Nghị quyết XIII của Đảng: Tạo cơ hội cho doanh nghiệp trẻ bứt phá!

Phương Anh

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Là bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn bão Covid-19, nhiều doanh nghiệp trẻ Thủ đô vẫn đang nỗ lực vượt ải gian truân này với sự dẫn dắt, đồng hành của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội và đặc biệt là người thuyền trưởng đầy tâm huyết - ông Trần Đăng Nam - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2024.

“Nâng tầm Doanh nhân trẻ Thủ đô”

Với sứ mệnh đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trẻ Thủ đô trong thời gian tới, ông ý thức thế nào về trách nhiệm của mình và điều gì khiến ông trăn trở nhất khi ở trên cương vị này?

Được các hội viên tin tưởng giao phó vị trí Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2024, với tôi đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là một trọng trách lớn lao. Với sứ mệnh “Nâng tầm doanh nhân trẻ Thủ đô”, nhiệm kỳ 2021 - 2024, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội vẫn tiếp tục kiên trì hành động theo tiêu chí đã được đề ra từ Đại hội VII “Gắn kết doanh nhân – Nâng tầm giá trị”. Như vậy, trách nhiệm của tôi trong nhiệm kỳ mới đó là phải chung tay cùng Ban chấp hành, Ban Thường trực hội đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư gia tăng số lượng hội viên có chất lượng và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông.

Ông Trần Đăng Nam 
Ông Trần Đăng Nam 

Điều tôi kỳ vọng cũng như trăn trở nhất trong nhiệm kỳ của mình chính là hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số, áp dụng thành công các nền tảng công nghệ vào công tác quản lý, vận hành cho Hội và các doanh nghiệp hội viên; Cũng như làm sao để nâng cao tinh thần gánh vác trách nhiệm xã hội, lan tỏa giá trị tốt đẹp đến cộng đồng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19 như hiện nay. Đây tuy là một “bài toán” mang tính thách thức nhưng rất thú vị, phù hợp với xu thế và giúp chúng ta song hành cùng sự phát triển của thế giới.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Cụ thể, các hội viên Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức này như thế nào, thưa ông?

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới kinh tế và thương mại không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới ở nhiều phương diện. Cụ thể, những doanh nghiệp hội viên của chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức cơ bản như: Chuỗi cung ứng bị gián đoạn cục bộ, kinh tế và thương mại quốc tế không thể hoạt động bình thường chứ chưa nói đến có thể tăng trưởng; Giảm cơ hội tiếp cận vốn, đặc biệt với các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như du lịch và khách sạn; Tình hình doanh thu sụt giảm do tình trạng giãn cách và khó khăn chung của thị trường…

Đồng thời, rất nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với thực trạng sản xuất đình trệ. Các doanh nghiệp cho biết, họ phải đối mặt với một trong hai, thậm chí cả hai “gọng kìm” là hạn chế nguyên liệu đầu vào và khó tiếp cận đầu ra. Một số doanh nghiệp hội viên của chúng tôi đã bắt buộc phải thu hẹp, chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh cũng như cân đối nguồn lực, vừa giải quyết việc làm vừa đảm bảo an toàn cho người lao động.

Trước thực trạng đó, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã có những giải pháp, động thái nào để giúp đỡ các doanh nghiệp chống chọi và vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tự hào luôn là tổ chức đi đầu tại Thủ đô trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hội viên “vượt bão”. Chúng tôi đã, đang và sẽ luôn sát cánh trong việc tư vấn cho hội viên những giải pháp trên mọi khía cạnh.

Một số hoạt động cụ thể có thể kể đến như: Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến hội viên, tổng hợp các kiến nghị để xây dựng một bản kiến nghị chung về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam gửi tới các cơ quan chuyên môn của TP.Hà Nội và Chính phủ. Chúng tôi cũng lập một Tổ tư vấn Tái cấu trúc và Quản trị doanh nghiệp gồm các chuyên gia có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực quản trị Tài chính, Nhân sự, Kênh phân phối… để tư vấn cho các doanh nghiệp hội viên theo hình thức 1:1.

Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã tư vấn được cho hơn 10 doanh nghiệp và đã được các doanh nghiệp đánh giá cao. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tăng cường các hoạt động giao thương nội khối, khuyến khích hội viên sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp khác trong Hội.

Xác định chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo ngược trong quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm hạn chế các hoạt động tiếp xúc trực tiếp, chúng tôi cũng đã thiết lập nhóm những doanh nghiệp công nghệ trong Hội để xây dựng các gói giải pháp phù hợp với quy mô của từng doanh nghiệp, chuyển dần hình thức làm việc tập trung (offline) sang hình thức làm việc trực tuyến (online), giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí mà vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt…

Trong giai đoạn tới, chúng tôi có kế hoạch nghiên cứu, đào tạo để có thể áp dụng số hóa tối đa trên các bước làm việc sao cho phù hợp nhất với mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên.

“Thích ứng” và “công nghệ”

Nghị quyết XIII của Đảng được thông qua có những điểm mới căn bản, mang tính đột phá, mở đường cho nền kinh tế phát triển. Theo ông, đâu là những chủ trương, quyết sách, thể chế mà doanh nghiệp, doanh nhân thuộc Hội DN trẻ cần phải quan tâm?

Nghị quyết XIII là Văn kiện Đại hội đầu tiên Đảng ta đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhận định cuộc công nghiệp này, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc và đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp trẻ. Theo tôi, các doanh nghiệp, doanh nhân cần chú trọng vào những chủ trương cốt lõi sau:

Một là cùng Chính phủ tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19 cho cộng đồng để nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; Phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh.

Ba là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bốn là hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.

Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã có những hành động gì để cụ thể hóa và đưa các mục tiêu của Nghị quyết vào cuộc sống, thưa ông? Theo ông, đâu là yếu tố cốt lõi đưa doanh nghiệp trẻ tới bến bờ của thành công?

Với những điểm cần chú trọng của Nghị quyết XIII như trên, dựa theo sự nghiên cứu, đồng thuận, nhất quán cao của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội và các doanh nghiệp hội viên, chúng tôi quyết tâm nhiệm kỳ 2021 – 2024, Hội cùng các hội viên sẽ song hành mạnh mẽ cùng thành phố, Chính phủ, đặc biệt trong vấn đề chuyển đổi số - phát triển công nghệ và tích cực kiểm soát đại dịch Covid-19.

Trong Đại hội đại biểu khóa VIII của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, chúng tôi đã thông qua 6 mục tiêu chủ chốt. Trong đó, 3 mục tiêu đáng lưu ý là: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư, đặc biệt thông qua nền tảng số để tăng cường tính gắn kết; Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp hội viên; Đồng thời, Hội cũng sẽ tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để nâng tầm giá trị của Hội và các doanh nghiệp hội viên, lan toả rộng rãi những giá trị tốt đẹp tới xã hội và cộng đồng.

Hiện tại, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đang tích cực vận động Hội viên ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 của TP.Hà Nội. Tại Đại hội nhiệm kỳ 2021 - 2024 vừa qua, chúng tôi đã chủ động trích từ ngân sách tiết kiệm khi tổ chức Đại hội trực tuyến và ngân sách CSR của Hội 500 triệu đồng, kêu gọi bước đầu được gần 2 tỷ đồng từ các doanh nghiệp hội viên chỉ sau 2 ngày phát động. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp hội viên ủng hộ quỹ này để cùng chung tay với thành phố Hà Nội sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Từ khóa của giai đoạn 5 năm tới mà các doanh nhân, doanh nghiệp cần lưu ý đó chính là “thích ứng” và “công nghệ”. Nếu chúng ta không linh hoạt chuyển đổi, không cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đón đầu trào lưu số hóa, chúng ta chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển và dễ bị thụt lùi.

Nghị quyết XIII của Đảng: Tạo cơ hội cho doanh nghiệp trẻ bứt phá!  - Ảnh 1

Báo chí - doanh nghiệp hỗ trợ nhau cùng phát triển

Những năm vừa qua, báo chí đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trẻ nói riêng trong bối cảnh kinh tế hiện nay?

Tôi cho rằng báo chí và doanh nghiệp mang một mối quan hệ bền vững, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bản thân trong đời sống xã hội, nhu cầu của công chúng đòi hỏi sự đổi mới về thông tin là rất lớn và báo chí đã nhanh chóng khẳng định vai trò tiên phong của mình. Trong quá trình đổi mới của đất nước, những diễn biến kinh tế đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của báo chí vì kinh tế là cơ sở của đời sống xã hội. Trên cơ sở phản ánh về kinh tế, báo chí của chúng ta thể hiện được cuộc sống một cách đa diện đã góp phần hình thành định hướng nhất định trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường nói riêng và quá trình đổi mới nói chung.

Hơn ai hết, những người làm báo đã luôn khích lệ, sát cánh với các doanh nhân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn thông tin quý giá của báo chí không chỉ giúp doanh nhân, doanh nghiệp cập nhật và hiểu hơn về những chủ trương, chính sách của Nhà nước mà còn mang tiếng nói của doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng để giúp chúng tôi tháo gỡ khó khăn, sửa đổi kịp thời nhiều chủ trương, chính sách, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, phát triển sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, báo chí cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp lan tỏa những hành động tốt đẹp, những tấm gương doanh nhân, từ đó cổ vũ, động viên các doanh nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, theo ông, thời gian tới báo chí cần tập trung vào những vấn đề gì?

Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, báo chí sẽ tiếp tục cổ vũ, sát cánh cùng doanh nghiệp, tiếp tục tập trung vào việc cập nhật những hoạt động kinh tế - thương mại, chủ trương - chính sách của Đảng, Nhà nước và các xu hướng mới của thế giới.

Đồng thời, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, những phóng viên tuyến đầu, những người làm báo chính là nguồn thông tin uy tín, linh thông để toàn xã hội biết – hiểu – nắm được tình hình nhanh chóng nhất, từ đó lên kế hoạch bảo vệ bản thân cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý.

 

Nghị quyết XIII là văn kiện Đại hội đầu tiên Đảng ta đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhận định cuộc công nghiệp này, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ, thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc và đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp trẻ.

Tin Cùng Chuyên Mục