Người châu Á sẽ tăng gấp đôi chi tiêu cho thực phẩm, lên hơn 8.000 tỷ USD vào năm 2030

Selina Nguyễn

Theo báo cáo mới nhất của PwC, Rabobank và Temasek, người tiêu dùng châu Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi chi tiêu cho thực phẩm vào năm 2030, mang đến cơ hội thương mại lớn cho các nhà đầu tư trong khu vực.

Theo "Báo cáo thách thức ngành thực phẩm châu Á", chi tiêu cho thực phẩm trong khu vực sẽ đạt hơn 8.000 tỷ USD vào đầu thập kỷ tới. Con số này tăng từ 4.000 tỷ USD vào năm 2019, đưa châu Á trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới.

Phần lớn nhu cầu này đến từ việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng khi họ không chỉ có ý thức hơn về sức khỏe, hiểu biết về kỹ thuật số, mà còn do dân số đang tăng nhanh ở khu vực. Đến năm 2030, châu Á dự kiến ​​sẽ là nơi sinh sống của 4,5 tỷ người và 65% tầng lớp trung lưu trên thế giới.

"Người dân trong khu vực muốn sử dụng những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Họ muốn thực phẩm an toàn hơn và họ thích mua hàng trực tuyến", Anuj Maheshwari, Giám đốc quản lý kinh doanh nông sản của Temask chia sẻ trên CNBC.

Chi tiêu cho thực phẩm của châu Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên hơn 8.000 tỷ USD vào năm 2030.
Chi tiêu cho thực phẩm của châu Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên hơn 8.000 tỷ USD vào năm 2030.

Ấn Độ và Đông Nam Á được đánh giá là những quốc gia có mức tăng chi tiêu lớn với tốc độ kép hàng năm lần lượt là 5,3% và 4,7%. Tuy nhiên, nhìn chung, Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường lớn nhất.

Báo cáo dựa trên cuộc khảo sát với 3.600 người tiêu dùng ở 12 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, cũng như các cuộc trò chuyện với các giám đốc điều hành cấp cao của hơn 3.000 công ty thực phẩm và đồ uống được giao dịch công khai.

Cơ hội đầu tư trị giá 1.500 tỷ USD

Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao ở châu Á sẽ gây sức ép lên hệ sinh thái vốn đã mỏng manh và đang phải chịu áp lực lớn kể từ khi đại dịch bùng phát. 

Theo báo cáo, toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ cần 1.550 tỷ USD đầu tư vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng trong khu vực. Đây là mức tăng gần gấp đôi so với khoản đầu tư sơ bộ 800 tỷ USD ước tính ban đầu vào năm 2019.

Ông Maheshwari cho biết, điều này sẽ mang lại cơ hội thương mại đáng kể cho các nhà đầu tư.

Báo cáo nêu rõ 6 xu hướng quan trọng, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, sản phẩm tươi sống, nguồn gốc an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu dùng bền vững, protein thay thế và mua hàng trực tuyến.

Theo ông Maheshwari, những xu hướng này là điều mà các công ty kinh doanh nông sản cần tập trung để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường tiêu dùng trên khắp châu Á. Đầu tư vào công nghệ nông nghiệp đã tăng đáng kể kể từ năm 2014, tăng 377% lên 30,5 tỷ USD, theo AgFunder.