Người giàu nhất châu Á thách thức Amazon của Jeff Bezos ở Ấn Độ

Theo Minh Đức/Zing

Mukesh Ambani - người giàu nhất châu Á với tổng tài sản 53,6 tỷ USD - sẽ đối đầu với Amazon của tỷ phú số một thế giới Jeff Bezos tại thị trường thương mại điện tử ở Ấn Độ.

Theo CNBC, các nguồn tin cho biết tập đoàn Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani sắp ra mắt nền tảng thương mại điện tử Reliance Retail để cạnh tranh với Amazon của tỷ phú Jeff Bezos và Flipkard của hãng Walmart tại thị trường Ấn Độ. 

Reliance Industries là một trong những công ty lớn nhất Ấn Độ và đang đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ tại thị trường quốc gia 1,33 tỷ dân. Ở thời điểm hiện tại, các cửa hàng tiện lợi quy mô nhỏ vẫn đang chiếm ưu thế tại thị trường bán lẻ Ấn Độ.  

Cơ hội 200 tỷ USD

CNBC cho biết mục tiêu của tỷ phú Mukesh Ambani là tạo nên một thị trường trực tuyến tương tự như Alibaba và cho phép tiểu thương và các cửa hàng tiện lợi đưa sản phẩm tới bán.

Với khoảng 500 triệu người dùng Internet và thương mại điện tử tăng trưởng đến 30% mỗi năm, ngân hàng Morgan Stanley ước tính ngành công nghiệp bán lẻ online ở Ấn Độ sẽ đạt quy mô 200 tỷ USD vào năm 2027.

Người giàu nhất châu Á thách thức Amazon của Jeff Bezos ở Ấn Độ - Ảnh 1
Tỷ phú Mukesh Ambani. Ảnh: Getty. 

Reliance Jio, công ty con của Reliance, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ Internet cho người dùng Ấn Độ nhờ hạ tầng băng thông rộng di động.

"Khi Reliance Jio ra mắt băng thông rộng miễn phí vài năm trước đây, người dân bắt đầu ghiền truy cập Internet bằng thiết bị di động", CNBCdẫn lời ông Dinesh Moorjani, Giám đốc điều hành Comcast Ventures (công ty con của Comcast) hồi tháng 4.  

Ở Mumbai, hầu hết mọi người đều sử dụng dịch vụ Jio. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tái đắc cử có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của Reliance. 

Đầu năm nay, chính phủ Ấn Độ ban hành các nguyên tắc về thương mại điện tử, được cho là để hạn chế tầm hoạt động của Amazon và Walmart (mua Flipkard với giá 16 tỷ USD hồi năm ngoái).

Trong thời gian qua, cả Amazon và Walmart đã đổ hàng tỷ USD để mở rộng hoạt động tại thị trường Ấn Độ. Số lượng nhân viên của Amazon tại Ấn Độ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, ngoại trừ Mỹ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng bị hạn chế tại thị trường Ấn Độ. "Trong vòng 9 tháng qua, chúng tôi chứng kiến sự xuất hiện của các chính sách bảo hộ và ưu đãi các công ty trong nước. Đây là xu hướng đáng lo ngại", bà Nisha Biswal, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Ấn Độ (USIBC) tại Phòng Thương mại Mỹ, tuyên bố.

Người giàu nhất châu Á thách thức Amazon của Jeff Bezos ở Ấn Độ - Ảnh 2
Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: Reuters.

Giới đầu tư công nghệ cũng có nhận định tương tự. Ông Mark Mahaney, Giám đốc điều hành của RBC Capital Markets, nhận định Amazon đang đối mặt với rủi ro tại thị trường này, với doanh thu quý I/2019 thấp hơn dự kiến.

Việc mở rộng tại thị trường Trung Quốc dường như là nhiệm vụ bất khả thi với Amazon và một số tập đoàn công nghệ Mỹ. Ở Trung Quốc, Amazon bị Alibaba đánh bại.

Do đó, thị trường đông dân thứ 2 thế giới là nơi các công ty Mỹ đặt nhiều hi vọng. Nhưng thương mại điện tử không phải là trò chơi dễ dàng. 

"Việc điều hành đang rất tốt"

Ở thời điểm hiện tại, ngày càng nhiều người dân các thành phố lớn như New Delhi hay Mumbai mua hàng qua mạng Internet. Tuy nhiên các nhà phân tích nhận xét thách thức lớn nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Ấn Độ đến từ việc kích thích người dân ở các thành phố hạng 2, hạng 3 mua hàng online.

Reliance hy vọng có thể khai thác được 10.415 cửa hàng bán lẻ của họ trên 6.600 thành phố và tận dụng nền tảng Jio với 307 triệu thuê bao để tiếp cận đông đảo người tiêu dùng.

"Rõ ràng khi họ thực hiện điều gì thì nó đều tiến triển tốt. Họ đã cung cấp dịch vụ Internet cho rất nhiều người và điều đó có lợi cho thương mại điện tử. Nếu hỏi ai có thể điều hành những dự án khổng lồ, câu trả lời là Reliance", ông Sanjay Nayar - Giám đốc tập đoàn đầu tư KKR tại Ấn Độ - nhận định. 

Người giàu nhất châu Á thách thức Amazon của Jeff Bezos ở Ấn Độ - Ảnh 3
Hầu hết người dân ở Mumbai đều sử dụng dịch vụ của Reliance Jio. Ảnh: Reuters. 

Trả lời CNBC, nhà đầu tư công nghệ Kumar Shah cho rằng việc Reliance đầu tư vào thương mại điện tử là bước tiếp theo trong quá trình tận dụng cơ sở khách hàng và mối quan hệ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.  

"Công ty đã xây dựng xong những bước đầu tiên, cung cấp dữ liệu với giá cả phải chăng, thậm chí còn bán điện thoại cho người tiêu dùng để truy cập trực tuyến. Hiện họ đang phát triển thị trường thông qua phần cứng, ví dụ như máy bán hàng điện tử", ông Shah nói tiếp. 

Nhiều nguồn tin cho biết việc Reliance gia nhập sân chơi thương mại điện tử tốn rất nhiều kinh phí. Tập đoàn này đang tìm cách thu hút nguồn vốn bên ngoài, và đang đàm phán với Saudi Aramco về việc có thể bán bớt cổ phần trong hoạt động kinh doanh nhà máy lọc dầu. 

Tin Cùng Chuyên Mục