Nhà đầu tư bỏ cọc, SCIC lại rao bán hơn 97% vốn một công ty chăn nuôi heo

Theo Người đồng hành

SCIC nâng giá bán cổ phiếu Chăn nuôi Tiền Giang từ 10.000 đồng/cp lên 13.200 đồng/cp. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chăn nuôi Tiền Giang có khoản lỗ lũy kế gần 34 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ 51 tỷ đồng.

Nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc 5 tỷ đồng

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo tổ chức bán đấu giá trọn lô gần 5 triệu cổ phiếu, chiếm 97,42% vốn Công ty cổ phần Chăn nuôi Tiền Giang (Librexco). Với giá khởi điểm 13.200 đồng/cp, SCIC dự thu về tối thiểu 66 tỷ đồng. Giá khởi điểm mới cao hơn mức 10.000 đồng/cp trong phiên chào bán cạnh tranh vào tháng 7.

Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 14h30 ngày 5/10 và không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Vào tháng 7, SCIC đã tổ chức chào bán cạnh tranh lô gần 5 triệu cổ phiếu Chăn nuôi Tiền Giang. Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), phiên đấu giá diễn ra thành công khi một nhà đầu tư cá nhân đã đặt mua trọn lô với giá 20.600 đồng/cp, gấp đôi giá khởi điểm 10.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, việc SCIC thông báo bán đấu giá lại lô cổ phần Chăn nuôi Tiền Giang cho thấy nhà đầu tư cá nhân trúng giá phiên đấu giá cạnh tranh đã bỏ cọc.

Theo quy chế đấu giá, nhà đầu tư sẽ phải đặt cọc số tiền tương đương 10% giá trị số lượng cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm và sẽ không được nhận lại cọc trong trường hợp vi phạm quy chế bán đấu giá như không nộp phiếu tham dự đấu giá, đăng ký nhưng không đặt mua, mua nhưng không thanh toán… Như vậy, nhà đầu tư cá nhân trên đã bị mất số tiền cọc khoảng 5 tỷ đồng.

Lỗ 3 năm liên tiếp, năm 2020 kỳ vọng lãi 179 triệu đồng

Librexco hoạt động trong lĩnh vực nuôi, bán heo giống, heo thịt, tinh heo và chế biến thức ăn chăn nuôi; địa bàn hoạt động tại tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận.

Doanh nghiệp sở hữu xí nghiệp nuôi heo 30/4 với diện tích 281.137 m2. Do ảnh hưởng của dịch bệnh tải lợn châu Phi, tính đến 30/6, đàn heo xí nghiệp có 78 con heo nái sinh sản, 3 con heo thịt và 119 con heo con.

Ngoài ra, doanh nghiệp có sản xuất thức ăn chăn nuôi cho nhiều vật nuôi khác nhau như cá, gà, vịt, heo, bò... với thương hiệu Mỹ Tường. Công ty có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Mỹ Tường với diện tích 10.416 m2.

Kết quả kinh doanh của Librexco không được khả quan trong các năm gần đây. Doanh thu giai đoạn 2017-2019 giảm dần từ 39 tỷ đồng về 22,5 tỷ đồng, nửa đầu năm nay chỉ đạt vỏn vẹn 5,5 tỷ đồng.

Nguồn thu không đủ bù đắp chi phí, công ty lỗ ròng 15,7 tỷ năm 2017 và hơn 7 tỷ mỗi năm giai đoạn 2018-2019, đến nửa đầu năm nay lỗ tiếp 2,8 tỷ đồng.

Đơn vị: Tỷ đồng
Đơn vị: Tỷ đồng

Công ty cho biết thời gian qua đơn vị gặp nhiều khó khăn, biến động trong hoạt động sản xuất như giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi và cạnh tranh trên thị trường… 

Năm 2020, với tình hình khó khăn tiếp diễn, doanh nghiệp đề ra kế hoạch doanh thu 23,5 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước; lãi sau thuế 179 triệu đồng.

Tính đến 30/6, tổng lợi nhuận chưa phân phối của Chăn nuôi Tiền Giang ở mức âm 33,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 17,4 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 51 tỷ đồng. Công ty không có nợ vay. 

Tổng tài sản ghi nhận 18,3 tỷ đồng, nằm chủ yếu ở tài sản cố định 6,9 tỷ, hàng tồn kho 3,5 tỷ và tiền, tương đương tiền 4,8 tỷ đồng.

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn đấu giá, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, mặc dù gặp thuận lợi trong bối cảnh ngành như giá thịt heo có xu hướng tăng và thương hiệu thức ăn chăn nuôi Mỹ Tường lâu năm.

Tuy nhiên, mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chăn nuôi heo và chế biến thực phẩm trước đây của công ty không còn do quá trình thực hiện lộ trình cổ phần hóa bị thu hồi phần đất tại xí nghiệp chế biến thực phẩm, gây bất lợi cho hoạt động công ty.

Mặt khác, doanh nghiệp hạn chế trong dự báo thị trường chung để đề ra giải pháp khắc phục kịp thời; máy móc, dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tuổi đời trên 20 năm nên năng suất kém, chi phí bảo trì bảo dưỡng cao, hao hụt trong sản xuất lớn…

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục