Người giàu nhất Nhật Bản ‘khuấy đảo’ thời trang Việt Nam

Phương Minh/PLO

Nếu các hãng thời trang ngoại đang hưởng lợi lớn tại Việt Nam thì bức tranh về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nội lại đang khá ảm đạm.

Người giàu nhất Nhật Bản ‘khuấy đảo’ thời trang Việt Nam - Ảnh 1

 

Các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới đang chọn thị trường Việt Nam (VN) là điểm đến hấp dẫn. Đặc biệt, theo thông báo mới công bố của Uniqlo, hãng thời trang này chuẩn bị khai trương cửa hàng đầu tiên tại VN.

Đáng chú ý, Uniqlo là hãng thời trang lớn nhất Nhật Bản và là đế chế thời trang lớn thứ ba thế giới. Ông chủ hãng thời trang nổi tiếng này là doanh nhân Tadashi Yanai, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn Fast Retailing (đơn vị sở hữu Uniqlo), người giàu nhất Nhật Bản với khối tài sản 31,6 tỉ USD và xếp thứ 27 trong danh sách tỉ phú thế giới.

Gã thời trang khổng lồ nhảy vào Việt Nam

Chị Hoàng Oanh, một nhân viên văn phòng ở quận 3, TP.HCM, vốn ưa thích các thương hiệu thời trang ngoại và thường lựa chọn các sản phẩm có mức giá từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tuy vậy, lâu nay chị Oanh thường mua hàng hiệu qua kênh xách tay nên gặp rủi ro như không biết chính xác chất liệu vải, kích cỡ không phù hợp với mình.

Nay các thương hiệu thời trang danh tiếng thế giới như Zara (Tây Ban Nha), H&M (Thụy Điển)… có mặt tại VN đã giúp chị đỡ tốn một khoản chi phí ship hàng và luôn có các mẫu thời trang mới. Đặc biệt, khi thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới là Uniqlo chuẩn bị mở cửa hàng đầu tiên tại VN đang tạo cho chị sự hứng khởi. “Tôi thấy Uniqlo đang xây dựng một dải giá rất hợp lý cho người VN, từ 1 triệu đồng đổ xuống. Chưa kể, chất lượng và thương hiệu Nhật Bản còn là sự bảo chứng cho niềm tin của người tiêu dùng” - chị Oanh bình luận.

Đến thời điểm này Uniqlo đang hoàn tất công đoạn cuối cùng để khai trương cửa hàng ba tầng vào ngày 6-12 tới tại quận 1, TP.HCM. Ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo VN, khẳng định đây là một trong những cửa hàng lớn nhất của Uniqlo tại Đông Nam Á. Hãng hy vọng đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn giữa bối cảnh ngành bán lẻ đang vô cùng sôi động tại TP.HCM. “Chúng tôi phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng, từ người dân địa phương cho đến khách du lịch quốc tế” - ông Osamu Ikezoe cho biết.

Uniqlo đang có tham vọng rất lớn trong việc chiếm lĩnh thị trường châu Á và VN là một thị trường mới để mở rộng bàn đạp phát triển cửa hàng. Ông Satoshi Hatase, Phó Chủ tịch hãng thời trang Uniqlo của Nhật Bản, cho biết VN, Lào và Myanmar nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường của công ty. “Tháng 3-2018, chúng tôi đã lấn sân vào Thái Lan và nhanh chóng thành công. Chúng tôi cũng xác định thị trường Đông Nam Á sẽ giúp công ty tăng trưởng nhanh hơn, vì thu nhập người dân tại đây ngày càng tốt, tầng lớp trung lưu tại đây sẽ tăng cao” - ông Satoshi Hatase tiết lộ khi trả lời phỏng vấn tờ Nikkei.

Người giàu nhất Nhật Bản ‘khuấy đảo’ thời trang Việt Nam - Ảnh 2

 Các hãng thời trang thế giới đang đổ bộ vào Việt Nam và tỉ phú Nhật Tadashi Yanai, ông chủ hãng thời trang Uniqlo (ảnh nhỏ). Ảnh: THU HÀ

Cuộc đối đầu nóng bỏng

Theo giới phân tích, việc Uniqlo mở cửa hàng tại VN là điều hợp lý. Vì các hãng thời trang như Zara, H&M, Mango,... đã có mặt tại VN nên Uniqlo không muốn bị mất phần. Thêm vào đó, Uniqlo đã đưa chuỗi sản xuất từ Trung Quốc về VN để tận dụng chi phí nhân công thấp. Như vậy, với việc mở cửa hàng tại VN sẽ giúp hãng hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín.

Sự xuất hiện của ông lớn Uniqlo đã “khuấy đảo” thị trường thời trang ở VN, khiến thị trường này ngày càng sôi động. Tuy nhiên, Uniqlo sẽ phải đối đầu ngay lập tức với các đại gia thời trang như Zara, H&M vốn đang sở hữu đầy đủ tiềm lực và thương hiệu đủ sức gây sức ép cho bất kỳ thương hiệu thời trang nào. Điều này đã được chứng minh trên thực tế.

Cụ thể, theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn VN (VIRAC), năm 2018, doanh thu của thương hiệu Zara đã vượt 1.700 tỉ đồng. Cùng năm, H&M cũng đạt doanh thu hơn 653 tỉ đồng cao 4,3 lần so với năm trước đó.

Tuy nhiên, vẫn có lý do để tin Uniqlo giành chiến thắng trên thị trường VN. Ông Tadashi Yanai, Giám đốc điều hành Uniqlo, tự tin cho biết hãng đầu tư mạnh gần 100 tỉ yen để xây dựng các kho tự động hóa tại khu vực châu Á và Đông Nam Á nhằm đẩy mạnh hệ thống logistics giúp giao hàng nhanh chóng hơn.

Người tiêu dùng cười, doanh nghiệp Việt méo mặt

Theo ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield VN, thị trường VN đang có sức hấp dẫn với các thương hiệu nước ngoài. Đó là tình hình kinh tế vĩ mô khá tích cực. Thu nhập sau thuế của các gia đình tại VN cũng tăng dần lên qua từng năm. Đây là những tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp bán lẻ.

“Chúng ta thấy Zara đã thâm nhập thị trường VN với mức giá rất cạnh tranh và thương hiệu này đang chiếm thị phần tốt trong lĩnh vực này. Đây cũng là một trong nhiều lý do khiến ngày càng có nhiều doanh nghiệp bán lẻ thâm nhập thị trường VN, điều này có lợi với người tiêu dùng” - ông Alex Crane nói.

Song nếu các hãng thời trang ngoại đang hưởng lợi lớn từ nền tảng cốt lõi của nền kinh tế VN thì bức tranh về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nội đang trở nên khá ảm đạm. Những tên tuổi từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường như PT 2000, Ninomaxx, Blue Exchange, Việt Thy, Ha Gattini… thu hẹp số lượng cửa hàng hoặc sống lây lất qua ngày. Thậm chí nhiều thương hiệu phải bán mình cho thương hiệu ngoại như New hay Vascara.

Theo TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội, để các sản phẩm VN cạnh tranh như các thương hiệu quốc tế là rất khó trong thời gian ngắn. Điều cần làm hiện nay là các doanh nghiệp nên hình thành các chuỗi liên kết; từng bước đi lên theo chuỗi giá trị, cung ứng, thiết kế đi vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có nguồn nhân lực tương xứng giai đoạn 4.0 và các nhà thiết kế thời trang giỏi hiểu xu hướng khách hàng để tung ra bộ sưu tập sản phẩm đủ khả năng cạnh tranh.

Trên thực tế VN cũng có một số thương hiệu cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu trong khu vực và thế giới, ví dụ như May Việt Tiến. Ban lãnh đạo Việt Tiến đang đi rất nhanh trong việc mở rộng thương hiệu trên thị trường nội địa, cung cấp đa dạng các sản phẩm từ cao cấp đến bình dân.

“Đây cũng là bước đi chiến lược của Việt Tiến nhằm từng bước nâng cao thị phần tiêu thụ trong nước, chiếm lĩnh thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt không chỉ với các thương hiệu thời trang trong nước mà còn với các ông lớn nước ngoài” - ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May Việt Tiến, cho biết.

Người Việt chi khủng mua sắm thời trang

Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số các hãng thời trang tăng mạnh cũng là điều dễ hiểu khi người VN ngày càng mạnh tay chi mua sắm hàng thời trang. Ước tính quy mô thị trường thời trang VN đạt mốc 3,8 tỉ USD vào năm 2018 và có thể lên đến 5 tỉ USD vào năm 2021.

Tốc độ chi tiêu cho thời trang tại nước ta tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2021 so với mức trung bình 7% của các năm trước đó.

Tin Cùng Chuyên Mục