsia sẽ tạo áp lực buộc các hãng giảm giá vé máy bay, mở ra nhiều điểm đến du lịch hơn cho người tiêu dùng lựa chọn. 

Việc tạo ra các mạng lưới giao thông hàng không dày đặc hơn là tin mừng đối với người tiêu dùng. Giờ đây họ có thể tận hưởng du lịch hàng không với giá phải chăng hơn, tiếp cận được nhiều điểm du lịch hơn.

Tăng trưởng hàng không Việt Nam cũng hòa cùng với làn sóng phát triển trong khu vực. Khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, lưu lượng vận tải hàng không chắc chắn sẽ tăng theo. Theo ông Bayu Sutanto, Quản lý tại Hiệp hội Hàng không Quốc gia Indonesia, mức tăng trưởng ước tính của ngành hàng không thường gấp 2,5 lần tăng trưởng kinh tế. Điều này chỉ ra tiềm năng tăng trưởng to lớn của ngành cùng với nền kinh tế.

Tương tự như Việt Nam, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc cũng đang giàu có hơn, có đủ khả năng để đi du lịch quốc tế. Hơn nữa, căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Hàn Quốc có thể khiến lượng khách giữa hai nước chuyển hướng sang Việt Nam. Trên hết, Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội khác do sự tăng trưởng trong du lịch văn hóa tâm linh. Bên cạnh đó, số lượng hành khách sẽ tiếp tục tăng khi giá vé máy bay ngày một rẻ hơn. Điều quan trọng đòi hỏi ngay lúc này là cần phải mở rộng sân bay và đường băng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao đó.

Ngân hàng Thế giới: Việt Nam cần nhanh chóng mở rộng sân bay và đường băng - Ảnh 2

 

Việc "tắc nghẽn" các cảng hàng không quốc tế, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất đang ở mức độ nghiêm trọng, mà việc mở rộng thì vẫn còn đang bị trì hoãn. Rõ ràng, các cơ quan ban ngành và nhà đầu tư cần phải quyết liệt hơn để nhanh chóng tìm ra phương án giải quyết.

Tin Cùng Chuyên Mục