Nhà cung cấp của Apple Foxconn hợp tác với quỹ đầu tư quốc gia Ả Rập Xê Út để sản xuất xe điện

Như Quỳnh

Mẫu xe mới do Foxconn và Ả Rập Xê Út hợp tác sản xuất sẽ được thừa hưởng công nghệ từ BMW.

Tập đoàn công nghệ Đài Loan Hon Hai Precision Industry (hay Foxconn) đã hợp tác với Quỹ Đầu tư Công Ả Rập Xê Út để chế tạo xe điện, động thái cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman đang thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế của vương quốc.

Thương hiệu mới được thành lập từ màn hợp tác sẽ có tên Ceer, dự kiến ra mắt chiếc xe điện đầu tiên vào năm 2025. Công nghệ linh kiện của Ceer được kế thừa từ BMW trong khi khâu thiết kế và sản xuất sẽ được làm bởi người Ả Rập Xê Út, hướng tới phục vụ cho người tiêu dùng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. 

Thái tử Mohammed bin Salman cho biết vào ngày 3/11: “Chúng tôi đang khơi dậy một ngành công nghiệp mới và một hệ sinh thái thu hút đầu tư quốc tế và địa phương, tạo cơ hội việc làm cho nhân tài địa phương, hỗ trợ khu vực tư nhân và góp phần tăng GDP của Ả Rập Xê Út trong thập kỷ tới”.

Trước đó không lâu, Hon Hai Precision Industry cũng vừa thông báo kế hoạch mở rộng mảng kinh doanh xe điện riêng sang Thái Lan, Mỹ và Đài Loan. Công ty đã giới thiệu hai nguyên mẫu xe vào tháng 10 vừa rồi. 

Một mẫu xe điện của Foxconn. Ảnh: CNBC. 
Một mẫu xe điện của Foxconn. Ảnh: CNBC. 

Foxconn là nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới lắp ráp, nổi tiếng với việc chế tạo iPhone và MacBook. Trong vài năm gần đây, tập đoàn đang tìm cách đa dạng hóa doanh thu thông qua việc xây dựng chuỗi cung ứng xe điện hoàn chỉnh từ pin đến chip. Foxconn sẽ chịu trách nhiệm phát triển thành phần điện cốt lõi của xe Ceer.

Chủ tịch Foxconn Young Liu tuyên bố: "Foxconn sẽ tận dụng kiến ​​thức chuyên môn về công nghệ để hỗ trợ tầm nhìn của Ceer về việc tạo ra một loạt các loại xe điện mang tính biểu tượng ... Chúng tôi muốn đưa xe điện trở nên phổ biến và đó là những gì Ceer sẽ đạt được ở Ả Rập Xê Út và những thị trường rộng lớn khác."

Quỹ Đầu tư Công Ả Rập Xê Út cho biết Ceer dự kiến ​​sẽ thu hút hơn 150 triệu USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra 30.000 việc làm và 8 tỷ USD cho GDP của Ả Rập Xê Út vào năm 2034.

Dự án được cho là một phần thuộc chiến lược kinh tế Tầm nhìn 2030 nhằm đưa Ả Rập Xê Út giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục