Nhà đầu tư bất động sản cầm cố nhiều tài sản trong nhà để gồng lãi ngân hàng

Bảo Anh

Sự thực này đang diễn ra ở nhiều nhà đầu tư bất động sản. Không thể bán được bất động sản khiến không ít người lâm vào cảnh “mắc cạn trên đống tài sản”.

Nợ lãi ngân hàng từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, nhiều nhà đầu tư “khát” tiền mặt để trả nợ. Không ít trường hợp rao bán tài sản trong nhà để có tiền mặt gồng gánh bất động sản.

Nhà đầu tư bất động sản cầm cố nhiều tài sản trong nhà để gồng lãi ngân hàng - Ảnh 1

Dù đã hạ giá thu dòng tiền, đến nay, 3 bất động sản của anh M (ngụ Q.2 cũ, Tp.HCM) vẫn ế dài. Đó là 1 căn nhà phố trong khu đô thị tại quận 9, và 2 nền đất nông nghiệp tại Đồng Nai. Vì không có tiền mặt để xoay sở cho khoản lãi gốc hơn 50 triệu đồng mỗi tháng, trong khi thu nhập giảm sút khiến anh M phải rao bán tài sản trong gia đình để tiếp tục chờ thanh khoản.

Theo cách chia sẻ của anh M, anh khá lo lắng về tài sản không có thanh khoản. Trước đây, anh có mức thu nhập tốt cộng với các bất động sản mua vào – bán ra dễ dàng nên khoản nợ ngân hàng không đáng lo ngại. Đến nay, thu nhập giảm, thị trường nhà đất đóng băng không thể bán được. Có những tháng anh phải vay mượn tiền bạn bè để đóng ngân hàng. Anh vay chỗ này trả chỗ kia, chờ bán tài sản.

“Thấy thị trường đất nền phía Nam rục rịch giao dịch, tôi cũng mừng. Thế nhưng, không rõ sao dù đã hạ giá sâu, bất động sản của mình vẫn chưa bán được”, anh M tâm sự.

Dù không tiết lộ nhưng được biết, chiếc xe ô tô của anh M cũng đã cầm cố để vay nóng 200 triệu xoay khoản nợ. Gần đây, anh đang nhờ thêm nhiều môi giới, hạ giá sản phẩm để cố bán ra được.

Cũng rơi vào tình trạng gồng không nỗi tiền ngân hàng, mới đây, anh V, một môi giới kiêm nhà đầu tư đất nền sống tại khu Đông Tp.HCM đã rao bán chiếc xe máy SH mua vào năm 2020. Được biết, sau những lần tham gia môi giới, anh này đã đầu tư lướt sóng nhiều nền đất.

Nền đất giá gần 3 tỉ đồng tại quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) hiện anh đang sở hữu là sản phẩm “lướt sóng không thành công”. Do không thể thoát hàng vào giữa năm 2022, anh V vay ngân hàng để xuống tiền cho lô đất. Thời điểm đó, gần như anh dồn hết tài sản cá nhân, cộng với vay mượn thêm người thân, ngân hàng để ôm đất. Hiện tại, nền đất hạ giá so với giá mua vào khoảng 300 triệu đồng. Dù trong nghề môi giới nhưng anh chào bán sản phẩm cho mình không hề dễ. Theo anh V, nếu giảm giá quá sâu, anh sẽ không đủ tài chính để trả ngân hàng và số nợ còn vay người thân. Cho nên, anh V quyết định bán tài sản cá nhân là chiếc xe SH để chờ thêm thị trường.

Ghi nhận cho thấy, trường hợp mua bất động sản hình thành trong tương lai nhưng chủ đầu tư dừng hỗ trợ lãi suất ưu đãi cũng khiến không ít nhà đầu tư lao đao. Chưa kể, lãi suất ngân hàng tăng khiến chi phí trả nợ của nhà đầu tư trong vòng một năm trở lại đây thêm gánh nặng. Không ít người bán vòng vàng, hoặc vay mượn người quen để lo ngân hàng trong ngắn hạn.

Có nhiều trường hợp nhà đầu tư bán tháo, cắt lỗ để giải vây gánh nặng ngân hàng. Thế nhưng, không phải tài sản nào giảm giá cũng bán được. Tình trạng nhà đầu tư đuối sức khi không ra được hàng ngày càng nhiều trên thị trường bất động sản. Có trường hợp bán lỗ không ai mua đành để ngân hàng siết tài sản.

Thực tế, tình trạng nhà đầu tư mắc cạn trên đống tài sản đã từng diễn ra trước đó, ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu vực vốn là điểm nóng bất động sản. Nhiều người ôm bất động sản, vay ngân hàng với tỉ lệ quá lớn và mất cân đối dòng tiền đã đẩy họ vào thế khó.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng đây là hệ quả tất yếu của nạn đầu tư tràn lan, dùng đòn bẩy tài chính quá đà lúc thị trường nóng sốt. Theo đó, nhà đầu tư trở tay không kịp khi thị trường chuyển xấu kéo dài. Tính bền vững trong đầu tư bất động sản không có. Nhiều người “tay không bắt giặc” thắng đậm vài lần nhưng sau đó đuối sức dần vì tài chính thực không có. Thậm chí, hiện tại dù trong tay có nhiều tài sản nhưng không ít nhà đầu tư phải sống khổ sở, chạy ăn từng bữa.

Tin Cùng Chuyên Mục