Nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động được hưởng quyền lợi gì?

Bùi Anh

Người lao động (NLĐ) bị suy giảm khả năng lao động bao nhiêu phần trăm thì được nghỉ hưu trước tuổi? Thủ tục cần thực hiện, quyền lợi NLĐ được hưởng khi nghỉ hưu trước tuổi?

Nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động được hưởng quyền lợi gì? - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Giải đáp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

Điều kiện nghỉ hưu trước tuổi

Ông Hoàng Văn Mạnh (Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) hỏi: Ông sinh tháng 11/1962, đi làm tại các tổ chức, cơ quan nhà nước ở TP Hồ Chí Minh từ tháng 7/1989 đến tháng 9/2019. Trong thời gian đó, ông tham gia BHXH liên tục.

Nhưng nay vì lý do cá nhân, ông xin nghỉ việc trước tuổi hưu (60 tuổi). Theo đó, ông hỏi: Thời điểm hợp lý để xin nghỉ (năm, tháng nào) và lúc đó tôi sẽ có trợ cấp tiền từ BHXH tính theo cách nào? Nếu kết quả giám định y khoa suy giảm khả năng lao động của ông là dưới 61 phần trăm thì mức hưởng lương hưu tính ra sao? 

Theo quy định hiện hành và thông tin ông Mạnh cung cấp, BHXH Việt Nam cho biết, ông sinh tháng 11/1962, đến tháng 9/2019, Ông được 57 tuổi 11 tháng, có thời gian công tác là 30 năm 3 tháng. Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 55 Luật BHXH thì Ông đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Trường hợp ông bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và ông có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì ông được nghỉ hưu trước tuổi, thời điểm hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động.

Trường hợp ông bị suy giảm khả năng lao động dưới 61% thì ông chưa đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi.

Do thông tin ông cung cấp chưa đầy đủ diễn biến tiền lương đóng BHXH của cả quá trình công tác nên BHXH Việt Nam chưa đủ căn cứ để trả lời cụ thể về cách tính mức hưởng lương hưu đối với ông. Do đó, ông cung cấp hồ sơ đến cơ quan BHXH địa phương để được hướng dẫn cụ thể.

Tỷ lệ hưởng lương hưu 

Về tỷ lệ hưởng lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi, ông Phan Thành (Phủ Lý, Hà Nam) hỏi: Tôi sinh 24/9/1960, được nghỉ hưu theo Nghị định 46, nghỉ theo nguyện vọng (có giám định y khoa). Nếu tôi về hưu vào tháng 02/2020 thì tiền lương hưu và tiền BHXH do đóng dôi dư được tính thế nào, quá trình đóng BHXH tính đến tháng 02/2020 là 41 năm. Nếu đến tháng 09/2020 đúng tuổi về hưu mới nghỉ thì được hưởng như thế nào và thời gian được lĩnh là khi nào?

BHXH Việt Nam cho biết, theo thông tin ông cung cấp, ông sinh ngày 24/9/1960, nếu ông bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có yêu cầu hưởng lương hưu vào tháng 02/2020 thì tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng sẽ giảm trừ 1% do nghỉ hưu trước tuổi (59 tuổi 6 tháng).

Về thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (33 năm), ngoài lương hưu hàng tháng, ông được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, cách tính như sau: Cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trường hợp ông có yêu cầu hưởng lương hưu vào tháng 9/2020 (đúng tuổi) thì ông không bị giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi. Thời điểm hưởng lương hưu từ ngày 01/10/2020.

Do ông không cung cấp thông tin cụ thể về quá trình đóng BHXH nên BHXH Việt Nam không có căn cứ để tính toán cụ thể lương hưu hàng tháng và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.

Thủ tục thực hiện để về hưu trước tuổi 

Bạn đọc có địa chỉ email ntankhoa281@gmail.com đưa ra tình huống: Tôi sinh 05/01/1966, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, tham gia BHXH tại khu công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai từ tháng 4/1986 đến tháng 5/2009 được 23 năm 02 tháng. Nghề nghiệp thợ máy sửa chữa cơ khí bậc 7/7. Tháng 01/2017, tôi tròn năm 51 tuổi và có đi giám định y khoa để về hưu trước tuổi ở BHXH TP.HCM.

Kết quả đạt được 61% tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Theo luật BHXH thì phải đạt từ 81% trở lên mới được về hưu trước tuổi. “Đến tháng 01/2021 tôi được 55 tuổi, tôi có cần phải đi giám định y khoa nữa không?; Thủ tục thực hiện để về hưu trước tuổi như thế nào? Do cơ quan nào thực hiện?” – ông hỏi.

Về việc có phải thực hiện lại giám định y khoa hay không, BHXH Việt Nam cho biết: Theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế thì Biên bản giám định y khoa có giá trị đến khi có biên bản giám định liền kề sau đó với cùng nội dung và mục đích giám định.

Do đó, khi ông đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động thì Biên bản giám định y khoa năm 2017 vẫn có hiệu lực (trừ trường hợp ông tự đi giám định và có kết quả giám định lần sau khác lần trước).

Về thủ tục cần thực hiện để nghỉ hưu trước tuổi, BHXH Việt Nam cho biết, do ông không nêu rõ ông có tiếp tục làm việc và đóng BHXH nữa hay không nên BHXH Việt Nam trả lời theo quy định chung. Trường hợp ông tiếp tục làm việc tại đơn vị có đóng BHXH thì khi ông đủ điều kiện về tuổi đời, đơn vị sẽ lập thủ tục hồ sơ để giải quyết hưởng lương hưu đối với ông bao gồm: Sổ BHXH; Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động.

Trường hợp ông đã nghỉ việc, chốt sổ BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH thì khi ông đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu, ông có thể đến cơ quan BHXH gần nhất và cung cấp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ hưu trí bao gồm: Sổ BHXH; Đơn đề nghị hưởng lương hưu; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động.