Người thừa kế Samsung đối mặt ngày dài ở tòa án

MINH NGỌC

Quyền Chủ tịch Samsung hôm qua (17/1) đối mặt một ngày dài khi phải chờ đợi thẩm phán xem xét trước khi công bố phán quyết về việc có bắt giữ ông để điều tra về cáo buộc đưa hối lộ hay không.

Theo Reuters, ông Lee Jae-Yong là con trai duy nhất của Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-Hee, hiện đang là Phó Chủ tịch nhưng trên thực tế là người điều hành Tập đoàn này kể từ khi ông Lee Kun-Hee bị đau tim hồi năm 2014.

Hồi tuần trước, ông này đã bị các điều tra viên Hàn Quốc thẩm vấn trong suốt 22 giờ với tư cách một nghi phạm trong vụ bê bối đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị Quốc hội luận tội hồi tháng 12 vừa qua.

Người thừa kế Samsung đối mặt ngày dài ở tòa án - Ảnh 1
Ông Lee Jae-Yong (giữa). Ảnh: Reuters

Văn phòng công tố viên Hàn Quốc cáo buộc ông Lee, 48 tuổi, đã đưa hối lộ tổng cộng 43 tỉ won (36,55 triệu USD) cho các tổ chức có liên quan đến bà Choi Soon-sil - bạn thân của tổng thống, cũng là trung tâm của vụ bê bối chính trị hiện nay ở nước này – để đảm bảo nhận được sự ủng hộ của chính phủ đối với việc sáp nhập 2 công ty thành viên của Samsung hồi năm 2015 cũng như củng cố việc kiểm soát của ông ta đối với đế chế Samsung.

Ngoài ra, ông Lee còn bị cáo buộc biển thủ công quỹ vì đã phê duyệt các quyết định trả tiền cho các tổ chức của bà Choi và khai man tại phiên điều trần của Quốc hội.

Nếu bị khởi tố và bị buộc các tội danh trên, ông có thể đối mặt với mức án cao nhất 5 năm tù giam.

Trước đó, ngày 16/1, các công tố viên Hàn Quốc đã xin lệnh bắt giữ ông Lee về các cáo buộc trên. Trong ngày hôm nay (18/1), Tòa án quận trung tâm Seoul sẽ tổ chức phiên điều trần để quyết định về việc có phê chuẩn đề nghị bắt giữ hay không.

Theo một quan chứcở tòa án, ông Lee và luật sư của ông sẽ tới dự phiên điều trần. Một người phát ngôn của nhóm công tố viên đặc biệt nói rằng ông Lee sau đó sẽ bị tạm giam cho đến khi tòa án ra phán quyết.

“Việc thẩm vấn nghi phạm của thẩm phán thường kết thúc trong khoảng thời gian nhanh nhất là 30 phút nhưng có thể kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ với những vấn đề phức tạp. Vụ việc này nhiều khả năng là một vụ việc như vậy.

Sau khi thẩm vấn, thẩm phán sẽ trở lại văn phòng để xem xét hồ sơ và các bằng chứng trong vụ việc cũng như tranh luận với bên công tố và bên nghi phạm” – vị quan chức tòa án nói và dự đoán quyết định cuối cùng nhiều khả năng sẽ chỉ được đưa ra vào rạng sáng 19/1 vì có rất nhiều hồ sơ, bằng chứng và nhiều thứ cần phải xem xét.

Còn trong trường hợp tòa án phê chuẩn lệnh bắt giữ, ông Lee vẫn có thể nộp đơn xin bảo lãnh hoặc kháng nghị. Hiện nay, các nhóm vận động kinh doanh lo ngại rằng việc bắt giữ ông Lee có thể làm suy yếu niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Tuy nhiên, dư luận Hàn Quốc cũng đang sôi sục giận dữ vì vụ bê bối lợi dụng ảnh hưởng liên quan đến bà Park. Ông Kim Kwang-sam – một cựu công tố viên – cho hay, thái độ của công chúng thường có sức nặng đáng kể tới quyết định của thẩm phán trong các vụ việc thu hút sự chú ý như vụ việc của ông Lee.

“Đây là một vụ việc lớn và sự giận dữ của người dân đối với vụ bê bối của bà Choi Soon-sil vẫn rất lớn nên tòa án khó có thể thả ông Lee khi ông này kháng cáo” – ông Kim nói.

Trong một diễn biến có liên quan, văn phòng công tố viên đặc biệt Hàn Quốc ngày 17/1 cho biết, dự kiến sẽ thẩm vấn Tổng thống Park Geun-hye vào đầu tháng 2 tới.

Người phát ngôn của công tố đặc biệt Lee Kyu-chul nói rằng bà Park nhiều khả năng sẽ đồng ý chịu thẩm vấn nhưng cơ quan công tố chưa thảo luận về các chi tiết liên quan đến động thái này với văn phòng của bà Park.

Do là tổng thống nên bà Park được hưởng quyền miễn trừ khởi tố. Tuy nhiên, trước đó, bà nói sẽ chấp nhận để công tố viên đặc biệt thẩm vấn. Bà cũng bác bỏ bất kỳ hành vi sai trái nào.

Bà Park, 64 tuổi, hiện vẫn tại nhiệm nhưng đã bị tước quyền trong lúc chờ Tòa án hiến pháp ra quyết định về việc có phế truất bà hay không. 

Tin Cùng Chuyên Mục