Ngành du lịch nỗ lực để không mất 7 tỉ USD vì dịch Corona

Tấn Việt Tú Uyên

Thị trường du lịch đang trải qua thời điểm khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

“Virus Corona ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch của Đà Nẵng. Thị trường khách du lịch giảm 10%-50% so với cùng kỳ” - báo cáo của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng ngày 12-2 cho hay.

Ngành du lịch nỗ lực để không mất 7 tỉ USD vì dịch Corona - Ảnh 1

 Du khách đeo khẩu trang tham quan TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhà hàng, khách sạn… đìu hiu

Ngành du lịch Đà Nẵng đang đối mặt vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Corona gây ra. Ghi nhận của PV những ngày qua cho thấy nhiều tuyến đường ven biển Đà Nẵng vắng bóng xe khách du lịch. Nhà hàng, siêu thị trong cảnh đìu hiu.

Mường Thanh Luxury Đà Nẵng, khách sạn năm sao ven biển Mỹ Khê vốn tấp nập xe du lịch ra vào đưa đón khách, nay cũng trong tình cảnh vắng vẻ hiếm có. Ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc khách sạn này, cho hay đơn vị thường đón lượng khách Trung Quốc rất lớn khi chưa có dịch.

“Các đoàn khách Trung Quốc thưa dần và nay thì hết sạch, chỉ còn một số khách lẻ. Khách Hàn Quốc giảm khoảng 20%. Tổng lượng khách của khách sạn giảm khoảng 60%. Công suất phòng bây giờ chỉ đạt 25%-35% trong khi trước dịch đạt 75%” - ông Duẩn nói.

Trong mùa dịch, Mường Thanh Luxury Đà Nẵng tranh thủ vệ sinh, khử trùng sạch sẽ phòng, tập huấn cho nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ. “Một số khách sạn cho nhân viên nghỉ không lương hoặc giảm lương nhưng bên mình không làm thế vì mình hy vọng khó khăn sẽ sớm qua đi” - ông Duẩn nói.

Tại một nhà hàng ẩm thực Trung Quốc trên đường Trần Bạch Đằng (quận Ngũ Hành Sơn), chị Nguyễn Hoàng Liên, nhân viên tại đây than thở rằng lượng khách giảm khoảng 40% so với trước. Nhà hàng này đã giảm lượng nguyên liệu nhập về từ sau tết Nguyên đán do lo sợ bán không hết, đồ ăn hư hỏng.

Thị trường du lịch tại Nha Trang, Khánh Hòa cũng ảm đạm. Ông Lê Văn Sơn, điều hành khách sạn Liberty Central Nha Trang, cho hay không chỉ khách Trung Quốc mà khách ở những thị trường khác cũng giảm gần 30%. Ngoài ra, nhiều công ty lữ hành cũng hủy phòng, thậm chí có những khách hàng đặt phòng vào tháng 4, 5 cũng hủy luôn. Công suất phòng hiện chỉ đạt gần 70%.

“Dù bản thân khách sạn đang gặp khó khăn nhưng đối với những khách đặt phòng qua mạng đã thanh toán tiền, chúng tôi sẽ gia hạn từ một năm đến một năm rưỡi để khi dịch được kiểm soát họ có thể quay lại. Đối với các công ty lữ hành, phía khách sạn chúng tôi cũng hoàn 50% chi phí và giãn đến hết tháng 5-2021 để chia sẻ với họ” - ông Sơn nói.

Ngành du lịch nỗ lực để không mất 7 tỉ USD vì dịch Corona - Ảnh 2

 Du khách tham quan, mua sắm tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Học kinh nghiệm các công ty đang trụ vững

Trong bối cảnh khó khăn của ngành du lịch, ngày 12-2, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch TP. Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch TP cho hay đã có tình trạng khách Hàn Quốc và các thị trường khác bắt đầu hủy tour đến Đà Nẵng.

“Những đoàn khách Đài Loan, Malaysia gốc Hoa… hiện đang du lịch ở Đà Nẵng vẫn bị người dân đánh đồng là Trung Quốc dẫn đến tình trạng bị kỳ thị. Hướng dẫn viên tiếng Trung thì đa số rơi vào cảnh thất nghiệp” - ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nói.

Theo ông Trương Quang Nghĩa, Đà Nẵng phải cùng với Hiệp hội Du lịch TP bắt đầu một chiến dịch quảng bá về du lịch, quảng bá về hình ảnh rất an toàn của Đà Nẵng. “Chúng ta không chủ quan mà rất nghiêm túc. Đà Nẵng ngay từ đầu đã chuẩn bị rất kỹ càng công tác phòng, chống dịch. Chúng ta có đầy đủ điều kiện để ứng phó dịch bệnh. Song song với việc phòng dịch tốt thì phải nêu lên được thông điệp là Đà Nẵng đang an toàn” - ông Nghĩa nói.

Bí thư Đà Nẵng đề nghị các cấp ngành của TP phải coi việc ổn định doanh nghiệp (DN) cũng là duy trì tăng trưởng của TP. Trong cái rủi có cái may, ông Nghĩa đề nghị Hiệp hội Du lịch TP đẩy mạnh việc tìm thị trường khách mới.

Thiệt hại của ngành du lịch khoảng 5,9-7 tỉ USD

Tại hội nghị ngành du lịch ứng phó với dịch Corona vừa tổ chức tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: Trong ba tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9-7 tỉ USD do dịch Corona gây ra.

Cụ thể, theo tính toán, đối với thị trường Trung Quốc, khách du lịch sẽ giảm 90%-100%, tương ứng giảm 1,7-1,9 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 1.021 USD/lượt (theo kết quả điều tra năm 2019 của Tổng cục Du lịch), thiệt hại kinh tế sẽ là 1,8-2 tỉ USD.

Đối với các thị trường khách quốc tế còn lại, khách du lịch giảm 50%-70%, tương ứng lượng khách giảm 2-2,8 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 1.083 USD/lượt, thiệt hại sẽ là 2,2-2,3 tỉ USD…

“Đà Nẵng bây giờ phải tìm phân khúc khác. Chúng ta sẵn sàng đầu tư, tìm kiếm phân khúc khách có thu nhập cao hơn. Mục tiêu là như vậy chứ không phải tìm thị trường khác cùng phân khúc. Đây là cơ hội để TP cơ cấu lại nguồn khách” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ngành du lịch nỗ lực để không mất 7 tỉ USD vì dịch Corona - Ảnh 3

  Đà Nẵng thưa vắng du khách. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch kiêm Chủ tịch Hội Khách sạn Nha Trang (Khánh Hòa), cũng thông tin: Tất cả khách sạn, công ty lữ hành, nhà hàng… đều bị ảnh hưởng bởi dịch Corona. Đặc biệt, nhiều khách sạn chuyên nhận khách Trung Quốc đã phải đóng cửa hoặc công suất phòng giảm chỉ còn 10%-20%.

Trước tình hình cấp bách trên, ông Sơn cho biết Hiệp hội Du lịch và Sở Du lịch Nha Trang đã họp bàn về cách phòng, chống dịch bệnh cũng như bàn các giải pháp để giúp đỡ các DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo đó, hiện Nha Trang có năm nguồn khách lớn là Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Việt Nam và các thị trường khác. Về dài hạn, các DN sẽ cơ cấu lại thị trường khách, dù không dễ.

“Chúng tôi sẽ phân chia cụ thể các thị trường cần tập trung phát triển, sàng lọc thị trường để nâng cao chất lượng đầu vào của khách hàng. Tránh tập trung một nguồn khách. Việc chuyển đổi thị trường còn khó khăn nhưng để phát triển bền vững, các DN cần phải thực hiện. Hiện tại các DN có thương hiệu và phát triển dịch vụ tốt đều trụ vững và có công suất phòng trên 60%. Nếu các đơn vị khác muốn thành công phải học hỏi theo các DN đang trụ vững trong thời gian này” - ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng cho rằng cơ quan nhà nước phải quy hoạch, phân định và khuyến khích chủ đầu tư vào những hạng mục mà Nha Trang đang thiếu như các khu vui chơi giải trí. Quan tâm đến quy hoạch khu kinh tế về đêm, như sử dụng khu bờ kè sông Cái làm khu kinh tế về đêm chắc chắn sẽ thu hút được khách hàng và gia tăng ít nhất 50% doanh số du lịch.

Đề xuất hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đồng loạt các khách sạn tại TP đang giảm công suất khai thác 30%-40% so với cùng kỳ. Một số khách sạn công suất khai thác thậm chí chỉ còn 10%-20% và chủ yếu là các khách lẻ, khách online.

Tình trạng này cũng diễn ra tại các điểm tham quan du lịch. “Một số khách sạn, khu điểm cũng tính tới phương án giảm thiểu nhân sự, làm việc theo ca để giảm chi phí lương, điện, nước…” - báo cáo nêu.

Trước cơn khủng hoảng này, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề nghị TP giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong hai năm 2020 và 2021; cho phép chậm nộp thuế giá trị gia tăng quý IV-2019 và thuế thu nhập DN năm 2019; miễn giảm chi phí vé tham quan ở các điểm di tích do TP quản lý.

“Đề xuất lãnh đạo TP có ý kiến với các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP xem xét, hỗ trợ giảm lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ… đối với các khoản vay của các DN du lịch. Đề xuất lãnh đạo TP kiến nghị Chính phủ cho phép miễn giảm lệ phí visa cho khách nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2020” - ông Dũng đề xuất.

Ngành du lịch nỗ lực để không mất 7 tỉ USD vì dịch Corona - Ảnh 4

 Khách du lịch thăm quan tại TP.HCM- Ảnh: Hoàng Giang

Tránh gây hoang mang cho du khách

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho hay dịch Corona như một cú sốc đối với du lịch cả thế giới, TP.HCM không ngoại lệ và đang chịu ảnh hưởng rất lớn. Rất nhiều DN chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các DN chuyên khai thác thị trường Trung Quốc. Cụ thể, theo một số DN trên địa bàn TP, lượng khách giảm 30%-50%;

Sở Du lịch TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, giảm thiểu thiệt hại cho ngành du lịch. Đơn cử đang phối hợp với Sở Y tế TP tổ chức thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh nhằm tránh gây hoang mang cho du khách.

“Nhiệm vụ quyết tâm, quan trọng nhất hiện nay là sau khi dịch qua đi, Sở Du lịch TP.HCM sẽ triển khai nhiều chiến dịch để lấy lại niềm tin của du khách, để du khách trở lại với TP” - bà Thúy nói. 

Tin Cùng Chuyên Mục