Anh Nguyễn Quang Tòa: Từ "4 năm làm chuột bạch" đến chuyên gia đàn hương ở Tây Nguyên

Hà Ánh Bình

Từ chủ một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng có tiếng ở huyện, anh Nguyễn Quang Tòa đã vứt bỏ sự nghiệp để "đi theo tiếng gọi" của cây đàn hương Ấn Độ dù biết rõ đây là một canh bạc "năm ăn, năm thua".

Đang là chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng nổi tiếng một vùng nhưng cơ duyên đã khiến anh Nguyễn Quang Tòa (SN 1971, ngụ xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) rẽ hẳn sang một hướng đi khác: Phát triển kinh tế từ cây đàn hương Ấn Độ. Với các mô hình trồng xen canh cây đàn hương cùng các loại cây trồng khác hứa hẹn đem lại lợi ích kinh tế cao, mang lại sự đổi thay lớn cho mảnh đất Tây Nguyên đầy khắc nghiệt.  

Anh Nguyễn Quang Tòa: Từ

 Anh Tòa (trái) hướng dẫn kỹ thuật trồng đàn hương cho khách

Trốn nhà vào Nam lập nghiệp

Anh Tòa quê ở Phú Thọ nhưng đã gắn bó với mảnh đất Đắk Lắk mấy chục năm nay. Thời trẻ, anh từng tham gia quân ngũ tại Lào Cai. Năm 1992, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về quê nhà.

Anh Nguyễn Quang Tòa: Từ

 Anh Nguyễn Quang Tòa kiểm tra cây đàn hương giống

Đến đầu năm 1995, anh Tòa quyết định vào Tây Nguyên lập nghiệp, vì giấu gia đình nên khi đi anh chỉ mang theo đúng 2 bộ quần áo. Thời gian đầu, anh phải một mình trải qua biết bao nhiêu nghề, nếm trải biết bao khó khăn, khổ cực để trụ lại miền đất mới.

Năm 1998, sau khi cưới một cô vợ xinh đẹp, có chút vốn trong tay, anh Tòa đã mua được 1 mảnh đất nhỏ, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột 10km.

Không có tiền dựng nhà, đôi vợ chồng trẻ phải đi thuê nhà, còn mảnh đất mua được để chứa vật liệu xây dựng. Cứ thế nhờ chăm chỉ và biết tích cóp, chẳng bao lâu vợ chồng anh mua thêm được một mảnh đất rộng hơn để có chỗ ở khang trang kiêm cửa hàng vật liệu xây dựng. 

Nỗi niềm "chuột bạch"

Năm 2015, anh Tòa tình cờ được nghe về cây đàn hương trắng xuất xứ Ấn Độ, loài cây còn được Kinh Phật gọi là cây Chiên Đàn.

Qua tìm hiểu, anh biết loại cây này được ví là “hoàng kim” của rừng xanh bởi giá trị kinh tế cao.

Nhờ mối quan hệ xã hội rộng khắp, anh Toà vui mừng khi được biết cây đàn hương Ấn Độ đã được du nhập về Việt Nam, hiện đã có hẳn một đơn vị được thành lập chỉ để nghiên cứu về loài cây quý giá này: Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm, trụ sở tại Khu Công nghệ cao Láng - Hoà Lạc.

Vé bay ra Thủ đô lập tức được anh Toà mua gấp, mục tiêu gặp bằng được "linh hồn" của Viện là Tiến sĩ Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng khoa học, cũng là người đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu cây tại Ấn Độ rồi đưa cây về Việt Nam.

Trong cuộc gặp đầu tiên với Tiến sĩ Vũ Văn Thoại, như mối duyên tiền định, hai bên đều nhận ra mình có cùng chung chí hướng và không cần rào trước đón sau, lập tức thống nhất sẽ đưa cây đàn hương lên Tây Nguyên, đồng thời thành lập Phân viện tại Tây Nguyên của Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm. 

"Ngày đó, anh em Tây Nguyên chúng tôi cho rằng trồng cây đàn hương lúc này là canh bạc, vì không biết liệu cây có thích nghi được với vùng đất mới hay không? Không biết cây sau này có lõi, có tinh dầu hay không? Nhưng anh em tôi quyết định sẽ tham gia canh bạc này vì tin tưởng vào những lập luận khoa học của Tiến sĩ Thoại và quan trọng hơn, vì nếu chúng tôi thắng canh bạc này, Tây Nguyên sẽ có thêm màu xanh, các vùng đất đã bị lâm tặc biến thành sa mạc sẽ được hồi sinh và người dân Tây Nguyên sẽ có được nhiều lợi ích kinh tế", ông Toà hồi tưởng.

Tháng 4/2016, khi vườn đàn hương khảo nghiệm tại Buôn Đôn, Đăk Lăk của anh Toà cho thấy sự phát triển cực kì mạnh mẽ, anh Toà chính thức được bổ nhiệm là Phân viện trưởng Phân viện Đàn hương Tây Nguyên.

Tuy nhiên, lúc này anh vẫn còn rất dè dặt trong việc bán cây giống cho bà con. Là người đầu tiên trồng đàn hương xen vào rẫy cam quít bạc tỷ của mình, hơn ai hết anh hiểu rằng chừng nào cây chưa có lõi thì chừng đó "thí nghiệm đàn hương" vẫn chưa thành công. Mà chưa thành công thì làm sao anh dám bán cây giống rộng rãi, làm sao dám biến bà con Tây Nguyên thành "chuột bạch" giống như mình?

Anh Nguyễn Quang Tòa: Từ

 Mô hình trồng xen đàn hương ở HTX Dịch vụ và Nông nghiệp đàn hương và mắc ca

"Tận nhân lực, tri thiên mệnh"

Và rồi trời không phụ lòng người. Năm 2018, một trận bão lớn ghé qua đã quật đổ vài cây đàn hương hơn 3 năm tuổi tại vườn khảo nghiệm trong sự xót xa của anh Toà. Tuy nhiên, cũng tại hiện trường, anh Toà lại vui sướng khi phát hiện cây đàn hương của mình đã có bắt đầu hình thành lõi!

Phải, chuyên gia Ấn Độ trong một lần thăm vườn của anh từng nói cây đàn hương ở nước họ sớm nhất phải 7-8 năm mới có lõi, vậy mà đàn hương anh trồng trên đất đá Buôn Đôn chưa tới 4 năm đã bắt đầu hình thành lõi như thế này!

Kết quả này đồng nghĩa canh bạc đàn hương đã chiến thắng ở hạng mục quan trọng nhất: Cây đàn hương hoàn toàn thích nghi với Tây Nguyên, và ở Tây Nguyên thì thậm chí đàn hương còn phát triển nhanh, mạnh và ấn tượng hơn cả ở Ấn Độ.

Kết quả này cũng làm chấn động cộng đồng nghiên cứu về đàn hương tại Việt Nam. Nhiều đại gia trước đây còn nghi ngại về cây đàn hương, nay biết thông tin đàn hương của "chuột bạch Quang Toà" đã tạo lõi thì lập tức "nhấn nút khởi động" cho những dự án đàn hương của riêng mình.

Ngoài ra, "canh bạc đàn hương" của anh Toà cũng nhận được tin vui: Ngoài kỳ vọng đầu ra dài hạn là tinh dầu và lõi gỗ thì cây đàn hương đã có thêm đầu ra ngắn hạn tạo phụ thu cho người trồng.

Cụ thể, Tiến sĩ Vũ Văn Thoại và các cộng sự đã tìm ra nhiều chất có lợi cho sức khoẻ trong thành phần của búp đàn hương, từ đó bào chế ra sản phẩm trà đàn hương có hương thơm, vị ngon, chất bổ. Một sản phẩm trà cao cấp thích hợp hoàn hảo cho những người yêu trà đạo.

Cùng với đó, hạt của cây đàn hương cũng được Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm ép tinh dầu thành công và có đầu ra ổn định.

Tiến sĩ Vũ Thoại cho biết: “Viện đã liên kết với một số đơn vị để sản xuất kem dưỡng da từ hạt đàn hương và trà từ lá non và búp đàn hương. Do đó, các sản phẩm từ cây đàn hương hiện đang được Viện bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm canh tác loại cây này. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, viện nghiên cứu Ấn Độ để bảo đảm nguồn giống, từ đó nhân giống bằng các phương pháp khác như nuôi cấy mô để cho ra những giống cây thuần chủng, sạch bệnh”.

Với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình thí điểm và áp dụng các mô hình trồng cây đàn hương, anh Tòa luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật cho nhiều bà con nông dân trên toàn khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận đến tìm hiểu về mô hình và mua cây giống, từng bước mang lại sự đổi thay cho nhiều miền quê nghèo ở Tây Nguyên. 

Cây đàn hương được đánh giá là cây “vàng xanh” thu về lợi ích kinh tế cao gấp hàng trăm lần so với các cây rừng khác. Sở dĩ cây đàn hương có giá trị kinh tế cao vì mọi thành phần của cây từ lá, thân, cành, rễ đều được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như sản xuất dược liệu, tinh dầu, hàng mỹ nghệ cao cấp, hàng nội thất, đồ thờ cúng trong gia đình và các đền chùa ngoài ra đàn hương còn sản xuất nhang, rượu, nước uống, xà phòng thơm... thành những sản phẩm cao cấp được nhiều người trên toàn thế giới ưa chuộng.

Về giá trị dược liệu: Theo đông y, gỗ đàn hương vị cay, mùi thơm tính ấm (ôn). Ly khí, ôn trung, hòa vị, chỉ thống. Chữa các chứng đau bụng vùng dạ dày, bụng dưới, đái buốt do viêm đường tiết liệu, thổ huyết, nấc, ho có đờm lâu khỏi, chữa phong thấp đau nhức xương, kinh giảm, thuốc điều khí chữa đau tim. Theo tây y, gỗ đàn hương có tác dụngsinh lý chủ yếu là sát trùng đường niệu - sinh dục. Y học cổ truyền Ấn Độ dùng lõi gỗ đàn hương để chữa, trị rất nhiều bệnh như xuất huyết, nấc, khí hư, loét và rối loạn đường tiết niệu. Ngoài ra, gỗ đàn hương còn được sử dụng sản xuất các loại hàng mỹ nghệ cao cấp.

Tin Cùng Chuyên Mục